Nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021
(DNTO) - Theo TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công thương, năm 2021 vẫn là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Về dài hạn, dự báo thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian từ nay đến 2025 có nhiều cơ hội mới, khi mà giá gạo xuất khẩu sẽ tăng từ 15-20%.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vượt Thái Lan vươn lên dẫn đầu thế giới
TS. Quỳnh Hoa cho biết, năm 2020, trái ngược với sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo lần lượt đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng, nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Dẫn chứng số liệu, bà Hoa cho biết, về kim ngạch xuất khẩu, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo lần lượt đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng, nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt giá trị xuất khẩu gạo liên tục tăng trưởng khá đều qua các tháng.
Từ 1/12 đến 15/12/2020, Việt Nam xuất khẩu thêm được 211.000 tấn gạo, trị giá 114 triệu USD.
Bà Hoa cho biết, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thợm gạo japonica, gạo nếp. Điều này góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020, bình quân đạt khoảng 493 USD/tấn, tăng hơn 12% so với năm 2019.
Từ giữa tháng 7/2020 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, thậm chí vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.
Về thị trường xuất khẩu, trong 11 tháng đầu năm 2020, Philippines đứng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, đạt trên 1,94 triệu tấn, tương đương 910,16 triệu USD, giá trung bình 468,9USSD tấn, giảm 1,66% về lượng, nhưng tăng 11,8% về kim ngạch, và tăng 13,7% về giá so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 34,04% trong tổng lượng gạo xuất khẩu, chieeusm 32,18% trong tổn kim ngạch xuất khẩu.
Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, với 752.307 tấn, tương đương 431,67 triệu USD, giá trung bình 573,8 USD/tấn, tăng mạnh 66,3% về lượng, tăng 91,6% về kim ngạch, và tăng 15,26% về giá so với cùng kỳ 2019, chiếm 15,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2021
Nói về triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021, TS. Hoa cho hay, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 1/2021 tiếp tục ghi nhận những kết quả tốt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu về lương thực vẫn tiếp tục tăng khi các thị trường xuất khẩu chính thức của Việt Nam như Philippines, các nước Đông Nam Á, châu Phi… tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam, đồng thời các thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào, trong đó điển hình phải kể đến Trung Quốc và Bangladesh…
Trung Quốc đang có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo do giá trong nước tăng mạnh vì dịch Covid-19 và thời tiết bất lợi. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam, nhất là khi hai nước đang thiết lập một đường dây nóng để tạo thuận lợi cho thuwong mại các loại nông sản, trong đó có gạo, sau giai đoạn hoạt động giao thương giữa hai bên gặp khó khăn vì Covid-19.
Trong giai đoạn từ nay đến 2025 và xa hơn đến 2030, việc mở rộng tự do hóa thương mại và thực thi các FTAs thế hệ mới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển thị trường xuất khẩu gạo.
“Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Âu có triển vọng tăng trưởng tốt trong năm 2021 và các năm tiếp theo, khi mà hai nguồn cung lớn của EU trong nhiều năm qua là Campuchia và Myanmar đang phải chịu thuế suất tuyệt đối cho đến hết năm 2021. Xuất khẩu gạo của Việt nam sang EU hiện mới chỉ bằng 1/10 so với Myanmar, 1/6 Thái Lan và ¼ Campuchia, do đó vẫn còn nhiều dư địa cho mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam tại EU. Đặc biệt, xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam sang EU sẽ lạc quan hơn, vì đây là cơ hội lớn để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường EU về giá và chất lượng”, bà Hoa nói.
Dự báo về dài hạn, bà Hoa cho biết thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian từ nay đến 2025 có nhiều cơ hội mới, khi mà giá gạo xuất khẩu sẽ tăng từ 15-20%. Nguyên nhân là do nhu cầu tăng cao nhưng nguồn cung gạo thế giới bị hạn chế. Cụ thể, nhu cầu dự trữ gạo của các quốc gia nhập khẩu lớn sẽ tăng do dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, sản lượng lúa gạo của một số nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ… bị sụt giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lũ lụt…
Để thúc đẩy sản xuất lúa gạo của Việt Nam, bà Hoa khuyến nghị, ngành lúa gạo gần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống mới, ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường trong nước và thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng các quy trình kỹ thuật canh tác giảm đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước… và bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành… cần thực hiện tốt việc bảo hộ cho giống lúa ST25. Trong đó cần tăng cường quản lý, chống hàng giả, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm nhằm bảo hộ tốt thương hiệu gạo Việt Nam,
“Đặc biệt, để phát triển xuất khẩu gạo bền vững, việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cần phải theo tín hiệu thị trường, từ đó định hướng quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Chú trọng việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu nhằm ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân”, bà Hoa nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền khép kín theoo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nhằm bảo đảm khả năng cung ứng các sản phẩm chất lượng phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp như EU.
“Các doanh nghiệp cần phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị người châu Âu như bánh cuốn, gạo lứt, cơm đóng hộp…, đồng thời thực hiện quảng bá nhiều hơn, cung cấp thông tin toàn diện về hương vị, lợi ích của các sản phẩm chế biến từ gạo của Việt Nam cho các khách EU”, bà Hoa nói.