Khủng hoảng Covid-19 giúp thanh lọc thị trường bất động sản
(DNTO) - Dù dịch bệnh đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản, nhưng các chuyên gia cho rằng, các sàn giao dịch bất động sản đã thích ứng với việc này. Dịch bệnh được xem như một cuộc thanh lọc, giúp thị trường có những sàn khỏe mạnh, minh bạch hơn.
Khó khăn bủa vây
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng Covid-19: Giải pháp và kiến nghị", diễn ra hôm nay 20/8, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết, trong suốt gần 4 tháng qua, khi đợt dịch thứ 4 ập đến, thị trường bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại các tỉnh thành có dịch bệnh bùng phát mạnh như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán – tiếp xúc – tư vấn khách hàng không thể thực hiện. Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán.
"Nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê văn phòng và khoản chi phí khác", ông Hà cho biết.
Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang trải qua, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam Phạm Lâm cho rằng: Do không thuộc doanh nghiệp được ưu tiên tiêm vaccine trong thời gian qua, nên hầu hết doanh nghiệp còn ít nhất 50% nhân sự chưa được tiêm; doanh thu giảm hoặc không có, trong khi chi phí thuê mặt bằng văn phòng vẫn phải trả hàng tháng mặc dù đang giãn cách. Những chi phí khác vẫn phải duy trì, như: Mặt bằng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế... dẫn đến khó khăn về tài chính; doanh nghiệp điều chỉnh chính sách để tồn tại, nhưng việc kinh doanh, bán hàng bị ngưng trệ nhân viên không có thu nhập, rời bỏ công ty...
"Hiện nay 50% các đơn vị bất động sản có nguy cơ, 30% doanh nghiệp đặc biệt khó khăn và 20% sàn giao dịch đang đứng trên bờ vực phá sản. Cũng giống như chúng ta, hiện các sàn đang rất cần oxy để có thể tiếp tục sống. Nếu không có sự hỗ trợ, rất có thể thị trường bất động sản sẽ chứng kiến hàng loạt giao dịch phá sản, đặc biệt là những sàn giao dịch yếu", ông Lâm nhấn mạnh.
Hãy nhìn thấy mặt tích cực của đại dịch
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn thấy những điểm sáng trong đại dịch. Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sàn giao dịch bất động sản đã thích ứng với những khủng hoảng, chỉ khác nhau về sức khỏe tài chính, chiến lược, khả năng của người lãnh đạo trong việc điều hành. Và sau mỗi đợt khủng hoảng, sẽ có rất nhiều sàn đóng cửa và mở mới, dịch bệnh được xem như sự thanh lọc giúp cho thị trường có những sàn khỏe mạnh, minh bạch hơn.
Điều này được Phó Chủ tịch CEN Group Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), nhấn mạnh: Đại dịch ập đến là thảm họa, nhưng nó cũng là yếu tố thúc đẩy cho chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, từ mua sắm, tiêu dùng, đến vui chơi giải trí…, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Chúng ta phải nhìn thấy mặt tích cực của đại dịch.
Cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi mọi hoạt động trong cuộc sống, bất động sản không nằm ngoài xu thế. Những buổi mở bán online trong bất động sản trở nên quen thuộc, thu được nhiều kết quả vượt trội so với nhiều năm trước. Tác động tiêu cực của Covid-19, khiến cho tiến độ ứng dụng công nghệ vào việc bán hàng được cộng đồng doanh nghiệp đẩy nhanh hơn bình thường, đây cũng được coi là giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình.
“Khách hàng Việt Nam được tiếp cận nhiều thông tin, trở thành nhà đầu tư, tiêu dùng thông minh hơn. Biết phân tích đánh giá, đưa ra quyết định dựa trên số liệu thuyết phục chứ không chỉ đơn giản là lời hứa, thương hiệu hay hiệu ứng đám đông. Bởi vậy, những nhà phát triển dự án hay đầu tư kinh doanh bất động sản cũng phải tự nâng cấp để đáp ứng nhu cầu, hành vi khách hàng”, ông Phạm Thanh Hưng chia sẻ.
Đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản vượt qua khủng hoảng đại dịch, vị “cá mập” này chia sẻ: “Khi dịch xuất hiện, việc quan trọng nhất là vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua sự co cụm. Dịch vẫn xảy ra, nhưng cách chúng ta phản ứng với đại dịch lại phụ thuộc vào mỗi con người, mỗi doanh nghiệp, thậm chí với mỗi quốc gia đều khác nhau. Để vượt qua, chúng ta phải hành động cẩn trọng, an toàn, nhưng điều đó không có nghĩa sẽ như con đà điểu rúc đầu vào cát và cầu mong một ngày đại dịch sẽ đi qua. Chúng ta phải luôn luôn hành động, phải đối diện với nó và phải có tinh thần vững vàng. Nếu có tinh thần tốt, vững vàng sẽ có giải pháp hay”.
Về phần mình, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam Phạm Lâm đã đưa ra một số kiến nghị để giải nguy cho doanh nghiệp bất động sản: “Chính phủ cần giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (giảm 70 % trong năm 2021) thuế thu nhập cá nhân (giảm 50 % trong 3 quý cuối năm 2021), hoãn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi hoạt động lại. Đồng thời, đẩy mạnh quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các khu vực tình hình dịch bệnh phức tạp và cộng đồng doanh nghiệp”.