Chuyện vượt ‘bão’ Covid-19 của startup du lịch Tubudd
(DNTO) - Trong khi nhiều startup nhanh chóng bị đánh bật khỏi thị trường, nhưng bằng khả năng thích ứng và xoay chuyển nhanh nhạy, startup du lịch Tubudd vẫn tiếp tục duy trì hoạt động và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu.
‘Cú sốc’ từ đại dịch
Ra đời từ năm 2017, Tubudd - Nền tảng kết nối khách du lịch và hướng dẫn viên bản địa do Vũ Thị Thái An (Annie Vũ) sáng lập nhanh chóng phát triển nhờ đón “sóng” nhu cầu của thị trường, khi dịch vụ du lịch đang phát triển rầm rộ trên thế giới.
Thông qua Tubudd, khách du lịch nước ngoài đến một quốc gia nào đó sẽ dễ dàng tìm được hướng dẫn viên bản địa có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, Đức, Mỹ, Nhật, Hàn… trên nền tảng công nghệ của Tubudd tại bất kì địa điểm nào ở quốc gia đó.
Ngoài ra, Tubudd còn giúp kết nối người nước ngoài với các phiên dịch viên bản địa hiểu về phong tục văn hóa, món ăn, trải nghiệm… trong quá trình du lịch, làm việc, sinh sống ở nước ngoài.
Chưa đầy 2 năm, Tubudd đã có mặt ở 31 thành phố tại 18 quốc gia trên thế giới; riêng tại Việt Nam, Tubudd “phủ sóng” 17 tỉnh, thành phố; với gần 500 hướng dẫn viên bản địa (buddy) trên toàn hệ thống cùng doanh thu 14.000 USD/tháng.
Thế nhưng, dịch Covid- 19 đến rất nhanh và bất ngờ, khiến nhiều ngành nghề chao đảo, trong đó ngành du lịch chịu một cú giáng mạnh nhất, và Tubudd – một startup trong ngành du lịch đương nhiên không thể tránh khỏi khủng hoảng.
“Nếu cuối năm 2019, Tubudd còn tham gia rất nhiều chương trình tại Hàn Quốc, có rất nhiều đối tác lên kế hoạch kết hợp, và chúng tôi đang kì vọng có sự thay đổi lớn trên thị trường thì vào tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành du lịch lâm vào khủng hoảng và chưa tìm được cách giải quyết, chỉ có cách chờ cho dịch qua đi. Lúc đó chúng tôi rất sốc vì buộc phải hoàn trả lại lượng lớn tiền cho khách hàng”, CEO Vũ Thị Thái An chia sẻ trong chương trình về xây dựng chiến lược quảng cáo, do WISE tổ chức chiều 9/7.
Trong những cuộc họp đội ngũ của Tubudd khi đó là những trăn trở về việc có nên tiếp tục đi con đường này hay không. Startup này cũng phải đối diện với việc cắt giảm nhân sự ở tất cả các bộ phận và việc đảm bảo nguồn tài chính để duy trì hoạt động.
“Tubudd lúc đó phải tìm rất nhiều cách để có thể sống được và vẫn phải duy trì đội ngũ nhân viên. Chúng tôi cố gắng tìm các ngách để duy trì, vì chúng tôi tin tưởng rằng Tubudd rất tiềm năng để phát triển, nên không muốn dự án bị đóng băng”, Annie Vũ chia sẻ.
Nhanh nhạy xoay chuyển
Thế nhưng, “trong nguy có cơ”, cũng chính trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Tubudd mới nhận ra tầm ảnh hưởng của thương hiệu với khách hàng và tận dụng để khai thác. Trong thời điểm tháng 3, tháng 4/2020, rất nhiều người tìm đến giải pháp của Tubudd.
Trước đây, nếu Tubudd giúp đỡ người nước ngoài đi du lịch và trải nghiệm tại Việt Nam, thì giờ đây, khi họ bị mắc kẹt lại do dịch Covid-19, Tubudd lại có thể giúp họ tìm được các sản phẩm, dịch vụ, phương tiện… hỗ trợ cuộc sống của họ khi ở lại Việt Nam. Điều này mở ra khối lượng khách hàng lớn trong mùa dịch mà trước đây Tubudd không hề nghĩ rằng nó có thể diễn ra.
Cơ hội tiếp theo là về nhân sự. Annie Vũ chia sẻ, dịch Covid-19 cũng là dịp để startup này chọn được những người đồng hành với mình lâu dài. Vì vậy, dù nhân sự từ 15 người giảm xuống còn 7 người và cũng nhiều lần bị xáo trộn bởi việc thay đổi nhân sự, nhưng nữ CEO này tin rằng những người ở lại và gắn bó với Tubudd trong những thời điểm khó khăn là những người phù hợp nhất.
Để có nguồn tài chính ổn định, đảm bảo cho việc duy trì hoạt động, Tubudd cũng phải xoay sang bán các hàng hóa thiết yếu như khẩu trang, đồ dùng thiết yếu cho những người đang đi du lịch.
Ngoài việc đa dạng hóa loại hình sản phẩm, dịch vụ, Tubudd tập trung chăm sóc khách hàng để nuôi dưỡng nguồn khách hàng hiện có và xây dựng thương hiệu, tiếp cận với nguồn khách hàng mới. Startup này nhanh chóng tận dụng sự phổ biến của các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Linkedin … để giúp thương hiệu phủ sóng ra cộng đồng quốc tế.
CEO Tubudd cho biết, khác với việc quảng bá trên website hay các trang báo, kênh mạng xã hội giúp Tubudd xây dựng hình ảnh cá tính hơn, phong cách và gần gũi hơn với người dùng.
“Đây là những nơi Tubudd xem là ‘nơi tâm sự, truyền đi những lời thì thầm với khách hàng’, như đưa ra các thông tin nhanh nhạy, kịp thời, các thông điệp để khách hàng nắm được tình hình dịch bệnh tại Việt Nam như thế nào, nếu đi du lịch sẽ ra sao… Những công cụ mà Tubudd sử dụng trên các trang mạng xã hội là các video, bài đăng, tin ngắn, thông tin khách hàng, lời đánh giá, hình ảnh của khách hàng… để tạo thêm các kênh bán hàng, tiếp cận khách hàng mới …”, Annie Vũ chia sẻ.
Trong thời điểm dịch Covid-19, nữ CEO sinh năm 1991 cũng dành nhiều thời gian cho bản thân để tham gia các khóa học ngắn hạn, đọc sách để tự nâng cao kiến thức, chăm sóc bản thân, đưa ra những quy trình làm việc tốt hơn.
Đây cũng là quãng thời gian quý báu để Annie Vũ nâng cao năng lực mà không phải lúc nào cũng có; đồng thời cũng là bước lùi lại để cô tự nhìn lại con đường mình đi có đúng hướng không, bản thân mình có thể làm được những điều gì khác không.
Nhờ vậy, trong thời điểm dịch Covid-19, Annie Vũ vẫn có thể tiếp tục phát triển thêm dự án khác, như tìm những người cộng sự để phát triển ý tưởng kinh doanh về hoa.
“Trong ‘nguy’, mọi người đừng chọn cách ngủ đông mà ngừng lại tất cả hoạt động, vì khi bắt tay làm nhiều việc, sẽ có thêm nhiều cách nhìn mới về các vấn đề trong xã hội. Hoặc khi mình làm việc với nhiều đối tác, startup mới, mình học được cách làm việc, vượt qua đại dịch của họ. Và khi mọi người cùng chung tay thì thách thức từ đại dịch sẽ nhỏ đi rất nhiều”, CEO Annie Vũ chia sẻ.