Pepita Marin gặp thời khởi nghiệp khi hồi sinh hàng thủ công đan lát mùa dịch
(DNTO) - Cô gái trẻ Pepita Marin bỏ việc ở một công ty kiểm toán để khởi nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng dệt kim trực tuyến. Giờ đây, giữa mùa dịch, We Are Knitters của cô mỗi năm thu về gần 24 triệu USD.
Rời bỏ công việc tại một công ty kiểm toán tiếng tăm như PwC khi mới chớm tuổi 20 để khởi nghiệp là quyết định táo bạo, đầy rủi ro của Pepita Marin. Thứ mà cô dấn thân là công việc kinh doanh bán lẻ hàng dệt kim trực tuyến lại càng phiêu lưu hơn. Thế nhưng, cuối cùng We Are Knitters của cô lại thành công chỉ qua 1-2 năm giữa đại dịch. Đó là nhờ may mắn thời thế hay Pepita Marin đã tính toán chọn lựa đúng hướng? Câu trả lời có lẽ là cả hai!
Thật ra cú khởi sự ngoạn mục ấy phải nhờ đến cả khoản tài trợ 10.000 euro mà Marin nhận được trong cuộc thi dành cho các start-up trẻ từ một trường đại học ở Tây Ban Nha, lẫn sự góp tay của cộng sự là bạn đồng nghiệp cũ của cô tại PwC, Alberto Bravo.
Linh cảm mách bảo với Marin rằng We Are Knitters là một cơ hội có thật, và thứ trực giác khiến cô xác tín mạnh mẽ một ngày nào đó mình sẽ là bà chủ càng không sai. Nắm nhanh thời cơ đến trước khi người ta già đi luôn là một lời khuyên đúng đắn. Thế nhưng mấy ai làm được chỉ vì cứ do dự, lần khân, nhất là khi họ đang không cần phải nai lưng kiếm tiền nhờ sống dưới sự đùm bọc của cha mẹ.
Tính cách dám chịu trách nhiệm của Pepita Marin chính là bản chất thiên bẩm của bất cứ dân kinh doanh từng trải nào. Cô đến với We Are Knitters với cả sự tự do của một CEO, luôn cảm thấy có bổn phận trước nhà đầu tư, đối tác kinh doanh hay nhân viên thuộc quyền. Về mặt tích cực, việc tự kinh doanh đã giúp một Marin còn rất trẻ đủ tự tin để cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư mà chẳng cần phải xin phép ai.
Cứ tưởng công việc kiểm toán trước đây ở PwC của cô không liên quan gì đến công cuộc khởi nghiệp kinh doanh cửa hàng bán lẻ dệt kim trực tuyến, nhưng thực tế, trải nghiệm ấy lại vô cùng hữu ích về mặt quản lý tài chính doanh nghiệp và giao dịch ngân hàng.
Ý tưởng của Marin và Bravo cho We Are Knitters bắt nguồn từ một chuyến đi thăm đồng nghiệp ở New York. Ở đấy cả hai chợt nhìn thấy một cô gái rất sành điệu nhưng lại ngồi lặng lẽ đan len trên tàu điện ngầm như một bà cô già thời Trung cổ. Lúc ấy, thực sự đôi bạn mù tịt về tay nghề đan que nhưng Marin quyết định thử làm vì tò mò, và còn do cảm thấy vừa thư giãn vừa bổ ích khi tự tay tạo ra một thứ gì đó.
Marin cũng nhanh nhạy nhận ra đây chính là cơ hội kinh doanh. Trong đầu cô nảy ra ý tưởng cần hồi sinh hàng thủ công đan lát, một sở thích vẫn được coi là “lỗi thời” ở Tây Ban Nha nhưng nay lại phổ biến ở những người trẻ tuổi trong thời gian mọi người phải ở nhà nhiều vì bị cách ly, phong tỏa do đại dịch.
Tầm nhìn của cô gái trẻ hoàn toàn đúng đắn. Nghiên cứu của tổ chức từ thiện Hội đồng Thủ công Mỹ được thực hiện trước khi dịch Covid-19 tăng tốc hoành hành cho thấy, 73% dân số Anh đổ xô mua hàng thủ công qua mạng vào năm 2020, tăng 17% so với năm 2006. Tỷ lệ khách hàng dưới 35 tuổi của dạng sản phẩm này cũng đã tăng từ 17% đến 32%. Nhà bán lẻ đồ thủ công Hobbycraft có doanh số bán hàng trực tuyến tăng 200% trong đợt phong tỏa toàn Anh đầu tiên. Còn tại Hoa Kỳ, doanh số của chuỗi cửa hàng Michaels cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,4 tỷ đô la.
We Are Knitters chủ yếu bán bộ dụng cụ đan, hình thức giao thương hoàn toàn trực tuyến, khác hẳn một số nhà bán lẻ thủ công truyền thống. Nhờ vậy, công ty không bị buộc phải đóng bất kỳ cửa hàng vật lý nào khi đại dịch Covid-19 ập đến. Marin phấn khích cho biết công việc kinh doanh đã thực sự tăng trưởng rất nhiều. Bởi theo cô, mọi người thấy việc dành thời gian cho những sở thích như đan lát trong thời gian phong tỏa như là một liệu pháp tâm lý.
Thật vậy, chỉ tính riêng ở Vương quốc Anh, năm 2020, We Are Knitters đã có doanh số bán hàng tăng hơn 300% so với năm trước. Các cơ sở của công ty ở Tây Ban Nha thậm chí còn làm ăn khấm khá hơn, do đất nước này thực thi chế độ “cấm vận để chống dịch” nghiêm ngặt nhất châu Âu, khiến số lượng người có sở thích ở nhà đan len tăng lên gấp bội.