Gỡ 'rào cản' kiểm dịch thuỷ sản bó buộc doanh nghiệp
(DNTO) - Trước những bức xúc về việc tốn kém chi phí với hoạt động kiểm dịch khi còn quá nhiều bất cập của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ NN&PTNT đã ban hành thông tư cắt giảm chỉ tiêu kiểm tra, xét nghiệm so với trước đây theo từng nhóm sản phẩm động vật thủy sản.
Quy trình kiểm dịch còn nhiều bất cập
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký VASEP cho biết, suốt 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp thủy sản trong ngành đã gặp vướng mắc bởi việc kiểm dịch hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ đông lạnh cho tới chế biến sâu. VASEP cho rằng đây là biện pháp kiểm soát quá mức, không cần thiết.
“Các doanh nghiệp thủy sản và VASEP hoàn toàn đồng ý cần kiểm dịch chặt chẽ sản phẩm sống, tươi sống, ướp đá, nhưng với các sản phẩm thực phẩm (dùng cho người) ở dạng chế biến (đông lạnh, chín, đóng bao bì kín) hoặc chế biến sâu thì không thể mang và không có nguy cơ mang theo mầm bệnh cho thủy sản trong môi trường xung quanh. Do đó, việc kiểm dịch là không cần thiết” - ông Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nam, việc mở rộng khái niệm “sản phẩm động vật” của các văn bản dưới luật và không có sự phân biệt rõ với khái niệm “sơ chế, chế biến” là nguyên nhân quan trọng làm tăng diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật, cản trở nỗ lực cắt giảm danh mục hàng hóa, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành.
Ông Nam cho hay, hiện nhiều nước không yêu cầu kiểm dịch (bệnh) đối với hàng thủy sản đông lạnh hoặc chế biến chín, đóng bao bì kín. Các nước (từ tiên tiến như Mỹ, EU, Nhật, Canada…) đến các nước trong khu vực, hầu hết chỉ kiểm tra theo quy định/chỉ tiêu của An toàn Thực phẩm đối với sản phẩm thuỷ sản chế biến (đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, ướp muối). Nhiều nước yêu cầu nước xuất khẩu kiểm tra và cấp chứng thư sức khoẻ (Health Certificate) cho các lô hàng thuỷ sản chế biến xuất khẩu sang họ, cũng chỉ áp dụng các quy định và chỉ tiêu An toàn Thực phẩm (thực phẩm dùng cho người)
Chính từ những vướng mắc này, VASEP cho biết đã gửi công văn tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kiến nghị không đưa các sản phẩm thủy sản chế biến, không có nguy cơ lây truyền dịch bệnh vào danh mục phải kiểm dịch động vật theo Luật Thú y, trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh mà chịu sự kiểm tra theo quy định của Luật An toàn Thực phẩm.
Trao đổi về chi phí cho việc thực hiện quy định về kiểm dịch sản phẩm thủy sản, theo ông Nguyễn Văn Tuy, đại diện doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long, quy trình này còn nhiêu khê, gây tốn kém nhiều chi phí cho DN. Đặc biệt là danh mục kiểm dịch chưa thấy sự cắt giảm gì đáng kể.
Ông Tuy cho rằng, việc gia tăng danh mục hàng thuỷ sản chế biến khiến DN phải trả thêm phí kiểm nghiệm. Không những vậy, DN còn phải chịu thêm thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm khiến phát sinh thêm tiền điện, tiền lưu kho bãi cao, chưa kể chi phí đi lại, tiếp kiểm tra viên.
“Các chi phí này rất cao nhưng DN cũng phải trả và đưa vào chi phí cấu thành giá thành sản phẩm, dẫn đến sẽ khó cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu” - ông Tuy nói.
Đơn giản hóa nhiều thủ tục để gỡ khó cho doanh nghiệp
Trước những bức xúc về việc tốn kém chi phí với hoạt động kiểm dịch khi còn quá nhiều bất cập của VASEP, Bộ NN&PTNT đã ban hành thông tư cắt giảm chỉ tiêu kiểm tra, đơn giản hoá thủ tục hành chính xét nghiệm so với trước đây theo từng nhóm sản phẩm động vật thủy sản.
Cụ thể, các nội dung được Bộ NN&PTNT cắt giảm và đơn giản hóa, gồm: Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm dịch thủy sản, tần suất lấy mẫu và chỉ tiêu kiểm tra.
Đối với danh mục đối tượng thuộc diện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản được Bộ NN&PTNT cắt giảm 160 mã hàng hóa/tổng số 450 mã hàng hóa so với trước đây (được cắt giảm 36%). Không kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật thủy sản đã chế biến chín, đóng bao kín khí, sử dụng để ăn ngay.
Đối với tần suất lấy mẫu, việc kiểm dịch, lấy mẫu kiểm tra theo nguyên tắc phân loại sản phẩm, trên cơ sở mức độ nguy cơ rủi ro đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
Cụ thể, đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến) cứ 5 lô hàng thì lấy mẫu 1 lô hàng để kiểm tra (được cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu kiểm tra).
Đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh) thực hiện lấy mẫu của 3 lô hàng liên tiếp, nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu sẽ áp dụng tần suất 5 lô hàng lấy mẫu của 1 lô hàng để kiểm tra (đã cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu) và không thực hiện việc kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản đã chế biến chín, đóng bao bì kín khí, có nhãn mác theo quy định và sử dụng để ăn ngay.
Trong khi đó, về chỉ tiêu kiểm tra, Bộ NN&PTNT đã cắt giảm chỉ tiêu kiểm tra, xét nghiệm so với trước đây theo từng nhóm sản phẩm động vật thủy sản.
Cụ thể: Đối với nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống/đông lạnh/ướp lạnh: đã cắt giảm 2/6 chỉ tiêu kiểm tra (được cắt giảm 33,33%); đối với nhóm sản phẩm thủy sản sơ chế: đã cắt giảm 3/7 chỉ tiêu kiểm tra (được cắt giảm 42,85 %); đối với nhóm sản phẩm thủy sản chế biến: đã cắt giảm 4/8 chỉ tiêu kiểm tra (được cắt giảm 50%).