Kế hoạch 'đi trước đón đầu', đảm bảo nguồn cung ứng nông sản trong mọi tình huống
(DNTO) - "Các địa phương cần chủ động "đi trước đón đầu', chuẩn bị các kịch bản phù hợp với những biến động của dịch Covid-19. Mục tiêu phải đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thực phẩm, nhu yếu phẩm, đảm bảo đời sống của người dân trong và sau dịch Covid-19" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định.
Chủ động nhiều giải pháp
Tại cuộc họp về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19, chiều 12/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, khả năng sau dịch, khu vực phía Nam sẽ thiếu nông sản nên cần chuẩn bị sản xuất để có thể cung ứng không chỉ cho các địa phương phía Nam. Do đó, các lĩnh vực phải có kế hoạch sản xuất và “đi trước đón đầu”.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chính sự đóng góp lớn của các địa phương sản xuất nông nghiệp, đặc biệt như Hải Dương, Bắc Giang nên toàn ngành nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, hai địa phương này cần chuẩn bị sẵn sàng vật tư nông nghiệp cho sản xuất và có phương án mở rộng diện tích, tăng quy mô đàn, sử dụng giống chất lượng để tăng quy mô, hiệu quả sản xuất" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Cùng với đó, xây dựng các phương án phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Hiện nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, thủy sản đã có kế hoạch phòng, chống cấp quốc gia nên các địa phương phải chủ động để sớm mua và tiêm vaccine phòng ngừa.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát những tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất để phổ biến cho người dân tổ chức sản xuất hiệu quả. Việc chỉ đạo sản xuất phải tính đến đáp ứng đúng yêu cầu thị trường xuất khẩu mục tiêu.
Chỉ đạo thêm về giải pháp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý các địa phương và đơn vị chức năng của bộ cần phải đi trước đón đầu bằng những kế hoạch mở, linh hoạt theo tình hình dịch Covid-19.
“Để tổ chức sản xuất, cần lên phương án mở rộng diện tích ở đâu, tăng đàn chỗ nào, sử dụng giống gì, đó là những yếu tố đầu vào rất quan trọng để có thể tăng tốc trong thời gian tới” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài sản phẩm trồng trọt, phương án chuẩn bị các mặt hàng thực phẩm như gia cầm và thủy sản cũng được thảo luận trong hội nghị. Đa số các ý kiến đều cho rằng, giải pháp thích hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là đẩy mạnh chế biến và lưu trữ.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong tình hình giãn cách xã hội hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm tươi sống sẽ giảm, thay vào đó những loại thịt đã được sơ chế, chế biến sẽ chiếm được lợi thế do tiện vận chuyển, sử dụng. Sản phẩm mà ông Trọng đưa ra ví dụ có thể áp dụng hình thức này là gà đồi của Bắc Giang.
Trong khi đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đánh giá cao tiềm năng về cá nước ngọt của Hải Dương, cụ thể là cá rô phi.
“Tỉnh Hải Dương có thể nghiên cứu thành lập các cơ sở sơ chế, chế biến cá rô phi và các loại cá nước ngọt khác, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịch” - ông Trần Đình Luân nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Quân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng đề xuất mở rộng các cơ sở chế biến, tạo thành những trung tâm chế biến theo vùng. Ngoài ra, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến hoạt động hiệu quả hơn.
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến của 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chế biến không chỉ giúp thuận tiện trong vận chuyển, tiêu thụ mà còn làm nâng cao giá trị sản phẩm.
“Vấn đề này có thể tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm, phối hợp với địa phương để triển khai cho hiệu quả”, Thứ trưởng chỉ đạo và cho biết thêm trong thời gian tới, sẽ tổ chức hội nghị riêng về vấn đề này, thành phần tham gia là các tỉnh và doanh nghiệp.
Đồng thời, giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nghiên cứu, mở rộng thêm các thị trường, không chỉ trong nước mà phải vươn ra toàn cầu cho các mặt hàng nông sản chủ lực, có thế mạnh của Bắc Giang và Hải Dương.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay, lượng thịt vào TP.HCM chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, chủ yếu là do tình hình dịch bệnh, các cơ sở giết mổ đứt gãy sản xuất, số đơn vị có thể hoạt động cũng rất khó khăn.
Hiện 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức tại TP.HCM đều tê liệt. Còn tại Hà Nội, ngoài các chợ đầu mối Long Biên, Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam hiện đã tạm dừng hoạt động, còn lại 29 trung tâm thương mại, 458 khu chợ cộng với 1.800 điểm bán hàng, 780 cửa hàng tiện ích đang hoạt động. Vì vậy, phải đặt ra phương án cung cấp lương thực, thực phẩm cho Hà Nội thế nào để chủ động đề phòng diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài.
"Trong bối cảnh Hà Nội và các địa phương lân cận đang đối mặt với tình hình Covid-19 phức tạp, các công ty có cơ sở giết mổ nên hoạt động theo mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra các chuỗi cung - cầu khép kín để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh cũng như đảm bảo nguồn cung thịt đến người tiêu dùng" - Thứ trưởng Tiến cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu dịch bệnh kéo dài, đề phòng trường hợp khu vực có lò mổ phải phong tỏa thì rất cần có phương án tổ chức những điểm giết mổ ở bên ngoài khu vực bị phong tỏa để đảm bảo nguồn cung ứng thịt không bị đứt gãy.
6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục khởi đầu với nhiều dấu hiệu khả quan, tích cực. Vụ Đông Xuân được mùa toàn diện, sản lượng rau các loại đạt 344.000 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ, sản lượng vải thiều đạt 215 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó tại Hải Dương, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá sau 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 12.100 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt trong khó khăn do dịch bệnh, cả 2 tỉnh đều đã tổ chức tiêu thụ vụ vải thiều 2021 một cách thuận lợi, đảm bảo thông suốt, được giá...
Hai tỉnh đã thực hiện các biện pháp chống dịch quyết liệt, liên tục và hiệu quả, tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp phục hồi ngoạn mục sau dịch, đây là bài học kinh nghiệm cho nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.