Nhà khởi nghiệp hàng loạt Tracy Nguyễn và câu chuyện bị ông lớn trong ngành ‘hớt tay trên’
(DNTO) - Tracy Nguyễn (Nguyễn Trang) - cái tên đã gây được sự chú ý trong cộng đồng khởi nghiệp ở Hà Lan với hàng loạt dự án hướng tới tiêu dùng bền vững chia sẻ, cô đã từng ngây thơ tin rằng thương trường là nơi có thể dùng tình cảm và cũng chính niềm tin đó khiến cô bị một ‘vố đau’.
Đừng nghĩ có thể dựa vào ‘người khổng lồ’
Tracy Nguyễn tốt nghiệp ngành logistics tại Hà Lan. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tracy đã mạnh dạn đăng kí cuộc thi UPS’ Business Case Competition, tổ chức tại trường Đại học Tilburg, nhằm tìm kiếm ý tưởng giúp ngành giao thông vận tải giảm lượng khí thải.
Sau nhiều tháng nung nấu, SendbyShare – ý tưởng dựa trên mô hình kinh doanh crowdshipping - kết nối những người đi xe đạp và các cửa hàng địa phương ra đời và giành giải Nhất cuộc thi của UPS. Ý tưởng này giúp những người đi xe đạp có thể kiếm thêm thu nhập bằng việc giao hàng cho các cửa hàng trên đường đi làm hoặc đi học, đồng thời giúp giảm lượng khí thải và ùn tắc giao thông.
Năm 2019, Nguyễn Trang bắt đầu khởi nghiệp với SendbyShare. Tuy nhiên với một du học sinh, rào cản ngôn ngữ vẫn là một khó khăn, dù tại Hà Lan 95% người dân nói tiếng Anh nhưng ngôn ngữ trên kênh truyền thông, xã hội vẫn là tiếng Hà Lan, khiến cô du học sinh khá chật vật khi tìm hiểu các tài liệu.
Khó khăn thứ hai khi khởi nghiệp, theo Trang là các mối quan hệ. Thời điểm đó, Trang cho biết mình vẫn chỉ là cô sinh viên nhiều mơ mộng, một “đứa trẻ” trên thương trường. Vì vậy, sau khi giành giải tại cuộc thi UPS, đã có phác họa cơ bản của SendbyShare, Trang quyết định vác hồ sơ đến gõ cửa các tập đoàn lớn như PostNL (tập đoàn thư tín, bưu kiện và thương mại điện tử có hoạt động tại Hà Lan, Đức, Ý, Bỉ và Vương quốc Anh), DHL (tập đoàn logistics và vận chuyển bưu phẩm hàng đầu thế giới)… “Tôi muốn dựa vào ‘người khổng lồ’ để có bước tiến nhất định”, Trang nói.
May mắn đến với cô gái này khi thành công tiếp cận được đại diện điều phối của một tập đoàn logistics lớn. Họ đồng ý ngồi xuống cùng trao đổi, chia sẻ và thảo luận cùng Trang về ý tưởng phát triển SendbyShare. Tuy nhiên, trải qua vài lần gặp mặt, đến cuộc họp cuối cùng, Trang mới biết vì sao họ đồng ý ngồi xuống nói chuyện với mình, đó là bởi tập đoàn này cũng đang phát triển lĩnh vực mà SendbyShare đang theo đuổi.
“Lúc đó tôi cảm giác giống như mình bị lừa, mang hết những ý tưởng mình đang làm để chia sẻ với họ vì nghĩ rằng họ đã mở cửa cho startup thì đương nhiên họ sẽ muốn làm cái gì mới, họ sẽ hỗ trợ mình, nhưng thực chất là không. Lúc này tôi mới thấy thấm câu thương trường là chiến trường, đây không phải là nơi có thể dùng tình cảm, lúc nào cũng phải lý trí trong mọi quyết định. Khi dễ hay khó đều phải đặt câu hỏi tại sao như vậy, đừng mặc định người ta sẽ giúp mình”, Trang ngậm ngùi chia sẻ.
Hành trình trở thành nhà khởi nghiệp hàng loạt
Sau cú sốc khi tiếp cận “người khổng lồ”, Trang buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Để SendbyShare có thể duy trì và phát triển hoạt động giao nhận, bắt buộc phải có nguồn hàng hóa ổn định. Lúc này, Trang nghĩ đến việc tạo ra một cái “phễu” đổ nguồn hàng về cho SendbyShare, hay nói cách khác là tạo ra hệ sinh thái, gồm các vệ tinh để hỗ trợ cho startup này.
Giai đoạn tháng 4/2020, giữa lúc dịch Covid- 19 bùng phát khiến nhà nhà, người người phải cách ly, hoạt động giao đồ ăn, thức uống trở nên cần thiết. Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và các cửa hàng truyền thống trong việc tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng hơn thông qua công nghệ số, Trang Nguyễn tiếp tục khởi nghiệp với EFoodMarkt.
Tại EFoodMarkt, khách hàng có nhiều sự lựa chọn, từ sản phẩm tươi đến các mặt hàng địa phương chỉ trong một cú click chuột, đồng thời các lựa chọn giao hàng cũng rất linh hoạt và hiệu quả. “EFoodMarkt chính là mảnh ghép dành cho bức tranh còn thiếu của SendbyShare”, Trang nói.
Để thuyết phục người bán hàng đưa sản phẩm lên EFoodMarkt, Trang giúp họ nhận ra được lợi ích. Vì khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử khác ở Hà Lan, rất dễ bị lẫn giữa “rừng” sản phẩm công nghệ, gia dụng, sách… không có nơi tập trung riêng cho đồ ăn để khách hàng thỏa mãn sở thích và nhu cầu tìm kiếm của khách hàng.
Ngoài ra, tại EFoodMarkt, người bán hàng còn có thể chia sẻ câu chuyện của họ xung quanh việc tạo ra từng món ăn, thức uống đến từ thiên nhiên và lan tỏa câu chuyện đó tới người dùng chứ không đơn thuần chỉ là bán một món ăn.
“EFoodMarkt thực ra mới chỉ là bắt đầu, chưa thực sự mở rộng quy mô vì còn thiếu nhiều chức năng và khả năng để có thể mở rộng. Tuy nhiên rất vui khi có gần 20 người bán hàng trên nền tảng và họ rất tin tưởng vào ý tưởng của chúng tôi”, Trang chia sẻ.
Trang Nguyễn cho rằng, yếu tố giúp cô trở thành người khởi nghiệp hàng loạt là bởi cô luôn thích thử thách bản thân, thích tìm cách để giải quyết các vấn đề: “Có ngày phải giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc như vận chuyển hàng, tiền lương cho nhân viên… nhưng tôi lại say mê đi giải quyết các vấn đề này không biết chán và tôi có cơ hội gặp gỡ với nhiều người, có nhiều mối quan hệ, làm cho cuộc sống của mình có nhiều trải nghiệm”.
Trách nhiệm xã hội phải nằm trong mỗi doanh nghiệp
Ngoài 2 startup trên, Trang còn hỗ trợ và hợp tác với một số đơn vị để phân phối sản phẩm thiên nhiên Việt Nam sang Hà Lan và châu Âu như ống hút cỏ, các mặt hàng cói, bát đĩa làm từ dừa… Điểm chung trong các startup và dự án của Trang đều hướng tới việc phát triển bền vững. Trang muốn sử dụng những thứ sẵn có trên thị trường nhưng vận hành và phát triển để nó trở thành giá trị bền vững hơn.
Cũng theo Trang, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải nằm trong bản chất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, bắt đầu ngay từ khi tạo ra ý tưởng kinh doanh trong chính mỗi sản phẩm, dịch vụ, giá trị họ tạo ra và xuyên suốt quá trình quản trị và vận hành doanh nghiệp, chứ không phải làm ra tiền mới nghĩ ra việc đi từ thiện.
“Khi phát triển một ý tưởng, tôi đều phải tính toán đến các yếu tố như lợi nhuận, môi trường, xã hội… và các sản phẩm tạo ra không chỉ mang lại giá trị cho bản thân mà còn tạo được giá trị cho cộng đồng. Ví dụ tôi tiếp xúc với khách hàng, bên cạnh việc tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mình, tôi mong muốn tạo ra giá trị cho doanh nghiệp của họ, lúc đó tôi mới làm Mỗi một con đường đều có sự gập ghềnh, thay đổi và đau nhưng mỗi người phải có định hướng nhất định cho mỗi việc mình làm”, Trang tâm sự.