Chế biến sâu: 'Cánh cửa' đưa xuất khẩu thuỷ sản tiến sâu vào EU
(DNTO) - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu bị tồn đọng. Do vậy, việc đẩy mạnh chế biến sâu không chỉ góp phần nâng cao giá trị thuỷ sản, mà còn giúp xuất khẩu toàn ngành tăng chủ động, bứt phá nhiều mặt hàng mũi nhọn - "bàn đạp" để tiến sâu hơn nữa vào thị trường khối EU tiềm năng .
Doanh nghiệp chú trọng chế biến để tìm "lối mở" cho xuất khẩu
Đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen tiêu thụ hàng thủy sản, xáo trộn nhu cầu của các phân khúc thị trường tiêu thụ. Trong sự rối loạn đó, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã linh hoạt trong chiến lược sản phẩm và thị trường để biến thách thức thành cơ hội.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, đem lại giá trị xuất khẩu hàng năm khoảng 20 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch đạt hơn 10 triệu USD với thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Bắc Mỹ...
Các doanh nghiệp đều đảm bảo tiêu chuẩn, được Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cấp giấy "Chứng nhận Đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh trong chế biến thủy sản”, áp dụng đúng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế vào trong quy trình chế biến như: HACCP, GMP, SSOP, ISO...
Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 20 cơ sở chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa có quy mô nhỏ và vừa với các sản phẩm như: Nước mắm, chả mực, thuỷ sản khô, ruốc hàu, ruốc cơ trai, hàu sữa chưng thịt, sứa... hiện là những sản phẩm có thương hiệu, là chủ lực trong chương trình OCOP. Trong 60 sản phẩm thủy sản tham gia OCOP, đã có 14 sản phẩm được xếp hạng từ 3 đến 5 sao, có thị phần tiêu thụ cao trong tỉnh.
Hiện thực hoá những định hướng, mục tiêu này, hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đã và đang tích cực vận động, đổi mới, đầu tư cho công nghiệp chế biến, nhằm nhanh chóng khẳng định vị thế, thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường.
Tiêu biểu có thể kể đến Công ty Cổ phần Green Aquatech (TP Cẩm Phả) hiện đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng trang bị hệ thống thiết bị, ứng dụng công nghệ chế biến, làm mát và đóng gói khí cải tiến MAP - công nghệ được áp dụng rộng rãi tại các nước châu Âu vào sơ chế và chế biến thuỷ sản.
Sau đầu tư, Green Aquatech đã cho ra thị trường 11 loại sản phẩm thủy, hải sản đã qua sơ chế và chế biến. Các sản phẩm hiện được bày bán phổ biến tại hệ thống Big C, Mega Market cả trong và ngoài tỉnh. Trong đó, một số sản phẩm chủ lực như chả mực tươi có sản lượng tiêu thụ 1 tấn/tháng, cá song cắt khúc tiêu thụ 5-7 tạ/tháng.
Là một trong những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm nuôi hàng đầu tại Việt Nam, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến sâu, Minh Phú đã quyết định mở rộng vùng nuôi trong nước, tăng cường đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để đổi mới con giống, công nghệ nuôi.
"Hiện nay, Minh Phú đã tự nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2-N-4, từ đó đưa vào vận hành hiệu quả tại 2 vùng nuôi với 900 ha, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với một số viện nghiên cứu trong và ngoài nước để hiện đại hóa công nghệ nuôi tôm.
Cùng với đó, để gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, công ty đã tập trung chế biến sâu, xây dựng và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc theo từng loại nguyên liệu, thậm chí từng vùng nuôi..." - ông Phú cho hay.
EU đang là điểm đến kỳ vọng của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam
Hiện nay, các nhà nhập khẩu châu Âu có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thuỷ sản Việt Nam với lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA và nguồn nguyên liệu ổn định. Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang EU tháng 5 tiếp tục tăng 30%, đạt gần 95 triệu USD, sau khi tăng mạnh 36% trong tháng 4 với 97 triệu USD.
Luỹ kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang EU đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam đang hồi phục cao hơn dự kiến, với mức tăng 26%, đạt 134 triệu USD trong tháng 5, sau khi tăng 25,8 triệu USD, đạt 145 triệu USD trong tháng 4. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm đạt 623 triệu USD, tăng 12%
Theo phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra hồi phục nhờ các thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu tăng mua trở lại. Đặc biệt, thị trường Mỹ có mức tăng mạnh nhất nhờ vaccine Covid-19 đã được tiêm chủng rộng, các nhà nhập khẩu tăng mua để phục vụ cho dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại.
Cùng với cá tra, mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu tiếp tục tăng cao. Xuất khẩu tôm tăng 25% trong tháng 5, đạt 375 triệu USD, sau khi đạt trên 300 triệu USD trong tháng 4, tăng 23%. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,34 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ.
Trong số các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra bứt phá tăng trưởng ngoạn mục. Đáng chú ý, mặt hàng cá tra xuất khẩu đang phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong tháng 5/2021 bứt phá với mức tăng khoảng 200%, đạt 33 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 lên 135 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, mặt hàng philê cá tra đông lạnh tăng rất cao từ tháng 3. Chỉ tính riêng tháng này, Mỹ đã nhập khẩu 9.524 tấn philê cá tra đông lạnh, chủ yếu từ Việt Nam, với trị giá 25,4 triệu USD trong tháng 3, tăng 226% về lượng và 239% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu cá tra trung bình sang thị trường Mỹ năm 2020 mặc dù thấp hơn so với năm 2019, nhưng sang quý 1/2021, cá tra phile đông lạnh trung bình xuất khẩu sang Mỹ tăng lên mức 2,87 USD/kg.
Kể từ cuối năm 2020, lượng cá tra tồn kho tại Mỹ không còn nhiều, thêm vào đó là sản lượng cá da trơn nội địa của nước này cũng sụt giảm. Do đó, ngay từ đầu năm nay, Mỹ đã tăng nhập khẩu cá tra đông lạnh trở lại. Dự báo xuất khẩu từ tháng 6/2021 sẽ tăng mạnh hơn sau khi thị trường này mở cửa hoàn toàn từ ngày 20/5.
Bên cạnh hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhiều mặt hàng hải sản xuất khẩu cũng tăng khá cao. Tính đến cuối tháng 5, xuất khẩu các mặt hàng hải sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ chiếm 22% với 292 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, trong tháng 4 và 5, xuất khẩu cá ngừ tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, là những tín hiệu tích cực cho xu hướng những tháng tới. Xuất khẩu các loại cá biển khác chiếm 53% xuất khẩu hải sản, với 698 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 12%; xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 11%, đạt 212 triệu USD cũng hồi phục khả quan từ tháng 3 đến nay. Xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ cũng tăng mạnh 81% trong tháng 5, góp phần đưa kết quả 5 tháng đầu năm lên gần 49 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành thủy sản nói chung và mảng công nghiệp chế biến thủy sản nói riêng được xác định có nhiều tiềm năng, điều kiện phát triển khá thuận lợi trong khả năng cân đối cung cầu, nhiều thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm có giá trị cao...
Với mục tiêu đó, phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh sẽ đạt khoảng 150 triệu USD, trong đó, riêng giá trị chế biến xuất khẩu đạt 60 triệu USD, 100% doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường thế giới, 100% cơ sở chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa có sản phẩm chất lượng cao, từng bước góp phần chinh phục thị trường EU đầy tiềm năng.