TS. Lê Duy Anh: ‘Kỳ vọng một startup kỳ lân bước ra từ trường đại học’
(DNTO) - TS. Lê Duy Anh - giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết, để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, Việt Nam cần nghiên cứu mô hình xây dựng công viên khoa học ngay trong các trường đại học.
Theo TS. Lê Duy Anh, hiện ở Việt Nam vẫn chưa có mô hình vườn ươm hỗ trợ startup đủ mạnh, do việc kết nối các nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp còn yếu. Trong khi bối cảnh thế giới hiện nay đều dựa vào nền tảng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế và lợi thế cạnh tranh, bởi vậy, nếu không dựa vào khoa học công nghệ và những nghiên cứu cơ bản, những doanh nghiệp khởi nghiệp liệu có bền vững được hay không, TS. Lê Duy Anh đặt vấn đề.
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam rất cần mô hình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp khoa học công nghệ để tạo nên hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp.
Với kinh nghiệm nhiều năm sinh sống và học tập tại Cambridge (Anh), ông Lê Duy Anh đánh giá cao mô hình của Công viên Khoa học Cambridge - trung tâm R&D thương mại lớn nhất ở châu Âu, thuộc sở hữu của Cao đẳng Trinity.
Đây được coi là “phát súng” đầu tiên cho việc hình thành hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp tại trung tâm học thuật 800 năm như Cambridge. Phân tích mô hình này, ông Duy Anh cho biết, công viên khoa học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kết nối giữa nhà khoa học, nghiên cứu sinh với các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp, quỹ đầu tư. Từ đó, những ý tưởng, nghiên cứu khoa học kĩ thuật không chỉ nằm trên giấy mà được thương mại hóa và đi vào đời sống.
Để cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan như nhà phát minh, khoa/trường, công ty… ông Duy Anh cho biết, công viên khoa học đưa ra cấu trúc rõ ràng về việc cho thuê các bản quyền công nghệ từ trường.
Ví dụ, với 100.000 USD lợi nhuận đầu tiên, người phát minh được hưởng 90%, khoa được 5%, trường 5%; với 100.000 USD lợi nhuận tiếp theo, người phát minh 60%, khoa 20% và trường 20%. Với doanh thu trên 200.000 USD sau này, lợi nhuận sẽ được chia đều 34%, 33%, 33 % cho mỗi bên… Tỷ lệ này có thể thay đổi tùy theo cách làm việc và thương lượng của mỗi bên.
“Những công ty hàng đầu như Apple, Microsoft, Google, AstraZeneca etc… đều có trụ sở tại Cambrigde để tận dụng nguồn lực hàng đầu tại đây. Đã có khoảng 16 công ty khởi nghiệp tại Cambrigde trở thành startup kỳ lân và đang sử dụng tới 61.000 lao động tại địa phương và Cambrigde hiện trở thành thành phố giàu có nhất tại Anh”, ông Lê Duy Anh cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế về tầm quan trọng của việc liên kết giữa nhà khoa học và các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, TS.BS Đào Việt Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam cho biết, từ một ý tưởng phát triển thành một dự án và một sản phẩm có thể thương mại hóa là quãng đường rất dài.
Cách đây 2 năm, khi nhận thấy tỷ lệ bỏ sót tổn thương khi nội soi còn cao, TS.BS Đào Việt Hằng đã nảy ra ý tưởng xây dựng một thuật toán giúp tăng cường hiệu quả của kỹ thuật nội soi. Sau khi tiến hành khảo sát online trên 101 đơn vị y tế trong cả nước để nắm rõ nhu cầu và tình hình thực tế khi triển khai kĩ thuật nội soi, bà Đào Việt Hằng cảm thấy đây là ý tưởng rất khả thi. Vì vậy, bà đã cùng nhóm nghiên cứu kết hợp với đối tác về công nghệ thông tin, xin dự án và nguồn đầu tư để hiện thực hóa ý tưởng.
“Hiện dự án đang trong quá trình phát triển và kỳ vọng sẽ tạo ra sản phẩm trong thời gian sớm nhất”, bà Hằng cho biết. Cũng theo TS.BS Đào Việt Hằng, trong những năm gần đây, startup công nghệ y tế thế giới tăng nhanh, đặc biệt ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, châu Âu… với các xu hướng nổi bật như ứng dụng công nghệ thông tin (trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, các sản phẩm và dịch vụ số hóa...) vào chẩn đoán hình ảnh, vận chuyển thuốc, nội soi…
“Y tế là lĩnh vực đặc thù, luôn cần những phát minh mới, những công nghệ, kĩ thuật mới để giảm thiểu sai sót trong quá trình khám chữa bệnh. Vì vậy đây là cơ hội rất tốt cho các startup Việt Nam”, bà Hằng nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, TS. Lê Duy Anh cho biết, việc liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học đã có nhưng chưa bài bản, sâu sắc và cũng chưa có trường đại học nào đủ tiềm lực để xây dựng công viên khoa học, thu hút các nguồn lực cho khởi nghiệp.
“Khi tôi tham quan mô hình của trường đai học VinUni, tôi thấy có tín hiệu rất đáng mừng khi họ đang xây dựng công viên khoa học ngay cạnh trường đại học, đây là hướng đi rất đúng trong việc liên kết giữa doanh nghiệp khoa học kỹ thuật và trường đại học. Tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ có trường đại học của Việt Nam hoặc doanh nghiệp đi từ trường đại học tạo ra startup kỳ lân đầu tiên”, ông Duy Anh chia sẻ.