Những cái 'bắt tay' bạc tỷ hứa hẹn thay đổi diện mạo mới cho ngành nông nghiệp
(DNTO) - Những thương vụ hợp tác sản xuất quy mô lớn giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông, lâm thủy sản như một công cụ trợ lực cho các hoạt động tái cơ cấu và tạo lập chuỗi giá trị, hứa hẹn mang đến luồng sinh khí mới cho ngành nông nghiệp.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chuyển hướng liên kết theo chuỗi giá trị. Đây được nhận định là hướng đi đúng đắn giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định, chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã làm nên chuyện lớn sau khi bắt tay hợp tác.
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức lễ ký kết với các đối tác để triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, mua bán 2 triệu tấn lúa trong năm 2022.
Theo đó, Lộc Trời hợp tác cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn như TPBank, HDBank, Mizuho, HSBC… tài trợ 12.000 tỷ đồng cho toàn bộ chuỗi sản xuất – cung ứng theo quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt, tăng tính minh bạch trong tất cả các khâu, qua đó giảm thiểu đáng kể chi phí tài chính so với hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc như trước đây.
"Trong những năm qua, Lộc Trời luôn nỗ lực không ngừng nhằm hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp của mình bằng cách liên kết với các đơn vị trong chuỗi cung ứng nông sản trong và ngoài nước, qua đó góp phần giải quyết tình trạng “được mùa mất giá” cho bà con nông dân, giúp cho việc tổ chức mùa vụ được chủ động hơn", ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, cho hay.
Là doanh nghiệp sữa hàng đầu tại Việt Nam, với 13 trang trại và 13 nhà máy sữa trên cả nước, trong đó có 2 siêu nhà máy là Nhà máy sữa Việt Nam và Nhà máy sữa bột Việt Nam, Vinamilk đã quyết định hợp tác cùng Vilico, một công ty thành viên trong tập đoàn, để đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, được định hướng sẽ trở thành một siêu nhà máy sữa hàng đầu tại Việt Nam và tầm cỡ của khu vực Đông Nam Á.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vilico cho biết, với sự sẵn sàng về nguồn lực đầu tư và kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành hệ thống nhà máy tại Việt Nam, trong đó có nhiều nhà máy có quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn quốc tế, Vinamilk cùng Vilico sẽ đầu tư thực hiện, quản lý dự án một cách hiệu quả, đúng tiến độ. Kỳ vọng dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo ra sức bật cho sự phát triển của Vinamilk, Vilico trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, năm 2021, ngành chăn nuôi Việt Nam chứng kiến nhiều cái bắt tay giữa các ông lớn. Có thể kể đến thương vụ Tập đoàn De Heus mua lại 14 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan, hay "siêu dự án" xây dựng tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao khi De Heus hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn.
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), kỳ vọng rằng với những cái bắt tay của De Heus với Masan, De Heus với Hùng Nhơn và nhiều doanh nghiệp khác sẽ giúp ngành chăn nuôi nói chung, mảng lợn nói riêng phát triển bền vững hơn.
"Sự hợp tác của các doanh nghiệp sẽ tạo ra cuộc chơi mới cho ngành chăn nuôi, có thể nâng tỷ trọng nguồn cung của 16 doanh nghiệp lên 30% trong tổng đàn lợn cả nước vào năm 2022. Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD, tương đương 46.500 tỷ đồng", ông Trọng kỳ vọng.
Tương tự, Lễ ký kết hợp tác giữa Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DABACO) phát triển chăn nuôi lợn với mục tiêu 1 triệu con ở các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào phía Nam diễn ra cuối tháng 1/2021, hứa hẹn là dấu mốc TSC khởi đầu ở lĩnh vực mới nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển.
Giải thích về quyết định để TSC ngồi "chung mâm” với DABACO, ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch FIT Group, là công ty mẹ của TSC, nhấn mạnh, nếu TSC tự mày mò đi tìm hiểu con giống, xây dựng chuồng trại nuôi lợn từ đầu sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và kinh doanh rất khó khăn, rủi ro là 10 phần. Còn hợp tác với DABACO - doanh nghiệp lớn có sẵn thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật thì rủi ro chỉ còn 2 - 3 phần.
“Chọn TSC đầu tư vào chăn nuôi lợn đều nằm trong chiến lược phát triển mở rộng, tối ưu hóa lợi thế nguồn lực tài chính và cũng là tham vọng để TSC phát triển lên công ty tỷ đô. Để đạt được mục tiêu này, TSC phải tham gia vào ngành nghề có quy mô lớn. Đối với ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam, chúng tôi đánh giá mức tăng trưởng bình quân mỗi năm 10 - 15% và còn còn dư địa tăng trưởng rất lớn”, ông Sang nhấn mạnh.
Bài toán hợp lực bền vững
Thay vì "đối đầu" trong một cuộc đua khốc liệt, doanh nghiệp đã bắt tay để tăng thêm cơ hội tăng trưởng bền vững, tự khai thác các cơ hội kinh doanh mới, mở rộng thị trường và vươn tầm ra thế giới.
Mặt khác, sức ép cho doanh nghiệp cũng ngày càng lớn hơn bởi làn sóng đổ bộ của các đối thủ nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến mới sẽ trải dài trên nhiều mặt trận gồm thị trường, nhân lực, vốn đầu tư… Chiến thuật được khuyến nghị dành cho bất cứ doanh nghiệp nào là phải thay đổi tư duy sang hợp tác cùng có lợi.
Theo đó, không chỉ các "ông lớn" quyết định về chung một nhà, mà nông dân và doanh nghiệp đang chủ động chung chiến tuyến để tạo ra những mô hình làm ăn có hiệu quả, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường và đơn đặt hàng của nhà tiêu thụ, hứa hẹn sẽ là một lối đi bền vững đem về tiền tỷ cho ngành nông nghiệp.
Có thể nói, bắt nhịp được với kiểu làm ăn mới, duy trì sự ổn định, đó là lựa chọn tất yếu. Hình thức làm ăn này cũng chứng tỏ doanh nghiệp đã thật sự chung vai sát cánh với nông dân, không còn chụp giật như trước nữa. Đây chính là lời giải chính xác nhất cho bài toán cạnh tranh thời hội nhập ngày một khốc liệt.
Tại một tọa đàm được tổ chức hồi cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nêu lên hàng loạt những thay đổi nhanh chóng của thị trường… Trong xu thế đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh việc cần thoát khỏi tư duy lấy sản lượng làm mục tiêu mà thay vào đó phải lấy giá trị gia tăng và tích hợp đa giá trị, đẩy mạnh liên kết chuỗi vào một đơn vị diện tích sản xuất và một sản phẩm tạo ra.
"Khi tham gia vào chuỗi liên kết, phát triển các hình thức hợp tác, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro. Doanh nghiệp chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.