Dịch bệnh là rào cản kỹ thuật lớn đối với xuất khẩu động vật
(DNTO) - "Hơn 75% các loại dịch bệnh nguy hiểm ở người có nguồn gốc từ động vật. Dịch bệnh trên động vật không chỉ là nguy cơ gây bệnh đối với con người mà còn là rào cản kỹ thuật rất lớn đối với xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các nước", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Ngành chăn nuôi đang đứng trước nhiều thách thức
Hiện nay, các thống kê cho thấy, trên 75% các bệnh ở người có nguồn gốc ở động vật. Do đó, song song với việc chăm sóc sức khỏe cho con người, các nhà khoa học hiện nay cũng đang nỗ lực nghiên cứu để có giải pháp phòng ngừa các dịch bệnh mới nổi ở động vật để hợp tác trong công tác phòng, chống các dịch bệnh ở động vật được tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, dịch bệnh trên động vật không chỉ là nguy cơ gây bệnh đối với con người, mà đã và đang gây tổn thất rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ngành chăn nuôi, tác động lớn đến nguồn cung ứng thực phẩm.
"Riêng dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 28.000 tỷ đồng. Dịch bệnh cũng chính là rào cản kỹ thuật rất lớn đối với xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các nước", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tiến, dân số thế giới đang ngày càng gia tăng, do đó, nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc động vật sẽ tiếp tục tăng cao. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, dân số toàn thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ người, khi đó nhu cầu lương thực sẽ tăng trên 70%.
"Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong thời gian tới, ngành chăn nuôi thế giới đang đứng trước nhiều thách thức và những nhiệm vụ nặng nề. Đó là phải phát triển về số lượng và chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền lây giữa động với người và nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm...", Thứ trưởng cho hay.
Lí giải về nguyên nhân gây bệnh, ông Tiến cho rằng, sự gia tăng dịch bệnh có tương quan chặt chẽ với lưu chuyển hàng hóa toàn cầu và di chuyển hàng không, trong đó nông nghiệp thâm canh là một trong những nguyên nhân chủ đạo dẫn đến các bệnh mới nổi.
"Việt Nam có nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm cao hơn do mật độ dân số cao, chăn nuôi mang tính tập trung và phát triển mạnh. Trong khi đó, rừng tự nhiên bị thu hẹp, hệ sinh thái bị hủy hoại với tốc độ nhanh và thói quen ăn động vật hoang dã còn tồn tại", ông Tiến đánh giá.
Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết nhấn mạnh, việc phòng chống bệnh lây nhiễm có nguồn gốc động vật vô cùng phức tạp, cần cách tiếp cận đa chiều, đòi hỏi suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến công nghiệp hóa, tăng dân số, địa chính trị.
"Cần hiểu rõ hơn những thách thức trong quản lý thú y, cũng như các giải pháp kiểm soát các bệnh mới nổi. Từ đó, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bộ NN&PTNT cam kết ủng hộ mạnh mẽ và đồng hành trong quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu hết sức cần thiết và có ý nghĩa này", ông Tiến cho biết.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y. Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp.
"Chú trọng tăng cường năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm, quản lý thuốc thú y, nghiên cứu thú y và quản lý các dịch vụ thú y để hoàn thành tốt các nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao và những thách thức, áp lực giao thương với quốc tế ngày càng lớn, đặc biệt áp lực ngăn chặn, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, bệnh lây truyền từ động vật sang người. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật...", ông Tiến lưu ý.