Tận dụng EVFTA, xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng
(DNTO) - Tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, xuất siêu trong 2 tháng đầu năm sang thị trường EU đạt 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước.
Từ thời điểm 1/8/2020, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung, xuất khẩu sang thị trường EU nói riêng đã đạt những kết quả hết sức ấn tượng. Tính đến hết tháng 12/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất khẩu bình quân tháng đạt khoảng 3,12 tỷ USD/tháng.
Bộ Công Thương cho biết, chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, khiến xuất siêu trong 2 tháng đầu năm với thị trường EU là 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thủy sản là một trong những mặt hàng điển hình, ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu sang EU đáng kể nhờ tác động của Hiệp định EVFTA dịp đầu năm nay. Trị giá xuất khẩu thủy sản trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng trong tháng 1/2021, trị giá xuất khẩu thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường, trong đó EU là một trong những thị trường có trị giá tăng mạnh hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 63,97 triệu USD.
Điểm đặc biệt là thời gian gần đây, thị trường khu vực Bắc Âu đang gây nhiều sự chú ý trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương nhận định, nhờ EVFTA, các mặt hàng nông sản của Việt Nam được nhận định sẽ có thêm nhiều “đòn bẩy” để tiến sâu hơn vào thị trường các nước khu vực Bắc Âu, nơi trước đây vốn chủ yếu ưa chuộng nhập khẩu hàng hóa từ các nước châu Âu.
Nhận định này là có cơ sở bởi theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), trong số 30 nước có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất vào Bắc Âu, châu Á chỉ có một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan... Trong các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất tại khu vực Bắc Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều thậm chí còn tăng trong thời gian dịch bệnh.
Ông Phan Đăng Đương, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, trong bối cảnh các nước EU đang tích cực triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19, tình hình dịch bệnh được kỳ vọng sẽ được kiểm soát, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng và kinh tế có bước hồi phục, giao thương trở lại bình thường sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tăng cường xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào thị trường Bắc Âu.
“Trong năm 2021, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển định hướng sẽ triển khai nghiên cứu và áp dụng các hình thức xúc tiến thương mại online để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Trong đó việc đưa vào vận hành website tiếng Anh của Thương vụ (https://vietnordic.com/) ngày 8/3 vừa qua là một trong những giải pháp để tạo thuận lợi cho loạt hoạt động này”, ông Đương nêu rõ.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, các nước Bắc Âu tiếp tục tập trung nguồn lực để phục hồi kinh tế sau đại dịch, do đó nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ dự kiến tăng mạnh sau một thời gian dài bị kìm hãm. Nhiều dự báo cho thấy, xuất nhập khẩu trung bình năm 2021 của các nước Bắc Âu sẽ tăng khoảng 5%, riêng Iceland tăng khoảng 17%.
Đặc biệt, việc xuất hiện làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang một số địa điểm khác, trong đó có Việt Nam cũng sẽ là cơ hội giúp Việt Nam thu hút đầu tư và mở rộng cơ hội thị trường, trong đó có khu vực Bắc Âu. Trong khi đó, về chủ trương, chính sách và cơ chế hợp tác, Việt Nam không kém thuận lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở khu vực châu Á. CPTPP, EVFTA và sắp tới là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới cho Việt Nam về cả thương mại và đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và Bắc Âu cho biết, việc đưa trang website của Thương vụ vào hoạt động sẽ tăng cường việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam, những cơ hội do EVFTA mang lại. Trang web sẽ là nơi quảng bá hoàn toàn miễn phí cho DN và sản phẩm Việt Nam. Cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam sắp xếp theo ngành hàng để doanh nghiệp Bắc Âu dễ dàng tra cứu.
“Trước mắt, trang web tập trung quảng bá cho 6 ngành hàng chủ lực của Việt Nam là trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may và da giày là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định EVFTA, sau đó sẽ mở rộng sang các mặt hàng khác khi có cơ hội. Về lâu dài, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển muốn phát triển trang web thành nơi giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam và khu vực Bắc Âu, không chỉ là thương mại mà còn cả đầu tư, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp hai nước”, bà Thúy nhấn mạnh.
Hiện nay, tình hình thị trường thế giới cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực khi các quốc gia lớn như khu vực EU và Mỹ đã triển khai tiêm vaccine phòng dịch Covid-19. Tại Việt Nam, dù trong tháng 1 vừa qua có sự lo ngại sự bùng phát dịch bệnh trở lại, tuy nhiên hiện nay tình hình đã được kiểm soát. Bởi vậy, trong thời gian tới, hoạt động thương mại có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng tích cực