Dòng tiền không ngừng chảy về bất động sản: Mừng nhưng lo
(DNTO) - Dòng tiền sẽ không ngừng chảy về bất động sản trong thời gian tới để tìm cơ hội sinh lời, bất chấp dịch bệnh đang tác động không nhỏ đến thị trường. Tuy nhiên, khi dòng tiền càng lớn mạnh, rủi ro càng dễ xảy ra.
Tiền nhiều nhưng hàng lại hiếm
Đánh giá về thị trường bất động sản trong nước trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường cuối năm sẽ đón nhận nguồn vốn lớn từ nhiều thị trường khác dồn chuyển về. Trong đó, có thể kể đến nguồn lợi nhuận từ chứng khoán sau thời gian tăng trưởng nóng, hay nguồn kiều hối tại nhiều khu vực trên thế giới do tác động của dịch bệnh nên đầu tư không hiệu quả, sẽ tìm đến bất động sản.
Theo nhận định của nhiều người, dù ở thời điểm nào, bất động sản vẫn là kênh đầu tư ổn định, khả năng sinh lời cao và đặc biệt an toàn hơn các kênh đầu tư khác. Vì thế, việc dòng vốn tìm đến thị trường này để chờ cơ hội sinh lời cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, sản xuất kinh doanh bị cầm chừng và gặp khó, nhiều ngành kinh tế bị thu hẹp, cộng thêm lãi suất ngân hàng sụt giảm.
Chính điều này khiến "tổng lượng tiền sẵn sàng thanh toán mua bất động sản tăng, làm tổng cầu bất động sản tăng", báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định.
Tuy nhiên, một thực tế đang khiến cho thị trường trong nước phát triển không bền vững, dễ rơi vào tình trạng bong bóng hay "sốt đất" lại nằm ở nhược điểm "tổng cầu bất động sản" trong nước. Đó là chỉ đầu tư ngắn hạn; muốn sinh lợi nhanh và cao; dễ chạy theo tâm lý đám đông, đặc biệt khi phát hiện nguy hiểm thường nhanh chóng cắt lỗ, bán tháo gây khó khăn cho người dân có nhu cầu ở thực sự.
Trong khi giới đầu tư đang nóng vội tìm khả năng sinh lời thì thị trường bất động sản lại rơi vào điểm thắt nút: nguồn cung hạn hẹp, thậm chí có dấu hiệu khan hiếm. Đây chính là nguyên nhân khiến giá bất động sản bị đẩy cao, nguy cơ tạo các cơn sốt đất ảo, giá xa vời với thực tế, đơn cử như thị trường cuối quý 1 vừa qua.
"Chính hiện tượng cầu lớn, hàng khan, giá tăng mạnh đã thành cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường không tuân thủ quy định pháp luật. Xẻ thịt, chia lô đất, rừng đồi, ruộng để bán làm náo loạn trật tự ở nhiều địa phương trên cả nước", người đứng đầu VARS nhận định.
Đợt dịch bệnh lần thứ 4 nguy hiểm hơn các đợt dịch trước đang tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt với thị trường bất động sản. Giá bất động sản vẫn neo ở giá cao, bất chấp nguồn cung thu hẹp, khả năng hấp thụ của thị trường bị suy giảm.
"Trên thực tế, tại thời điểm sốt đất, nhiều dự án đã đưa ra mức giá còn cao hơn giá thị trường về mặt nguyên lý, đã tạo ra một điểm giá nằm ở khu vực không thể gặp bất kỳ một loại cầu nào (bởi mọi đường cầu đều nằm dưới điểm đó). Giải thích này lý giải tại sao tổng cầu trên thị trường cao, mà tỷ lệ hấp thụ đang ở ngưỡng rất thấp", báo cáo của VARS cho biết.
Áp lực tăng giá trong thời gian tới
Theo ông Nguyễn Văn Đính, giá bất động sản tương lai sẽ phải đối mặt với áp lực phải tăng giá. Lý giải về điều này, ông cho biết:
Thứ nhất, giá đất trên thị trường mặc dù đã đi qua cơn sốt nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ, còn neo ở mức cao nên giá đền bù giải phóng mặt bằng sẽ không hề nhỏ.
Thứ hai, khung giá đất ở rất nhiều địa phương hiện đã bị điều chỉnh tăng lên 15% cũng tác động mạnh đến giá bất động sản thời gian tới.
Ngoài ra, việc giá nguyên vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% cũng sẽ đẩy giá bất động sản tăng theo.
Cuối cùng, "những thủ tục phê duyệt dự án kéo rất dài, do vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến tăng chi phí và chi phí cơ hội là rất cao", ông Đính nhận định.
Dự báo về thị trường 6 tháng cuối năm, theo ông, đất nền vẫn là sản phẩm được săn tìm nhiều nhất. Tổng giao dịch của thị trường có thể đạt tương đương 70-80% so với năm ngoái.