Startup trong lĩnh vực y tế cần gì để phát triển?
(DNTO) - Dù được xem là “mảnh đất màu mỡ” để khai phá, nhưng số lượng startup ở Việt Nam chỉ chiếm dưới 2% trong tổng số hơn 4.000 startup công nghệ y tế tại châu Á (theo BMI), do sản phẩm mới chỉ tập trung về mặt công nghệ, chưa thân thiện với người dùng.
Mỏi mòn chờ startup y tế
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao, thể hiện qua tổng chi tiêu y tế ở Việt Nam năm 2019 là hơn 17 tỉ USD, tương đương 6,6% GDP và ước đạt 23 triệu USD vào năm 2022 với mức tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm khoảng 10,7% (theo Fitch Solutions ).
Trong khi đó, để giải quyết câu chuyện quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương, thiếu bác sĩ, già hóa dân số… ngành y tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, đây là cơ hội “vàng” cho các startup trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trái ngược với tiềm năng, số lượng startup bước ra từ lĩnh vực y tế tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Bà Bùi Nguyên Hương, Giám đốc phát triển thị trường của Earable (startup về thiết bị đeo tai thông minh giám sát và cải thiện chất lượng giấc ngủ) cho biết, hiện các startup về công nghệ số trong y tế ở Việt Nam có 2 xu hướng chính.
Xu hướng startup thứ nhất là tìm hiểu, chọn lọc mô hình đã thành công ở nước ngoài, sau đó triển khai lại tại Việt Nam. Ưu điểm của startup này là tỉ lệ thành công cao hơn vì đã có mô hình mẫu được triển khai nên dễ dàng nhìn thấy nhược điểm để cải thiện, tiết kiệm nhiều thời gian. Tuy nhiên, theo bà Hương, startup kiểu này chỉ có thể thành công khi có độ am hiểu thị trường sâu, khả năng vận hành tốt và đi nhanh để chiếm lĩnh thị trường, còn không sẽ phải cạnh tranh với các ‘ông lớn’ quốc tế khi họ ‘nhảy’ vào thị trường Việt Nam.
Xu hướng startup thứ hai là đầu tư phát triển một số công nghệ lõi, có thể bao gồm AI (trí tuệ nhân tạo), các thiết bị phần cứng để có thể lấy được dữ liệu. Tuy nhiên, theo bà Hương, những startup dạng này ở Việt Nam còn khá hạn chế, thực tế trên thế giới cũng chỉ tập trung nhiều ở Mỹ và châu Âu.
Chưa đặt người dùng vào trung tâm phát triển sản phẩm
Lý giải về việc startup vắng bóng trong lĩnh vực y tế, ông Khổng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, hiện sản phẩm, giải pháp công nghệ trong lĩnh vực y tế rất nhiều nhưng sau khi thiết kế và hoàn thiện thì không thể bán ra hoặc triển khai, do không phù hợp với nhu cầu của người dùng.
“Vì bản chất startup y tế chỉ là người làm công cụ, còn tri thức từ ngành y tế đến từ bác sĩ, cán bộ y tế. Vì vậy, các giải pháp y tế Việt Nam được rất nhiều người tham gia thiết kế, đầu tư nhưng không đi từ nhu cầu của bác sĩ và người bệnh mà lại ngồi phòng lab để nghĩ ra mọi thứ, rất nhiều tính năng, rất hay nhưng không ai dùng”, ông Đông nói, và cho biết thêm, cũng vì mắc phải sai lầm này mà không ít lần Trung tâm Giải pháp Y tế Viettel phải mất rất nhiều tiền bạc khi triển khai sản phẩm trên diện rộng mà không đi theo tiêu chuẩn quốc tế.
Còn theo ông Trần Hồng Quang, Điều phối quốc gia, Sáng kiến Dữ liệu cho Sức khỏe tại tổ chức Vital Strategies hiện nhiều startup y tế của Việt Nam vẫn chỉ liên quan đến các dịch vụ đặt khám, kết nối khám chữa bệnh từ xa Telehealth chứ chưa xâm nhập sâu vào lĩnh vực đòi hỏi chất xám công nghệ cao hơn như AI hoặc giải mã gen.
Đặc biệt, ông Quang cho biết yếu tố dữ liệu đang là rào cản lớn nhất khiến startup Việt Nam khó thâm nhập vào các mảng như AI, Big Data (dữ liệu lớn) hay IoT (internet vạn vật) trong việc cung cấp sản phẩm, giải pháp về y tế số. Nguyên nhân là do dữ liệu y tế Việt Nam hiện nằm ở nhiều đơn vị khác nhau, không tập trung vì một bệnh nhân đi khám tại nhiều bệnh viện, nhiều thời điểm sẽ có nhiều hồ sơ khác nhau. Trong khi đó, phần mềm của nhiều đơn vị không thể chia sẻ dữ liệu cho đơn vị khác, khiến dữ liệu bị phân mảnh, các nhà làm công nghệ khó thu thập và kết nối.
Một khía cạnh khác là dữ liệu không theo tiêu chuẩn. Trong chẩn đoán bệnh, ở mỗi vùng miền có thể sử dụng các ngôn ngữ khác nhau (ví dụ cùng nói về “bệnh hen phế quản”, có nơi dùng “bệnh suyễn”, có nơi dùng “bệnh hen”)… Vì vậy, theo ông Quang, với các phẫu thuật, thủ thuật chuyên sâu với phương pháp lộ trình phức tạp, nếu không chuẩn hóa dữ liệu thì sẽ không có bộ dữ liệu tốt để phục vụ quá trình dự đoán, điều trị bệnh.
Đối với các startup phát triển dựa vào các mô hình, thuật toán sẵn có ở nước ngoài, theo ông Quang, nếu đưa về Việt Nam phải chỉnh sửa để tương thích với dữ liệu cá nhân người Việt, bởi các sản phẩm đưa vào ngành y có rất nhiều tiêu chuẩn ràng buộc liên quan đến hành vi, yếu tố lâm sàng, công bố khoa học…
Còn theo ông Khổng Văn Đông, các startup muốn phát triển AI trong lĩnh vực y tế cần 4 yếu tố: chuyên gia ngành (đội ngũ đông đảo nhất), đội ngũ công nghệ, nhà thuật toán và nhà làm thiết bị.
“Phải có 4 đội ngũ này thì sản phẩm mới hoàn thiện, còn nếu chỉ có đội ngũ làm công nghệ thì chỉ làm ra sản phẩm mô phỏng trong phòng lab”, ông Đông nhấn mạnh và cho biết thêm, đối với startup y tế, ngay khi sản phẩm còn sơ khai đã phải đưa vào thử nghiệm, và liên tục chỉnh sửa, thử nghiệm mới ra một sản phẩm thực sự với người dùng.