Nhượng quyền thương hiệu sẽ bùng nổ sau EVFTA, đâu là cách giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro?
(DNTO) - Mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đã chứng minh được hiệu quả khi giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng thương hiệu, gia tăng giá trị. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm đến tính pháp lý và mô hình kinh doanh này.
Việt Nam sẽ bùng nổ nhượng quyền thương hiệu
Việt Nam hiện đứng thứ 8/12 thị trường nhượng quyền kinh doanh phát triển nhất thế giới, theo Hiệp hội Nhượng quyền Quốc tế. Trong đó, các lĩnh vực tiềm năng cho các doanh nghiệp nhượng quyền bao gồm: thực phẩm - đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp - chăm sóc da, cửa hàng tiện lợi,...
Theo Ths.Trần Kiên, chuyên gia pháp lý cao cấp tại Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, với hiệu ứng từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong vài năm tới, Việt Nam sẽ là điểm đến của các thương hiệu quốc tế và sẽ có hai loại hình kinh doanh tăng trưởng mạnh, thu hút dòng tiền đầu tư là nhượng quyền thương hiệu và mua bán sáp nhập.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thúc Khoa, nhà sáng lập Học viện Tài chính Đầu tư Fincash, cho biết, mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu có nhiều ưu điểm hơn so với việc mở chuỗi, do không đòi hỏi về vốn, nhân sự, mặt bằng, khảo sát thị trường… nên sẽ bùng nổ trong 3 năm tới.
Đưa ra dẫn chứng doanh nghiệp của mình, ông Nguyễn Thúc Khoa cho biết, khi kinh doanh mô hình trung tâm tiếng Anh, với hình thức mở chuỗi, doanh nghiệp của ông phải mất tới 5 năm để xây dựng 5 cơ sở. Tuy nhiên khi làm nhượng quyền, chỉ trong 1 năm đã xây dựng được 52 trung tâm tiếng Anh trên cả nước.
“Làm nhượng quyền tốc độ mở rộng thương hiệu nhanh bởi không bị áp lực về nguồn vốn. Thứ hai, khi nhượng quyền sẽ có dòng tiền cực lớn từ việc bán nhượng quyền và doanh thu hàng tháng các cơ sở nhượng quyền rót về. Bên cạnh đó là gia tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp từ việc gia tăng giá trị thương hiệu”, ông Khoa cho biết.
Không nên đầu tư nhượng quyền kiểu "bắt trend"
Cũng theo ông Trần Kiên, với những lợi thế của nhượng quyền, hiện có nhiều nhóm đầu tư nhượng quyền theo kiểu “bắt trend” (chạy theo xu hướng - PV). Những nhóm này rất nhanh chóng cập nhật nhu cầu của thị trường, chú trọng đầu tư thiết kế thẩm mỹ, chạy quảng cáo thương hiệu rầm rộ và thu hút lượng lớn người quan tâm.
Tuy nhiên, người mua nhượng quyền phải hết sức cẩn trọng. Cần xem xét mô hình kinh doanh có hiệu quả hay không, lợi nhuận bao nhiêu, quy trình của họ đã được đồng bộ và tối giản hay chưa và cần tính toán chi tiết quy mô thị trường của ngành hàng đó trên thị trường.
Bởi theo ông Kiên, dù thương hiệu rất lớn, quy trình ổn, hệ thống bài bản nhưng cầu của thị trường không còn nhiều, việc mua nhượng quyền ở thời điểm đó để kinh doanh chưa chắc có lợi nhuận, thậm chí kết quả có thể không bằng việc mua nhượng quyền của thương hiệu nhỏ nhưng có khả năng tăng trưởng.
Về phía bên bán nhượng quyền, ông Kiên cho hay, một số đơn vị không chú trọng vào việc thu hút dòng tiền và phát triển bền vững mà mục tiêu là tăng trưởng nhanh chóng thương hiệu để “đánh phủ” thị trường, chiếm lĩnh thị phần trong lĩnh vực đó.
Với mục tiêu khác nhau, bên nhượng quyền sẽ có tiêu chí người mua khác nhau. Nếu họ tập trung vào sự phát triển bền vững, tiêu chí lựa chọn người mua khắt khe hơn. Còn muốn ăn xổi, chiếm lĩnh thị trường, tiêu chí đặt ra cho người mua đơn giản hơn, thậm chí chỉ cần đủ tài chính.
Cũng theo vị chuyên gia pháp lý này, để tránh rủi ro về mặt pháp lý, doanh nghiệp cần nhanh chóng bảo hộ thương hiệu vì quá trình này mất khá nhiều thời gian, khoảng 15-18 tháng.
“Chưa nói đến việc thương hiệu có khả năng được bảo hộ hay không. Chừng nào chưa được cấp bảo hộ, chừng đó thời gian khả năng xâm phạm thương hiệu có thể xảy ra, điều đó có nghĩa hệ thống của anh chị sẽ “bay” bởi đối thủ đầu tư mạnh tay hơn. Lúc này chúng ta không thể bảo vệ thương hiệu vì không được pháp luật bảo vệ”, ông Kiên nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Thúc Khoa, trong trường hợp bên mua thỏa thuận chi trả % doanh thu/tháng cho bên bán, doanh nghiệp muốn chuyển nhượng thương hiệu cần chú trọng quản lý tài chính, đầu tư công nghệ để kiểm soát doanh thu của các cửa hàng chuyển nhượng.
Để khuyến khích bên mua nhượng quyền, ông Khoa cho hay, doanh nghiệp chuyển nhượng cần tính toán tài chính chi tiết cho các cửa hàng nhượng quyền như: chi phí đầu tư ban đầu bao nhiêu, doanh thu trung bình mỗi tháng, sau bao lâu thu hồi vốn… Sau đó đóng gói quy trình để chuyển giao. “Đối với những cơ sở chuyển nhượng đầu tiên, nên để giá chuyển nhượng ở mức thấp nhất có thể để tạo một nền tảng ban đầu mở rộng hệ thống, thu hút người tiếp theo”, ông Khoa nêu quan điểm.