Startup nên chọn con đường tăng trưởng ‘nóng’ hay bền vững?
(DNTO) - Những bài học nhãn tiền từ việc tăng trưởng 'nóng' như kì lân Wework (Mỹ) mất hơn 80% giá trị chỉ trong vài tháng, GoBear (Singapore) gọi vốn 97 triệu USD vẫn phải đóng cửa, hay ở Việt Nam là Wefit và Soya Garden… dấy lên hoài nghi về việc startup thất bại nếu tiếp tục đi vào con đường “đốt tiền” để tăng trưởng.
Áp lực từ việc chọn mô hình hoạt động
Cyrada - startup hoạt động trong lĩnh vực bảo mật thông tin, một lĩnh vực mà theo ông Nguyễn Minh Đức, CEO của startup này đánh giá là khá hẹp. Bởi nếu xét về thị trường, độ sẵn sàng chi trả cho an toàn thông tin chỉ khoảng 10% so với chi phí doanh nghiệp bỏ ra đầu tư cho công nghệ thông tin.
Ngoài ra, trong lĩnh vực an toàn thông tin có nhiều cấu phần khác nhau như bảo vệ đường truyền, bảo vệ email, bảo vệ thiết bị…, nên thị trường càng thu hẹp nếu phát triển riêng lẻ các sản phẩm. Do đó, ở Việt Nam rất ít công ty đầu tư vào lĩnh vực này.
Do vậy, Cyrada ưu tiên con đường phát triển bền vững bằng việc áp dụng các công nghệ mới (sử dụng bigdata, AI) vào giải quyết các bài toán cũ (các cuộc tấn công hệ thống an ninh mạng), để phát hiện, dự báo sớm các cuộc tấn công..
Thế nhưng, CEO của Cyrada cũng cho biết, startup này hoàn toàn có thể tận dụng từng thời điểm để tăng trưởng nóng, khi các doanh nghiệp trên thế giới đẩy mạnh chuyển đổi số và lượng đầu tư vào công ty bảo mật thông tin ngày càng tăng.
Khác với Cyrada, ngay từ khi thành lập, startup sàn giao dịch trái cây trực tuyến F99 luôn tập trung phát triển “hình nón”’. Đặc biệt, năm 2021, startup này đặt mục tiêu cao nhất là phải tăng trưởng thần tốc để chiếm lĩnh thị trường, nhất là sau khi nhận được số vốn 20 tỷ đồng từ quỹ đầu tư Do Ventures.
Con đường của F99 đang được khá nhiều starstup mô hình nền tảng lựa chọn, bởi cuộc chiến giữa các công ty khởi nghiệp không phải là “cá lớn nuốt cá bé”, mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”.
Thế nhưng, theo thống kê của CB Insights, tỷ lệ startup thất bại trên thế giới dao động từ 75% - 90%. Trong đó, nhiều các startup tăng trưởng nóng trên thế giới nhanh chóng sụp đổ chỉ sau vài năm hoạt động, thất bại đau đớn nhất có thể kể đến là kì lân Wework, khiến nhiều startup phải suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh của mình.
"Sớm nở, tối tàn" nếu tăng trưởng "nóng"?
Chia sẻ về việc startup nên chọn mô hình tăng trưởng nóng hay bền vững, ông Bùi Thành Đô, Đồng sáng lập, CEO Quỹ đầu tư ThinkZone Ventures cho biết, nếu founder chấp nhận một cuộc chơi xây dựng startup thực sự, họ vẫn phải chọn một mô hình có thể tăng trưởng nhanh.
Bởi các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn nhắm vào các startup tăng trưởng nhanh, chưa nói đến việc có bền vững hay không vì nếu startup không tăng trưởng nhanh, các quỹ đầu tư khó lấy lại vốn từ những khoản đầu tư họ đã bỏ ra.
Ngoài ra, với một startup, đặc biệt startup công nghệ thường chú trọng đến việc giải quyết một vấn đề mới trong thị trường. Tuy nhiên, với một vấn đề mới thường không có lịch sử trong thị trường, vì vậy, việc tăng trưởng nóng phản ánh startup đi giải quyết một nhu cầu có thật, và nếu tiếp tục tăng trưởng thì chứng minh nhu cầu đó nhiều và họ đang giải quyết vấn đề tốt.
“Đối với một quỹ đầu tư mạo hiểm, khi nhìn startup, trong vòng 4-5 năm công ty đó phải tăng trưởng tối thiểu 20 lần, bởi startup đi từ con số 0, vốn và quy mô ban đầu đều rất nhỏ, nên nếu không đạt mức tăng trưởng đó thì cũng không hấp dẫn”, ông Đô cho hay.
Cũng theo ông Đô, đa phần startup hiện đều tính sai dung lượng thị trường. Đơn cử như nhiều startup trong hệ sinh thái của ThinkZone phát triển các công nghệ lõi cho thị trường toàn cầu, trong vòng 2 năm đã có lợi nhuận và tăng trưởng gấp đôi so năm trước. Hiện nay, họ chỉ cần một phần vốn nhỏ để phát triển tới top 1, top 2 thế giới.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng này rất dễ chạm trần và nó chứng minh khả năng tăng trưởng không còn nhiều. Lúc này, nhà đầu tư không hấp dẫn, mặc dù mô hình có thể bền vững, nhưng 4-5 năm nữa sẽ đi ngang rất nhanh. Điều này cho thấy mô hình bền vững nhưng không thể tăng trưởng nhanh.
Thế nhưng, cũng theo vị “cá mập” này, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, làn sóng đầu tư thay đổi dẫn đến làn sóng khởi nghiệp cũng thay đổi rất nhiều.
Trong những năm gần đây, các startup tập trung vào giá trị cốt lõi nhiều hơn, bằng việc tạo ra một công nghệ có lợi thế dẫn dắt, thay vì việc xây dựng nền tảng kết nối mọi người để hỗ trợ việc mua bán đơn thuần, và dùng tiền của các quỹ đầu tư để “đốt” nhằm nhanh chóng tăng trưởng. Bởi những mô hình “đốt tiền” hiện nay rất khó gọi vốn, trường hợp nếu gọi được thì trừ khi họ có một đội ngũ rất mạnh.
Ngoài ra, ông Đô cũng cho biết, một startup đã tăng trưởng nóng, đã có một giá trị cốt lõi rõ ràng, tập trung nghiên cứu phát triển giá trị công nghệ lõi và phù hợp với thị trường thì không có lý do gì không thể tăng trưởng nhanh và bền vững được. Do vậy, tăng trưởng nhanh hay bền vững hoàn toàn có thể đi song song, tuy nhiên sẽ phải mất thời gian tìm cách giải quyết vấn đề lớn, trong một thị trường rộng.
Với nhiều năm lựa chọn startup đưa vào hệ sinh thái của Viettel, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, các startup hiện nay đang có xu hướng cẩn trọng hơn, lựa chọn mô hình phát triển bền vững, tập trung vào các giá trị cốt lõi để tạo ra sự khác biệt, thay vì chạy theo xu thế của thị trường.
Những startup tăng trưởng nóng bằng việc “đốt tiền” để thu hút khách hàng thì tương đối rủi ro. Bởi khi thị trường biến động, các nhà đầu tư cẩn trọng hơn trong việc rót vốn, thì nguồn tiền đổ vào startup như vậy sụt giảm.
“Đối với startup Việt, hãy tận dụng thế mạnh “đánh du kích”, chọn hướng đi ngách nhưng an toàn thì sẽ hơn là một cuộc chơi “đốt tiền” vốn chỉ dành cho “nhà giàu””, ông Thanh cho hay.