3 trụ cột làm nên thành công của Genetica – startup giải mã gen huy động 2,5 triệu đô chỉ trong 30 ngày
(DNTO) - Ông Cao Anh Tuấn – nhà sáng lập, Giám đốc Công nghệ Genetica cho biết, may mắn của những người sáng lập công ty là không khi nào phải trải qua giai đoạn “một mình”, vì luôn có sự đồng hành của nhân viên, cố vấn, ngay cả giai đoạn khó khăn bởi dịch Covid-19.
“Trong mùa dịch Covid-19, các bạn nhân viên có gửi tâm thư đến ban lãnh đạo và nói rằng họ sẵn sàng giảm lương, vì không thể ra ngoài nói chuyện, mở rộng thị trường mà vẫn phải hàng ngày làm online, trong khi các dịch vụ của công ty rất khó hoạt động.
Tuy quyết định vẫn không giảm lương nhưng khi đọc tâm thư của các bạn, chúng tôi rất tự hào về việc đã tìm được đội ngũ sẵn sàng đồng hành cùng công ty trong những giai đoạn khó khăn nhất”, người sáng lập Genetica xúc động chia sẻ.
Ông Cao Anh Tuấn cho biết, cách đây 10 năm, nhóm sáng lập của ông đã bắt đầu nghiên cứu về giải mã gen. Đến năm 2017, ông Tuấn cùng một vài tiến sĩ hàng đầu tại các trường đại học ở Mỹ mới bắt đầu thành lập Genetica.
Nắm trong tay công nghệ lõi chuyên biệt về giải mã gen dành riêng cho người châu Á, cùng với nguồn vốn từ Thung lũng Silicon (Mỹ) nên đội ngũ sáng lập tin tưởng rằng khi đưa mô hình này về Việt Nam sẽ dễ dàng vươn lên vị trí số 1 tại thị trường Đông Nam Á.
Tuy nhiên, khi chính thức đưa sản phẩm về Đông Nam Á, tại thị trường Singapore, Việt Nam… Genetica nhận ra rằng, có nguồn vốn và công nghệ là chưa đủ. Bởi có rất nhiều vấn đề mà các nhà sáng lập gặp phải như việc quản trị đội ngũ, thành lập phòng nghiên cứu, thu hút nhân lực, luật, phát triển thị trường…
4 năm phát triển tại thị trường Đông Nam Á, Genetica nhận thấy rằng, công nghệ và nguồn vốn từ Thung lũng Silicon chỉ đóng góp phần nào cho những thành quả công ty đã đạt được hôm nay. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất đưa Genetica trưởng thành chính là đội ngũ.
“Không chỉ là câu chuyện tìm những người cùng làm việc 16 tiếng/ngày, hay làm sao để tuyển những người sẵn sàng bỏ việc nghìn đô ở các công ty lớn về làm cho mình, mà quan trọng là truyền đạt để họ hiểu được lý tưởng về việc xây dựng bộ giải mã gen cho người châu Á quan trọng như thế nào.
Vì vậy, tìm được những người sẵn sàng đồng hành với startup trong giai đoạn đầu tiên, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 là quan trọng nhất mà Genetica đã làm được và hỗ trợ chúng tôi thành công”, ông Tuấn chia sẻ.
Là một người phát triển công nghệ, đã nhiều năm lăn lộn tại các công ty hàng đầu như Google hay startup ở Thung lũng Silicon, ông Tuấn cho biết, thời gian đầu khi có ý tưởng đưa Genetica về Đông Nam Á, đội ngũ công nghệ của ông rất tự tin.
Tuy nhiên, khi bắt đầu phát triển công ty và đưa công nghệ tạo thành sản phẩm thực sự mang lại lợi ích cho người dùng, nếu không có những cố vấn chuyên nghiệp, startup sẽ mất đi rất nhiều cơ hội khi đứng trước rất nhiều ngã rẽ mà không biết đi hướng nào.
“Tôi còn nhớ những ngày của năm 2017-2018 khi mới bắt đầu về Việt Nam, tôi thường xuyên đến nhà chị Lê Diệp Kiều Trang và anh Sonny Vũ (cặp vợ chồng từng xây dựng Misfit thành startup triệu USD - PV) và được anh chị đưa ra rất nhiều chia sẻ, lời khuyên. Và cứ thế, tôi gặp rất nhiều người, lắng nghe và chọn lọc những lời khuyên từ họ để phát triển công ty của mình. Đó là những yếu tố giúp tạo nên thắng lợi của Genetica hiện nay”, ông Tuấn nói.
Ngoài hai yếu tố về đội ngũ và người cố vấn, theo ông Tuấn, yếu tố trợ lực cho Genetica là việc hỗ trợ, chia sẻ nguồn lực, dịch vụ từ các công ty “bạn” như chia sẻ văn phòng, dịch vụ tài chính, pháp lý, tuyển dụng…
Hiện Genetica đang vận hành tại 3 quốc gia là Mỹ, Singapore và Việt Nam. Các bằng sáng chế của công ty đã được bảo hộ bản quyền tại 8 quốc gia khác (Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Úc, New Zealand) và đang tiếp tục mở rộng.
Trong quá trình phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là trong mảng công nghệ, Genetica cũng chọn cách “đứng trên vai người khổng lồ”, bằng việc kết hợp với các trường đại học ở Mỹ như Đại học Stanford, Đại học Y khoa Harvard.
Ngay cả khi về Việt Nam, Genetica cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan, tổ chức Việt Nam như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư. Hiện Genetica đang xây dựng phòng nghiên cứu tiêu chuẩn Mỹ đầu tiên tại Việt Nam và cũng là phòng lab tiêu chuẩn Mỹ thứ 2 của Đông Nam Á.
Genetica vừa công bố hợp tác cùng giáo sư đại học y Harvard và Bệnh Viện Trung ương Huế nhằm ứng dụng công nghệ giải mã gen bản quyền trong hỗ trợ chẩn đoán sớm nguy cơ di truyền của rối loạn tự kỷ ở trẻ nhỏ.
Đầu tháng 3 năm nay, Genetica đã huy động được 2,5 triệu USD trong vòng pre-series A. Đáng chú ý, vòng gọi vốn này được hoàn tất chỉ trong 30 ngày, với sự tham gia của 3 nhà đầu tư mạo hiểm đình đám là Dave Strohm, Craig Sherman và Guy Miasnik. Genetica cũng đang gặp gỡ những nhà đầu tư Đông Nam Á cho vòng gọi vốn series A tiếp theo.
“Ai làm công ty cũng đều vấp, đều ngã hết. Làm sao để học từ cú ngã của người khác để cái ngã của mình nhẹ nhàng hơn, bớt đau hơn”, nhà sáng lập Genetica nhấn mạnh.