Người chăn nuôi lao đao khi thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá
(DNTO) - Chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19, người chăn nuôi đang phải chịu thiệt hại kép khi giá sản phẩm bán ra không tăng nhưng giá thức ăn chăn nuôi thì tăng chóng mặt.
Theo nhiều hộ chăn nuôi, đầu tháng 3 vừa qua, các đại lý thức ăn chăn nuôi và người dân nhận được thông báo từ nhiều công ty sản xuất sản phẩm này như De Heus, CP, Uni President… về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Mức tăng dao động từ 7.500 đồng – 20.000 đồng/bao 25kg, thậm chí có thời điểm lên đến 40.000 đồng/bao 25kg.
Ông Hoàng Văn Phú, một hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, giá các loại thực phẩm chăn nuôi đã tăng từ những cuối năm 2020 đến nay. Ông Phú chia sẻ, giá tăng khiến việc chăn nuôi của những hộ như ông gặp nhiều khó khăn.
“Đợt Tết vừa rồi do dịch bệnh bùng phát khiến nhu cầu tiêu thụ thấp nên thương lái ép giá, giá bán ra không cao nhưng tháng nào giá thức ăn, cám cũng tăng từng chút như thế này thì khó cho bà con chăn nuôi quá”.
Ở nước ta, cơ cấu giá thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 90% giá thành sản phẩm vật nuôi. Không chỉ việc chăn nuôi các loại gia súc như heo, bò gặp khó khăn, mà chăn nuôi gia cầm cũng chịu nhiều thiệt hại khi giá thức ăn tăng mạnh.
Ngô là một trong những thành phần chính được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Giá của loại nguyên liệu này tại các thị trường châu Âu đã tăng liên tục từ giữa tháng 8/2020 do sức mua mạnh từ thị trường châu Á. Các nguyên nhân gây tình trạng tăng giá ngô có thể kể đến là quá trình tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi được triển khai mạnh mẽ, nguồn cung bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết khô hạn và yếu tố đại dịch Covid-19. Đến đầu năm nay, giá ngô tiếp tục phi mã do nhu cầu nhập khẩu cao từ Trung Quốc và các đợt bùng phát dịch bệnh.
Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, ngành chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2020 và đầu năm 2021 chỉ có chăn nuôi heo là vẫn có lời do nguồn cung thiếu hụt sau dịch tả heo châu Phi trước đó. Còn lại chăn nuôi gia cầm lấy thịt, trứng đều thua lỗ nặng nề và kéo dài.
Sau tết, giá bán gia cầm trong nước đang có sự hồi phục nhẹ vì hàng nhập khẩu về giảm hơn trước, bởi khó khăn về container rỗng cũng như nhu cầu nhiều nước về thịt gà tăng lên. Thế nhưng, với việc tăng giá thức ăn chăn nuôi quá nhanh như thời gian qua thì giá thành đã vượt xa mức tăng giá. Do đó, người chăn nuôi gia cầm tiếp tục kéo dài chuỗi thua lỗ của cả năm 2020 sang năm 2021 và cũng chưa biết khi nào mới hết.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi dự báo với các tác động trên, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi của Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những biến động lớn. Với sản xuất thức ăn chăn nuôi, những công ty có nhiều vốn, dự đoán tốt thị trường để mua hàng khi giá còn thấp bây giờ sẽ có nhiều lợi thế hơn.