Cách nào giúp doanh nghiệp SME vượt qua ‘ao làng’?
(DNTO) - Hàng Việt đang được đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, những rào cản về thiếu thông tin xuất khẩu, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế, coi nhẹ trách nhiệm xã hội… vẫn tiếp tục khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chật vật.
“Cú hích” từ bán hàng xuyên biên giới
Trao đổi trong Hội thảo “Xuất khẩu hàng Việt ra thế giới cùng Amazon”, sáng 28/4, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) - cho biết, bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử ngày càng được doanh nghiệp Việt quan tâm, với mong muốn mở rộng kênh xuất khẩu khi thị trường bị thu hẹp do dịch Covid-19.
Do vậy, trong thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã "bắt tay" với nhiều nền tảng thương mại điện tử, trong đó có sàn Amazon, để tổ chức những buổi hội thảo, tập huấn cho các doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Bà Lại Việt Anh cho hay, theo số liệu Amazon Global Selling cung cấp, hiện đã có hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam thông qua nền tảng thương mại điện tử Amazon để bán hàng hóa ra ngoài thế giới. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp có doanh thu vượt mốc 1 triệu USD trong năm 2020 tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Dẫn chứng từ địa bàn Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội cho biết, việc đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn thương mại điện tử đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu nhiều khoản đầu tư vào cửa hàng truyền thống, cũng như chi phí tiếp cận và tìm kiếm khách hàng mới.
“Những người bán hàng tham gia chương trình bán hàng qua sàn thương mại điện tử ghi nhận doanh số tăng gấp 3, vượt mốc trên 1 triệu USD trong năm 2020, góp phần vào chỉ tiêu xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của TP. Hà Nội nói riêng” - bà Phương Lan thông tin.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có trên 330.000 doanh nghiệp, trong đó 90-95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhưng tỷ trọng xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 35-40% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố, vì vậy, theo bà Lan, các doanh nghiệp rất cần có thêm những hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa trực tuyến.
Doanh nghiệp SME còn thiếu gì?
Thế nhưng, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử tưởng chừng đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện, đặc biệt trong điều kiện doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng thừa nhận, mặc dù nhận ra lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế, nhưng nhiều người bán hàng Việt Nam vẫn chần chừ vì chưa thực sự làm quen với khái niệm và thủ tục liên quan đến xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như thiếu kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực này.
Đồng tình với quan điểm này, ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia Amazon Global Selling Việt Nam cũng chỉ ra khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận với sàn thương mại điện tử quốc tế là khả năng tiếp cận thông tin về xuất khẩu.
Theo ông Gijae Seong, thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa có cơ hội xuất khẩu hoặc mới chỉ xuất khẩu cho các công ty nước ngoài nhưng đặt trụ sở tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đa phần mới chỉ có kinh nghiệm B2B (doanh nghiệp – doanh nghiệp), còn kinh nghiệp B2C (doanh nghiệp – khách hàng) chưa có.
Trong khi đó, tham gia vào các sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp phải trực tiếp bán hàng cho khách hàng đầu cuối, vì vậy, họ chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý toàn bộ vấn đề xảy ra trong quá trình đó như thế nào, cũng như kinh nghiệm về nền tảng số…
“Chúng tôi có thể hỗ trợ mọi quy trình đưa sản phẩm lên sàn Amazon nhưng không thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt tất cả mọi thứ, cụ thể như các vấn đề pháp lý, thuế… Thay vào đó, doanh nghiệp phải chủ động và chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ khác như DHL, SMS Việt Nam để hỗ trợ dịch vụ vận chuyển” - ông Gijae Seong cho hay.
Ông Daniel J.Fitzpatrick - Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và Nâng cao năng lực kết nối của Doanh nghiệp nhỏ và vừa, do USAID tài trợ, cho biết, trong thời đại khách hàng có nhiều sự lựa chọn giữa các mặt hàng, doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt tiêu chuẩn ISO để tồn tại một cách bền vững, bởi hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt “đi lối tắt”, làm việc với những đơn vị tư vấn không chuẩn, sử dụng tài liệu giả mạo.
“Vấn đề đạo đức kinh doanh cần đặt lên hàng đầu vì người tiêu dùng ở những quốc gia phát triển luôn coi trọng vấn đề này. Khi lựa chọn một sản phẩm, họ thường đặt câu hỏi sản phẩm có đáp ứng tiêu chuẩn môi trường hay không, doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đối xử với người lao động như thế nào, có sử dụng lao động trẻ em hay không.
Ví dụ như sản phẩm gỗ, khách hàng quốc tế thường quan tâm đến việc doanh nghiệp cung cấp có đáp ứng tiêu chuẩn khai thác bền vững không…” - ông Daniel J.Fitzpatrick nhấn mạnh và cho biết thêm, mặc dù đây là những tiêu chuẩn mới mẻ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, thậm chí họ coi những tiêu chuẩn này là gánh nặng, nhưng nếu muốn đưa sản phẩm tiến sâu ra quốc tế thì bắt buộc phải làm.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã phối hợp với Amazon Global Selling khởi xướng chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa”.
Chuỗi hoạt động bao gồm nhiều chương trình giáo dục và đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới với các chủ đề: Bán hàng trên Amazon, Quá trình thiết lập gian hàng, Dịch vụ hoàn thiện đơn hàng, Xây dựng thương hiệu trên Amazon…
Doanh nghiệp có thể tham gia chương trình và đăng ký tại địa chỉ: https://amazon.idea.gov.vn