Giám đốc Quỹ đầu tư AIO: 'Nhiều startup đang thần thánh hóa sản phẩm của mình'
(DNTO) - Ông Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Quỹ đầu tư AIO cho biết, nhiều startup luôn tự tin rằng ý tưởng của họ rất mới, rất tốt nhưng không biết rằng những ý tưởng đó đã được thị trường chứng minh.
Nhiều startup tìm đến nhà đầu tư nhưng không gọi vốn
Ông Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Quỹ AIO, thành viên HĐQT Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Thừa Thiên Huế cho biết, mặc dù đã đầu tư cho rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, nhưng khi trở về Huế, con đường đầu tư rất gian nan, khó khăn cho cả quỹ đầu tư và các dự án khởi nghiệp.
Gian nan là bởi khi tiếp cận với các quỹ đầu tư, những dự án khởi nghiệp địa phương rất khó hoàn thành các bộ hồ sơ để có thể vào được vòng gặp mặt trực tiếp với đại diện quỹ.
“Rất nhiều dự án phản ánh với chúng tôi rằng phần hồ sơ khai báo khó, họ không thể hoàn thành để tiếp cận với quỹ. Lúc đó tôi trả lời rằng: Gọi vốn không khó thì làm gì mới khó? Bởi quỹ đầu tư không phải là tổ chức từ thiện; vì quỹ được tạo thành từ tiền của các nhà đầu tư. Trước hết, chúng tôi phải đầu tư có lợi nhuận, sau đó mới tiếp sức cho các bạn trẻ”, ông Hưng chia sẻ trong Hội nghị Xây dựng Mạng lưới kết nối Nhà đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo khu vực miền Trung mới đây.
Ngoài ra, ông Hưng cho biết thêm, một số founder tìm đến các quỹ để thuyết trình dự án, nhưng sau đó lại không có nhu cầu gọi vốn, mà họ cần tìm người cố vấn, người đồng hành có thể tư vấn cho họ về phát triển mô hình kinh doanh, sản phẩm, thị trường, tài chính.
Đối với những startup như vậy, theo ông Hưng, họ có thể tham gia vào các vườn ươm, chương trình tăng tốc..., mặc dù không có nhiều đơn vị sẽ rót vốn nhưng họ sẽ mang lại cho bạn trẻ nhiều giá trị khác: Mặt bằng, không gian làm việc, đội ngũ mentor, chuyên gia, hỗ trợ pháp lý hay giúp kết nối với các quỹ hoặc có thể giúp nhóm khởi nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường thông qua mối quan hệ với doanh nghiệp.
Đừng chỉ chăm chăm đi tìm những ý tưởng mới
Là một vị “cá mập” thường xuyên tiếp xúc với các startup, ông Nguyễn Đình Hưng cũng cho biết, nhiều startup đi gọi vốn vô cùng tự hào về sản phẩm của mình, cho rằng sản phẩm rất mới, rất tốt. Tuy nhiên, trừ các ngành đặc thù như công nghệ thông tin viết ra một công nghệ mới, các nhà khoa học sáng chế vật liệu mới… còn những ngành dịch vụ, kinh doanh hiện hầu như không có ý tưởng mới. Do vậy, startup đừng thần thánh hóa ý tưởng của mình mà cần nhìn vào thực tế.
“Ý tưởng của startup không cần mới mà có thể là sản phẩm cũ nhưng giải quyết vấn đề mới, hay nói cách khác, trên thị trường dù có sản phẩm đó nhưng tồn tại rất nhiều nỗi đau về phía khách hàng, người dùng chưa ai giải quyết được, thì bạn có thể nghiên cứu và làm tốt hơn sản phẩm cũ”.
Cũng theo đại diện của Quỹ AIO, giai đoạn ý tưởng hay giai đoạn mầm, doanh thu của các dự án hầu hết là âm, việc kỳ vọng có nhà đầu tư nhảy vào khá khó vì quá nhiều nguy cơ. Vì vậy, hầu hết người sáng lập đều phải huy động tài chính của bản thân, gia đình và bạn bè hay tham gia vào một số chương trình gọi vốn từ cộng đồng.
Hiện Việt Nam có một số website gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam như Kickstarter, Indiegogo, Causes, Patreon… hay rất nhiều website trên thế giới mà các nhà sáng lập có thể đưa sản phẩm ở giai đoạn ý tưởng hay kiểm thử lên đó, và bán sản phẩm khi chưa sản xuất để gọi vốn từ đó. Nhưng theo ông Hưng, rất ít người dám làm việc này.
Tuy nhiên, vị "cá mập" này cũng cho biết, trong những năm gần đây, các quỹ bắt đầu mở rộng danh mục đầu tư bằng việc tham gia đầu tư giai đoạn sớm hơn của startup. Điều quan trọng là dự án phải chứng minh được ý tưởng tốt hay đội ngũ tốt.
“Chúng tôi đã từng đầu tư một dự án không nhiều tiềm năng, nhưng đánh giá rất cao đội ngũ sáng lập, và thỏa thuận với họ rằng nếu dự án này không thành công, chúng tôi sẽ đưa các bạn tham gia vào dự án khác”.
Còn với quy trình thông thường, khi nhóm khởi nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường, kiểm chứng được sự phù hợp của sản phẩm với thị trường và chiếm lĩnh một số thị phần nhất định thì startup mới nghĩ đến chuyện tăng nguồn vốn bằng cách tìm đến các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tuy nhiên, dù gọi vốn ở giai đoạn nào, ông Hưng cho biết, startup đều phải đảm bảo các tiêu chí: Có ý tưởng rõ ràng và sản phẩm cụ thể; mô hình kinh doanh tốt, kế hoạch kinh doanh hấp dẫn và thực tế; kế hoạch hoàn trả vốn vay/góp… Ngoài ra, founder khi gọi vốn cần có kiến thức về ngành và kỹ năng mềm.
Chia sẻ về thực tế khi xảy ra trong thị trường khởi nghiệp, ông Hưng cho biết, trong năm vừa qua, Quỹ AIO đầu tư khoảng 20 dự án ở miền Trung. Tuy nhiên, có một số dự án trước khi được đầu tư vận hành khá tốt, nhưng sau khi có đầu tư lại không phát triển được, do startup thay đổi mô hình kinh doanh. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các nhà đầu tư.
“Thực tế tại thị trường Việt Nam đã có một vài startup khá lớn từng làm chiêu trò bị giới đầu tư phản ứng dữ dội. Đó là sau khi nhận được tiền đầu tư từ quỹ, startup phát triển công ty, có thêm nhiều khách hàng nhưng lại cho khách hàng ký hợp đồng với công ty khác, sau đó đội ngũ startup chuyển hết sang công ty mới, tuyên bố phá sản công ty cũ, nhà đầu tư mất trắng. Nguyên nhân do việc thiếu chặt chẽ trong cam kết rót vốn giữa hai bên”, ông Hưng cho hay.