Yếu tố nào kìm hãm đà tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới?
(DNTO) - Chi phí nguyên liệu, logistics gia tăng, sự thay đổi hàng rào kĩ thuật của các nước nhập khẩu là những yếu tố cản trở đà tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Xuất khẩu tiếp tục được trợ lực từ các Hiệp định
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3, nhưng theo số liệu từ Bộ Công thương vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao 22% trong quý I/2021 (theo Bộ Công thương).
Mức tăng trưởng này được đánh giá là tương đối cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia tăng 8,56%, Singapore tăng 1,1%, Hàn Quốc tăng 10,5%, Nhật Bản tăng 9%, Thái Lan giảm 1,16%...
Trong quý I/2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 2,03 tỷ USD, qua đó hỗ trợ tích cực cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ghi nhận sự phục hồi trở lại (tăng 4,9% so với cùng kỳ), trong khi khối FDI tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng chung (tăng 28,5%).
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, các Hiệp định thương mại tự do được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao đạt kết quả tích cực…
Ngoài ra, việc tiêm vắc xin Covid- 19 được triển khai mạnh mẽ trên toàn cầu sẽ giúp nền kinh tế phục hồi tốt hơn, cải thiện nhu cầu trên toàn cầu, cùng với trợ lực từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ sẽ giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các nước.
Cùng với nhu cầu tăng trở lại, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng. Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Gạo tăng 18,6%, đạt 547 USD/tấn; cà phê tăng 6,8%, đạt bình quân 1.801 USD/tấn; chè tăng 10,2%, đạt bình quân 1.604 USD/tấn; cao su tăng 14,1%, đạt bình quân 1.660 USD/tấn; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 9,3%. Đặc biệt, giá hạt tiêu tăng mạnh nhất, tăng tới 31,5%, đạt bình quân 2.879 USD/tấn.
Đặc biệt, Việt Nam có thêm một trợ lực lớn đến từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA. Các Hiệp định này được xem là chìa khóa để hàng hóa của Việt Nam mở cửa bước vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ xuất khẩu sang EU tăng trưởng nhanh, tăng tới 18% trong 3 tháng đầu năm 2021.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm 2021 như: Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chilê tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, New Zealand tăng 35,1%...
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh cũng tăng 22,1% trong 3 tháng đầu năm nay, sau khi Hiệp định UKVFTA được thực thi tạm thời từ 1/1/2021.
“Việc tận dụng khá tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới”, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.
Vẫn còn nhiều yếu tố cản trở xuất khẩu
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương dù nhiều quốc gia đã đẩy mạnh triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng ngừa nhưng dịch Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, điều này vẫn khiến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tại châu Âu, nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực như Đức, Pháp và Italia tiếp tục phải gia hạn lệnh phong tỏa tại một số địa phương để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Điều này có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm, gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.
Cụ thể, chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc (địa phương có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) yêu cầu mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu phải có đủ 4 loại giấy tờ gồm: giấy chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu, chứng nhận khử trùng, thông tin truy xuất nguồn gốc hợp pháp và xét nghiệm axit nucleic âm tính với Covid-19.
Hàn Quốc yêu cầu các nhà xuất khẩu phải có chứng nhận chứng minh rằng các sản phẩm thủy sản không nhiễm virus div1, vius hồ cá rô, virus viêm gan tụy hoại tử, salmonid alphavirus và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Quy định này sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/8/2021.
Đối với thị trường Australia, sản phẩm tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Australia phải được kiểm tra, phân hạng tại cơ sở chế biến được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận và kiểm soát; không có các dấu hiệu mắc bệnh; mỗi lô tôm sản xuất (sau chế biến) được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với virus đốm trắng, đầu vàng...
Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu vẫn tiếp tục leo thang, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.