Chủ tịch Got It: 'Startup mà mơ mộng về kỳ lân hay tỷ đô thì chỉ có… trên báo'
(DNTO) - Sau hơn 10 năm lăn lộn khởi nghiệp, tiến sĩ Trần Việt Hùng, nhà sáng lập và Chủ tịch Got It AI - startup hoàn thành gọi vốn 25 triệu USD tại Thung lũng Silicon (Mỹ) đã có những chia sẻ thú vị, mới mẻ về khởi nghiệp.
Làm startup chắc chắn không thể cân bằng được cuộc sống
Khởi nghiệp từ năm 2011 khi đang là sinh viên nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Iowa (Mỹ), ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, thời gian đầu nảy ra ý tưởng làm Got It AI - ứng dụng giáo dục trên điện thoại được xây dựng trên nền tảng hỏi – đáp, ông đã biết đây là thị trường tiềm năng do trước đó, khi làm gia sư, ông từng làm cầu nối gắn kết hơn 400 gia sư và học sinh có nhu cầu.
Tuy nhiên, thời điểm khởi nghiệp, giống như nhiều nhà sáng lập khác, ông Hùng không thể lường trước những khó khăn mà startup sẽ phải trải qua, vì vậy mắc lỗi rất nhiều. “Nếu nhìn hướng tích cực, sau mỗi lần mắc lỗi, mình rút ra được bài học nhưng đương nhiên nó cũng làm chậm quá trình phát triển công ty rất nhiều, tiêu tốn tài nguyên” - ông Hùng chia sẻ.
Thế nhưng, do khởi nghiệp ở thời điểm sinh viên nên theo ông Hùng, sự mất mát không quá lớn. “Cùng lắm mất thời gian một vài năm, sau đó vẫn có thể làm việc khác. Vì vậy, quyết định có theo startup hay không ở thời điểm đó rất đơn giản, không mất quá nhiều thời gian” - ông Hùng nói.
Là một người Việt hiếm hoi chọn Thung lũng Silicon để khởi nghiệp, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, nếu chọn làm startup, chắc chắn không thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
“Khởi nghiệp rất nhiều khó khăn, bạn buộc phải bớt đi những thú vui trong cuộc sống. Việc này bạn phải tự thương lượng với chính mình; thương lượng với những khó khăn, không né tránh. Đây cũng là điều đơn giản nhất bạn có thể thương lượng, nếu không làm được thì sẽ khó làm được những việc khác. Làm startup phải tự vượt qua tất cả, không cần một người túc trực bên cạnh truyền cảm hứng” - ông Hùng nhấn mạnh.
Hiện Got It AI thường xuyên đứng trong Top 10 Ứng dụng giáo dục tại Apple App Store (Mỹ), đã có trụ sở ở 3 quốc gia là Silicon Valley (Mỹ), Ấn Độ và Việt Nam, với khoảng 85 nhân sự, trong đó có một đội ngũ điều hành giàu kinh nghiệm bao gồm các cựu giám đốc điều hành từ những gã khổng lồ công nghệ như Google, Lyft, Oracle, Rakuten.
Đặc biệt, Got It đã huy động thành công 25 triệu USD từ các nhà đầu tư nổi tiếng ở Thung lũng Silicon (Mỹ), trong đó có cả những nhà đầu tư ban đầu của SpaceX, Tesla và PlanetLabs.
Startup chỉ nên nhìn xa trong... 3 tháng
Chia sẻ về việc xây dựng chiến lược cho một startup, ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng, khác với những công ty thông thường, công ty khởi nghiệp chỉ nên nhìn hướng đi trong 3 tháng tới để thích ứng với sự thay đổi trên thị trường cũng như trong nội bộ công ty.
“Việc đưa ra một tầm nhìn dài hạn của startup chỉ có trên báo, còn thực tế, startup chỉ nên biết trong 3 tháng tới mình chọn bước đi nào tốt nhất. Đương nhiên mình vẫn có tầm nhìn dài hạn, biết được sản phẩm cuối cùng của mình có chỗ đứng như thế nào với người dùng. Thế nhưng, mọi người nói startup kỳ lân hay tỷ đô chỉ là “phông bạt”, nếu làm startup mà cứ nghe bên ngoài thì sẽ chết, startup phải tập trung vào việc mình đang làm” - ông Hùng chia sẻ quan điểm.
Lý giải cụ thể về việc startup không cần quá chú trọng vào tầm nhìn dài hạn, ông Hùng cho rằng khi startup gọi vốn, thông thường, nhà đầu tư chỉ tham gia trong vòng 18-24 tháng và startup cũng sẽ chỉ trình bày kế hoạch cụ thể với các nhà đầu tư trong khoảng thời gian này. Thực tế, để hoàn thành kế hoạch này, startup phải “cắm đầu cắm cổ” làm để đưa công ty đến cột mốc mới, sau đó họ sẽ tính tiếp.
Vì vậy, lời khuyên của ông Hùng là startup hãy xây dựng một hệ thống dữ liệu song song với việc tạo ra sản phẩm, để thu thập, đánh giá những chỉ số phát triển của công ty, hỗ trợ cho việc đưa ra chiến lược một cách chính xác và kịp thời nhất.
“Tại Thung lũng Silicon, mọi sự biến động không ngừng, không có gì tồn tại mãi mãi, bài học của Yahoo nhanh chóng bị đối thủ vượt mặt đã minh chứng cho điều đó. Vì vậy, startup phải luôn luôn bám sát vào con số, chỉ số và phải dựa vào dữ liệu để lên kế hoạch tiếp theo, không thể dựa vào cảm nhận và ý nghĩ chủ quan của bất kỳ người nào” - ông Hùng nhấn mạnh.
Đối với Got It, ông Hùng cho biết, những kỳ vọng công ty đặt ra đương nhiên không chỉ là mong muốn viển vông, bởi tại những vòng gọi vốn lớn, ngoài nhà đầu tư, startup còn có đội ngũ giám đốc kiểm soát và cả đối tác của nhà đầu tư tham gia, kiểm soát lẫn nhau để đạt được chỉ tiêu theo kế hoạch.
Ngoài ra, theo ông Hùng, với sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường, startup nên nhanh chóng đưa ra sản phẩm mẫu để có thể phản hồi trực tiếp bởi hiện nay, với những sản phẩm B2C (doanh nghiệp – khách hàng), việc thu thập dữ liệu từ khách hàng rất đơn giản, không thể tư duy theo kiểu cũ, sản phẩm hoàn thiện mới đưa ra thị trường, như vậy startup sẽ mất đi nhiều cơ hội.
“Phải làm sao để biết được nhu cầu của thị trường và khi tạo ra sản phẩm sẽ có người chi tiền cho nó. Nếu không làm được việc này và cũng không biết phương pháp làm thì tốt nhất, startup không nên làm vì sẽ mất thời gian, tiền bạc”.