Trước khi nhận vốn triệu đô, CEO Coolmate từng bị co-founder lừa sạch tiền
(DNTO) - Trước khi thành công với Coolmate, CEO Phạm Chí Nhu đã từng có giai đoạn rất khó khăn khi bị co-founder (người đồng sáng lập) lừa sạch tiền khi cùng đầu tư vào xưởng đồ da.
700 triệu "bốc hơi" khi góp vốn mở công ty
Thành lập từ năm 2019, Coolmate- startup cung cấp giải pháp mua sắm cho nam giới, chuyên bán những món đồ thời trang cơ bản như áo phông, quần lót, bít tất… vừa gọi vốn thành công 500.000 USD từ Quỹ đầu tư STIC Investment Hàn Quốc.
Mới đây, trong chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) mùa 4, Coolmate đạt thỏa thuận rót 500.000 USD từ Shark Bình, dự kiến hoàn thành trong tháng 7 tới. Trước đó, startup này đã gọi thành công 150.000 USD từ Quỹ 500 startup.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, người sáng lập của Coolmate Phạm Chí Nhu từng có thời gian lao đao khi bị đối tác “cuỗm” cả tiền vốn lẫn lãi. Ông Nhu đã chia sẻ chi tiết câu chuyện này trong Tập 1 Chương trình Fuckup Night của UpYouth tối 19/6.
Theo câu chuyện của vị CEO, trước khi khởi nghiệp với Coolmate, ông từng tham gia lĩnh vực sản xuất đồ da và đạt hiệu quả khá tốt. Để tiến hành mở rộng sản xuất, ông Nhu kết hợp với một chủ xưởng đồ da tại TP.HCM thông qua sự giới thiệu của người bạn, cùng nhau góp rất nhiều tiền để thu mua da cá sấu, đưa sang Thái Lan thuộc da sau đó mang trở lại Việt Nam để bán cho các xưởng thuộc da. Sau 6-7 tháng kết hợp làm việc, ông Nhu cùng chủ xưởng đồ da bắt đầu góp tiền thành lập công ty.
Tuy nhiên, do làm việc và sinh sống tại Hà Nội nên ông Nhu không có thời gian, điều kiện quản lý trực tiếp xưởng đồ da tại TP.HCM, mọi việc đều giao cho người đồng sáng lập điều hành. Đây cũng là lý do mà chỉ sau một thời gian ngắn, người đồng sáng lập cùng toàn bộ số tiền vốn, lãi “bốc hơi”.
“Tôi điện thoại, họ không nghe máy, đến nhà cũng không tìm được và biết rằng họ đã vỡ nợ. Thực ra số tiền chỉ tầm 600-700 triệu nhưng đối với tôi lúc đó, đây là số tiền khá lớn và vợ chồng tôi sắp sinh con, nên đó là giai đoạn rất khó khăn”, ông Nhu kể và tự rút ra bài học: Đừng nên đặt niềm tin vào những thứ mình không kiểm soát được.
Bí quyết dùng KOL quảng bá sản phẩm
Sau nhiều lần kinh doanh, ông Nhu thử sức với Coolmate trong lĩnh vực thời trang nam với mô hình trực tiếp sản xuất và bán lẻ trên nền tảng website thương mại điện tử tự phát triển. Chỉ sau 1 năm thành lập (từ năm 2019 – 2020), doanh số bán hàng Coolmate đã tăng 6 lần. Đặc biệt, sau khi lên gọi vốn tại Chương trình Shark Tank mùa 4, startup đã nhận hiệu ứng tích cực và ghi nhận doanh thu tăng trưởng đột biến. CEO Phạm Chí Nhu cho biết, mỗi ngày, website của Coolmate ghi nhận tới 15.000 lượt truy cập.
Để tiến hành marketing cho sản phẩm, Coolmate cũng lựa chọn sử dụng các KOL (người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng). Tuy nhiên, cũng có những chiến dịch “đại thắng” khi chi khoảng 50 triệu đồng thuê KOL nhưng doanh thu đạt tới 1 tỷ đồng; cũng có chiến dịch thất bại ê chề khi bỏ ra 170 triệu nhưng kết quả thu về chỉ có 50 triệu.
“Trước đó, bạn KOL đó rất nổi, nhưng thời điểm Coolmate thuê họ làm video quảng bá sản phẩm thì rất ít tương tác, lúc đó phía KOL nói rằng do Facebook, YouTube bị lỗi nhưng tôi cho rằng do chúng tôi đã đánh giá sai về hiệu quả quảng bá sản phẩm của KOL này”.
Vị CEO cho biết startup khi làm marketing cần chắc chắn trong từng chiến dịch bởi sản phẩm mới, ngân sách hạn hẹp nên nếu sai nhiều lần sẽ rất nguy hiểm cho startup. Tuy vậy, đừng kỳ vọng “đánh” trận nào cũng thắng bởi như Coolmate đã từng thuê 5 KOL nhưng chỉ 3 KOL thành công, vậy cũng đã là rất tốt.
“Quan điểm của Coolmate là thuê KOL nhưng không bắt họ phải nói hay, nói tốt về sản phẩm, mà có gì nói đó” - ông Nhu chia sẻ.
Để làm việc hiệu quả với KOL, CEO Nhu cho rằng startup nên đặt mục tiêu rõ ràng về doanh số, độ tương tác, mức độ phủ sóng thương hiệu… và có sự đo lường những chỉ số đó.
"Đừng chỉ thuê họ đăng bài quảng bá rồi trả tiền mà không đo lường được hiệu quả. Bởi nếu startup không đo lường được hiệu quả của các chiến dịch marketing thì hạn chế thuê KOL bởi rất dễ chết” - ông Nhu nhấn mạnh.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần chủ động liên lạc trực tiếp với KOL, không nên thông qua agency (đơn vị quảng cáo) hay các nền tảng quảng cáo. Bởi ngoài câu chuyện chi phí tăng cao hơn, thì độ gắn kết giữa KOL với doanh nghiệp không chặt chẽ nên doanh nghiệp rất khó truyền tải đầy đủ thông điệp, mong muốn của họ đến KOL.
Chưa có tham vọng làm thời trang nữ vì sợ khó phục vụ tốt
Ông Nhu cho biết, có rất nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao Coolmate không làm thời trang cho nữ. Tuy nhiên, thực tế, dù trong cùng lĩnh vực nhưng hành vi, nhu cầu của khách hàng nam và nữ rất khác nhau. Trong khi đó, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam còn khá mới, việc thuyết phục khách hàng rất khó, vì vậy, doanh nghiệp muốn cung cấp một trải nghiệm đủ tốt thì phải tốn rất nhiều công sức.
Do vậy, CEO Coolmate cho biết chưa có tham vọng mở rộng sang thời trang nữ vì mục tiêu của startup này không phải là lợi nhuận mà là hài lòng khách hàng, khi khách hàng hài lòng thì kết quả là lợi nhuận.
“Nhiều người lầm tưởng câu chuyện làm hài lòng khách hàng chỉ do bộ phận chăm sóc khách hàng đảm nhiệm tốt là được. Tuy nhiên với Coolmate, việc làm hài lòng khách hàng là trách nhiệm của mọi bộ phận và trong hoạt động của từng phòng ban phải đặt tinh thần chăm sóc khách hàng lên hàng đầu.
Ví dụ, Coolmate có chính sách trong vòng 60 ngày nếu khách trả hàng thì sẽ hoàn lại tiền cho họ trong vòng 24g. Trong trường hợp này, để phục vụ khách hàng tốt nhất, bộ phận kế toán phải là người xử lý, đặt lệnh chuyển tiền trước 3g chiều để đảm bảo trả lại tiền cho khách hàng trong đúng 24g” - CEO Phạm Chí Nhu nêu ví dụ.