Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp làm ăn ra sao trong quý 2/2021?
(DNTO) - Bên cạnh các doanh nghiệp gặp khó, bất động sản công nghiệp vẫn ghi nhận "điểm sáng" với nhiều doanh nghiệp lãi đậm bất chấp những tác động của dịch bệnh Covid-19.
Ghi nhận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 5, cả nước có tổng cộng 394 khu công nghiệp, trong đó 286 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích đất khu công nghiệp là 57.300 ha, diện tích đã cho thuê là 42.900 ha, tỷ lệ lấp đầy là 75%, tăng so với thời điểm tháng 9 năm ngoái là 71%.
Đối diện với làn sóng Covid lần thứ 4, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đứng trước nhiều thử thách và khó khăn mới. Bên cạnh những doanh nghiệp thua lỗ vẫn có những doanh nghiệp báo lãi đậm.
Trong báo cáo tài chính quý 2 vừa công bố, Công ty Long Hậu (Mã chứng khoán LHG) nổi lên ấn tượng, dẫn đầu về cả doanh thu và lợi nhuận so với các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đã hé lộ kết quả kinh doanh quý 2.
Cụ thể, tính đến hết quý 2, LHG đạt doanh thu 555 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, riêng doanh thu cho thuê đất để phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 494 tỷ đồng.
Kết quả, LHG thu về gần 218 tỷ đồng lãi ròng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận một quý có lợi nhuận lớn nhất từ trước đến nay của công ty này.
Tính chung 6 tháng, LHG lãi ròng hơn 250 tỷ đồng trong nửa đầu năm, gấp 2,2 lần so với quý 2 năm ngoái, vượt hơn 55% so với kế hoạch lãi đề ra cho năm nay. Giá cổ phiếu LHG không ngừng tăng thời gian qua và đang được giao dịch với mức giá 51.000/cổ phiếu.
Một gương mặt sáng giá trong quý 2 là Công ty CP Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán: SZC) khi mới 6 tháng đầu năm đã vượt 7% kế hoạch lợi nhuận của cả năm. Quý 2, doanh thu thuần của công ty đạt 225 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu cho thuê đất và phí quản lý là gần 222 tỷ đồng. Lãi ròng thu về trong quý đạt 109 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần của SZC đạt gần 403 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ, lãi sau thuế nửa đầu năm chạm mốc 189 tỷ đồng, tăng 51% so nửa đầu năm ngoái.
Bên cạnh những doanh nghiệp ăn nên làm ra như SZC và LHG, nhiều doanh nghiệp vẫn lâm vào cảnh thua lỗ, đơn cử như Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã chứng khoán D2D). Báo cáo tài chính quý 2 của D2D ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 109 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 62 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lãi ròng ghi nhận ở mức 108 tỷ đồng, giảm 28% so với mức 150 tỷ đồng của năm ngoái
Theo ghi nhận từ các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VBSC), ngành bất động sản khu công nghiệp hiện có bức tranh “sáng” nhiều hơn, tuy nhiên, không thể khẳng định một điều rằng, ngành này hoàn toàn “miễn nhiễm” với đại dịch Covid-19.
VBSC chỉ ra 5 nhân tố đang tác động dài hạn đến các doanh nghiệp này đó là: Kiểm soát dịch bệnh Covid-19; cải thiện cơ sở hạ tầng; quy hoạch ngành - chính sách; sự dịch chuyển sản xuất - FDI và nhu cầu của khách hàng. Vấn đề kiểm soát dịch bao trùm có ý nghĩa quyết định tới nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, VBSC cũng nhận định "trong dài hạn 5-10 năm tới, triển vọng kinh tế của ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì tính tích cực".
Trong báo cáo mới nhất của mình, JLL vẫn ghi nhận những phản ứng tích cực từ thị trường bất động sản công nghiệp. Khu vực miền Nam, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn đạt lần lượt 85% và 86%. Bất động sản công nghiệp phía Nam vẫn ghi nhận giao dịch mới, "thể hiện rằng cả chủ đầu tư và khách thuê đã dần tìm ra được các phương án đồng hành cùng đại dịch để tiếp tục hoạt động", JLL nhận định.
Trong khi đó, khu vực miền Bắc, giá đất tuy vẫn ghi nhận mức tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đà tăng đã chậm lại so với quý 1; giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng ghi nhận đà tăng nhưng ở mức thấp. Nhiều tỉnh đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư với lợi thế về giá thuê, và hạ tầng ngày càng được hoàn thiện.
Theo các chuyên gia bất động sản, bất động sản công nghiệp trong nước đang đứng trước nhiều cơ hội mới, nhất là khi các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết. Để đón chờ được các làn sóng dịch chuyển sang Việt Nam trong thời gian tới, các địa phương cần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bất động sản đầu tư hạ tầng chuẩn bị quỹ đất, cũng như có các chính sách phù hợp để hút được làn sóng này.