CEO Bot bán hàng chia sẻ cách startup ‘quyến rũ’ nhà đầu tư
(DNTO) - Với mức tăng trưởng khách hàng lên tới hơn 5.000%/năm, Bot bán hàng liên tục nhận được nhiều lời mời rót vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khi đa phần startup vẫn vật lộn tìm vốn trong dịch Covid-19.
Ra đời từ cuối năm 2017, là một trong những nền tảng chatbot "Made in Vietnam" đầu tiên cung cấp giải pháp về nhắn tin chuyên nghiệp cho doanh nghiệp và nhà kinh doanh online trên các nền tảng như Messenger, Zalo, Whatsapp…, chỉ sau 3 năm, Bot bán hàng đã thu hút 50.000 nhà kinh doanh.
Ngay sau khi ra mắt vào cuối 2017, startup này đã nhận được gói hỗ trợ trị giá 30.000 USD từ Facebook, Amazon và sử dụng để đẩy mạnh marketing, phát triển sản phẩm.
Giai đoạn 2018-2019, Bot bán hàng ra mắt tính năng Marketing và Sale automation (Tự động hóa tiếp thị và bán hàng), cho phép nhà kinh doanh lập lịch chăm sóc và nhắn tin hàng loạt khách hàng; đồng thời tự động đề xuất sản phẩm, dịch vụ và đơn hàng. Nhờ vậy, giai đoạn này, mức tăng trưởng khách hàng lên đến hơn 9.000 %, Bot bán hàng liên tục lọt vào ‘mắt xanh’ của các ‘cá mập’.
“Thời điểm những năm 2018, ở Việt Nam chưa có khái niệm Social Commerce (thương mại xã hội - PV) đến năm 2020 mới bùng nổ hình thức này nên việc Bot bán hàng đón đầu xu hướng khiến chúng tôi hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư”, CEO Bot Bán hàng Lê Anh Tiến chia sẻ.
Tuy nhiên, do nhận thấy sản phẩm đã có thể tự chạy ổn định, sinh ra dòng tiền và chưa có nhu cầu về vốn, đội ngũ Bot bán hàng ‘thẳng tay’ từ chối các nhà đầu tư, bởi theo CEO Lê Anh Tiến, Bot bán hàng muốn chọn người sẽ đồng hành cùng nhóm thay vì vấn đề tài chính đơn thuần.
Đến năm 2020, nhận thấy nhu cầu bán hàng trên mạng xã hội và xu hướng tự động hóa hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng tăng trưởng, Bot Bán hàng ‘bắt tay’ với NextTech Group và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Next100 để tiếp tục nhận khoản đầu tư trị giá 500.000 USD từ đơn vị này.
“Bot bán hàng sẽ phát triển thành siêu nền tảng, là công cụ bán hàng đắc lực, để những người không am hiểu công nghệ vẫn có thể sử dụng. Với hệ sinh thái thương mại điện tử rộng lớn của NextTech-Group sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình toàn cầu hoá của chúng tôi”, ông Lê Anh Tiến chia sẻ.
Cũng theo Bot bán hàng, hiện startup này tiếp tục đi theo mô hình kinh doanh Subscription & Transaction (mô hình thu phí từ giao dịch của khách hàng đăng kí trên các nền tảng) bởi theo ông Lê Anh Tiến, đây sẽ là mô hình kinh doanh của tương lai, có nhiều lợi thế hơn hẳn mô hình nền kinh tế chia sẻ hay nền kinh tế tự do.
“Đó là lý do vì sao chúng tôi liên tục được các nhà đầu tư đề nghị rót vốn và dễ dàng gọi vốn dù thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ”, ông Anh Tiến chia sẻ.
Trong quá trình tiếp cận với nhiều nhà đầu tư khác nhau, vị CEO trẻ tuổi cũng nhận thấy bên cạnh việc quan tâm đến sản phẩm của startup, các “cá mập” rất thích “rót” tiền vào đội ngũ sáng lập.
“Một sản phẩm nhóm này không làm được thì sẽ có nhóm khác làm, nhưng để đi với startup đến cùng thì nhiệt huyết, đam mê của đội ngũ sáng lập rất quan trọng và đây cũng là một điểm thu hút các nhà đầu tư”, ông Anh Tiến cho hay.
CEO của Bot bán hàng cũng lưu ý đến khả năng quản lý dự án của các startup vì đa phần vẫn luôn tập trung vào sản phẩm, ý tưởng mà quên đi yếu tố quản trị.: “Quản trị 5-7 người khác với vài chục người, chi tiêu vài trăm triệu khác với tiêu vài chục tỉ khi có nhà đầu tư vào…”. Đặc biệt, startup chỉ nên gọi vốn khi có doanh thu và có một lượng người dùng nhất định và không nên cố gọi vốn từ nhiều nhà đầu tư vì theo CEO Lê Anh Tiến, việc này sẽ làm “loãng” các quyết định điều hành, quản lý của startup.