Doanh nghiệp bất động sản ‘gồng gánh’ để giữ chân nhân sự giữa đại dịch
(DNTO) - Dù hứng chịu tác động tiêu cực do các lệnh giãn cách xã hội, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản nỗ lực duy trì đội ngũ, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng trở lại khi thị trường hồi phục.
Tìm mọi cách “giữ lửa” cho nhân viên
Lệnh giãn cách xã hội được nhiều tỉnh thành áp dụng để phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 cũng khiến nhiều hoạt động doanh nghiệp bất động sản đình trệ. Đội ngũ nhân viên không thể ra ngoài hoạt động, tiếp xúc với khách hàng, đồng nghĩa với việc doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành này sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí không có doanh thu, trong khi vẫn phải chi trả chi phí liên quan đến mặt bằng, lương cho nhân viên.
Do vậy, việc cắt giảm nhân sự là điều đầu tiên nhiều doanh nghiệp nghĩ đến. Tuy nhiên, đây là vấn đề “vừa đau đầu, vừa tế nhị” với các doanh nghiệp, và đương nhiên, những người đứng đầu doanh nghiệp không muốn xảy ra việc này.
Bởi theo ông Nguyễn Trọng Toán, Giám đốc đối ngoại, Tập đoàn Hưng Vượng Holdings, để xây dựng một đội ngũ nhân viên môi giới bất động sản, doanh nghiệp phải mất rất nhiều công sức và tài chính. Với định hướng phát triển lâu dài, việc duy trì hệ thống nhân sự ở thời điểm dịch Covid-19 dù không dễ dàng nhưng chi phí không lớn hơn việc tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự mới. Vì vậy, doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng vẫn tiếp tục gồng gánh để giữ chân nhân sự.
“Tôi thấy có một câu nói rất phù hợp: ‘Đường dài quan trọng là cùng ai’, nên thay vì cắt giảm nhân sự, hãy tìm kiếm các phương án kinh doanh mới, mang về dòng tiền để duy trì mức lương cơ bản, giúp nhân sự đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch và sau đó họ sẽ trở lại mạnh mẽ hơn, cống hiến mãnh liệt hơn”, ông Toán chia sẻ.
Cũng thực hiện chính sách duy trì lương cơ bản cho nhân sự, nhưng ông Lê Văn Thông, Tổng Giám đốc Sài Gòn King Land cho biết, tùy theo tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ có những điều chỉnh như giảm một phần lương và sau đó sẽ cho nhân viên truy lĩnh phần bị cắt giảm khi doanh nghiệp phục hồi.
Bên cạnh việc đảm bảo cho người lao động vẫn nhận được mức lương cơ bản để duy trì cuộc sống, các doanh nghiệp bất động sản cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn, đào tạo để duy trì động lực cho nhân viên, làm cho đội ngũ luôn giữ được “lửa” để làm việc.
“Đây là lúc doanh nghiệp và người lao động phải siết chặt hơn mối liên kết. Vì vậy chúng tôi sử dụng KPI để làm việc, khi đó, các chỉ số khách hàng, target của từng nhân viên hiển thị rõ hơn, và doanh nghiệp cùng nhân viên cam kết thực hiện được các KPI đó. Thay vì cắt giảm, chúng tôi thực hiện luân chuyển, một nhân sự có thể làm thêm các công việc khác phù hợp tùy theo vị trí”, ông Trần Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Unihomes miền Nam cho hay.
Vật lộn để sống giữa đại dịch
Để đảm bảo nguồn tài chính cho việc duy trì nhân sự, các sàn bất động sản đã phải rất nỗ lực và tìm mọi cách để thích nghi với đại dịch.
Tại Sài Gòn King Land, ngay từ năm 2020, doanh nghiệp này đã phải rà soát toàn bộ năng lực của nhân viên, nhân sự, các phòng ban và làm sao tối ưu hóa chi phí để có thể chiến đấu dài lâu. Ông Lê Văn Thông cho biết, cũng từ khi đại dịch bùng phát, Sài Gòn King Land xác định không mở rộng quy mô cho đến khi Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng.
Ở thời điểm hiện tại, các kênh online là kênh chủ yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Sài Gòn King Land tận dụng các trang đăng tin, tăng cường quảng cáo Google, Facebook, tổ chức các sự kiện online và sử dụng kênh online để tương tác thường xuyên với nhân viên và khách hàng.
Tăng cường “điểm chạm” với khách hàng thông qua kênh online cũng là phương án Unihomes lựa chọn để thích nghi với đại dịch Covid-19.
Ông Trần Hoàng Hải cho biết, bên cạnh cơ cấu hoạt động, sản phẩm và tài chính, doanh nghiệp này tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động như họp trực tuyến,công nghệ 360 độ thực tế ảo. Ngoài ra, Unihomes tận dụng nền tảng truyền thông xã hội như Youtube, TikTok, livestream để chia sẻ, tư vấn trực tuyến cho khách hàng.
“Tôi nghĩ trong bối cảnh dịch Covid-19, nếu nhân viên môi giới bất động sản đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng như các giá trị phía sau như hậu mãi, tư vấn, lợi nhuận đầu tư sẽ bền vững hơn và khách hàng họ sẽ trân trọng điều đó hơn là chiết khấu ban đầu”, ông Hải cho hay.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết, việc đưa hoạt động, sản phẩm lên kênh online chỉ giúp doanh nghiệp duy trì sự tương tác với khách hàng, đồng thời quảng bá thương hiệu; còn việc bán sản phẩm vẫn phải thông qua hình thức tiếp thị trực tiếp.
Bởi không giống như việc mua hàng thời trang hay vật dụng thông thường, bất động sản là mặt hàng có giá trị lớn, nên hầu hết khách hàng vẫn muốn trải nghiệm trực tiếp rồi mới quyết định đặt mua.
Vì vậy, dù thị trường bất động sản được dự báo sẽ hồi phục trở lại trong những tháng cuối năm, khi dịch bệnh được kiểm soát và việc tiêm vaccine được phủ sóng rộng hơn, tuy nhiên, để qua "cơn bĩ cực", các doanh nghiệp bất động sản mong muốn tiếp tục có được sự hỗ trợ của Chính phủ, để tiếp cận dễ dàng hơn đến các nguồn vốn vay ngân hàng, đảm bảo duy trì hoạt động và nguồn nhân lực, tránh tình trạng phải rời thị trường trước khi dịch bệnh được kiểm soát.