Bán lẻ, nhượng quyền hậu Covid-19: Làm thật và linh hoạt
(DNTO) - Bán lẻ, nhượng quyền trong mùa cuối năm và hậu Covid-19 sẽ đi về đâu? Đây là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm khi năm 2020 vẫn ngổn ngang trước mắt.
Câu trả lời được ghi nhận tại hội thảo “Công nghệ cửa hàng & Nhượng quyền Thương hiệu 2020” do Coex Vietnam, Retail and Franchise Asia và Vinexad tổ chức sáng 7/11, chính là: doanh nghiệp phải sáng tạo, linh hoạt và thật sâu sát với doanh nghiệp, thị trường của mình.
Doanh nghiệp: Phải tạo kênh bán hàng online
Covid-19 đã làm người tiêu dùng thay đổi mọi thói quen trong cuộc sống là điều được nhiều chuyên gia lưu ý.
Ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia của Công ty nghiên cứu thị trường Neilsen Việt Nam cho biết Covid càng làm cho người dân chọn mua online nhiều hơn. Số liệu nghiên cứu vào T3/2020 của đơn vị này cho thấy người tiêu dùng chọn mua online là 25%, mua qua kênh siêu thị 7%, tạp hóa 6%, chợ 3%...
Neilsen cũng đưa ra khuyến nghị với các doanh nghiệp đó là cải thiện trải nghiệm mua sắm cho khách hàng sẽ giúp tăng trưởng doanh thu.
Theo đó, các kênh hiện đại sẽ là sức đẩy chính cho tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), chủ yếu đến từ các cửa hàng nhỏ CVS/Mini mart… Đồng thời kênh thương mại điện tử sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn sau Covid-19. Do vậy những doanh nghiệp nào chưa có kênh bán hàng online thì phải nhanh chóng nghĩ ngay đến sự thay đổi này và không thể chần chờ hơn được, nếu không muốn…tổn thọ.
Ngay cả những ngành hàng thiết yếu hoặc không thiết yếu thì cơ hội vẫn có cho các doanh nghiệp nếu tìm thấy chìa khóa: bán hàng đúng kênh, tăng trải nghiệm cho khách hàng và tiếp tục chăm sóc chu đáo khách hàng ngay cả sau khi mua hàng.
Mặt khác, ông Dũng cũng lưu ý rằng người tiêu dùng đã và quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe nên ngành hàng này sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng tốt nếu doanh nghiệp biết đầu tư, khai thác triệt để.
Nhượng quyền: Phải linh hoạt
Nhượng quyền sau Covid-19 có vẻ khó khăn hơn, khó triển khai hơn khi tâm lý tiêu dùng, tâm lý nhà đâu tư cũng khác trước? Tuy nhiên không hẵn như vậy, mà có khi là ngược lại.
Bằng chứng cho điều này là ông Phạm Hoàng Long – Nhà đồng sáng lập của chuỗi 25Fit cho biết chỉ từ tháng 6 đến nay, 25 Fit đã nhanh chóng mở chuỗi với 10 chi nhánh tập thể hình có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại và sẽ còn tiếp tục phát triển nhiều chi nhánh mới.
Chuyên gia Nhượng quyền Nguyễn Phi Vân nói rằng một nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ không thể tự làm tất cả mọi thứ vì sẽ rất rủi ro. Mô hình nhượng quyền tốt với cả đội ngũ hỗ trợ phía sau sẽ an toàn hơn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư nên sẽ có cơ hội phát triển sau Covid-19.
Làm nhượng quyền phải có tư duy “gieo trồng” chứ không phải đi săn bởi gieo trồng tốt thì mới có trái ngọt và phát triển bền vững. Nguyễn Phi Vân - Chuyên gia nhượng quyền
“Dù vậy, thời kỳ hậu Covid-19, câu chuyện là nhượng quyền phải rất khác. Doanh nghiệp phải hết sức linh hoạt và biết ứng phó tốt để thích ứng với thị trường thay đổi quá nhanh”, bà Vân chia sẻ.
Muốn vậy, doanh nghiệp phải xông xáo, xốc vác, “chuyên” hơn, phải “đáp” xuống đất, làm việc với nhau bằng thực tế và bằng số liệu được số hóa, chính xác và có thể nhìn được, ra quyết định được.
Tất cả các câu hỏi này đòi hỏi nhà nhượng quyền phải ngồi cùng với đội ngũ để tìm ra lời giải. Và không có cách nào khác là phải làm thật, làm nhanh, số hóa, quy trình hóa, chuẩn hóa hệ thống, linh hoạt và thực tế thì mới có thể tạo nên sự khác biệt, tạo giá trị mới cho doanh nghiệp và nhà đầu tư để xây dựng nhanh hệ thống chuỗi và chiếm ưu thế trên thị trường.
Cuối cùng, theo bà Nguyễn Phi Vân, ngành bán lẻ, nhượng quyền hay bất cứ một ngành nghề nào khác đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải có tư duy chiến lược.
“Làm tướng là phải bao quát thế trận. Phải chuẩn bị cho bước tiếp theo, những năm tiếp theo sẽ làm gì và phải có tư duy “gieo trồng” chứ không phải đi săn bởi gieo trồng tốt thì mới có trái ngọt và phát triển bền vững, lâu dài”, bà Phi Vân chia sẻ.
Hội chợ Triển lãm "Việt Nam International Retail & Franchise Show" sẽ diễn ra từ 17-19/12 tại Trung tâm SECC, Q.7, TP.HCM.