Giám đốc Đầu tư của Do Ventures: Startup phải tìm mọi cách đưa sản phẩm ra thị trường sớm nhất
(DNTO) - Tiến sĩ Vũ Duy Thức - Giám đốc Đầu tư tại Quỹ Đầu tư Do Ventures cho biết, tốc độ là lợi thế lớn nhất của startup so với các công ty khác. Vì vậy, dù sản phẩm ban đầu chưa thể hoàn thiện, startup vẫn phải nhanh chóng “đẩy” ra thị trường để thăm dò hiệu quả sản phẩm.
Đừng quá cầu toàn khi xây dựng sản phẩm
Chia sẻ về những yếu tố cần có làm nên startup thành công, ông Vũ Duy Thức cho biết, ngoài sự nỗ lực, niềm tin của startup phải đặt đúng chỗ, đừng mơ mộng mù quáng. Theo ông Thức, startup phải học cách lắng nghe thị trường, bởi một sản phẩm phù hợp với thị trường là yếu tố quan trọng nhất với startup giai đoạn đầu.
“Người Việt có câu rất hay: "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", trong mỗi startup, điều này vẫn đúng. Thiên thời giống như đón thị trường đúng thời điểm; nhân hòa phải có một đội ngũ đi cùng nhau, mọi người hỗ trợ cho nhau những bộ kỹ năng cần có để phát triển sản phẩm; địa lợi là phải chọn đúng thị trường, có lợi thế cạnh tranh so với những công ty khác” - ông Thức cho hay.
Cũng theo ông Thức, từ một ý tưởng đi đến sản phẩm, startup sẽ phải chỉnh sửa rất nhiều lần, do đó các startup không nên quá cầu toàn trong việc thiết kế sản phẩm mà nên “tung” ngay ra thị trường để thu thập phản hồi của người tiêu dùng, dù sản phẩm có thể chưa hoàn chỉnh, thậm chí mới ở dạng sơ khai.
“Rất nhiều startup ngại chưa dám đưa ra sản phẩm vì còn sợ lỗi này lỗi kia, nhưng thực sự các bạn phải đưa sản phẩm ra thị trường sớm nhất có thể. Bởi có thể bạn làm ra một sản phẩm rất tốt nhưng không ai quan tâm. Hoặc nếu bạn tập trung sửa những lỗi mà người tiêu dùng thậm chí không nhận ra, hoặc không dùng đến thì bạn mất rất nhiều công sức để giải vấn đề không phải trọng tâm” - ông Thức nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, khi một sản phẩm mới ra thị trường sẽ gặp rất nhiều phản hồi trái chiều. Do đó, startup phải có sẵn trong mình “tư duy mở”, để sẵn sàng đón nhận ý kiến phản hồi từ khách hàng, đối tác, nhà đầu tư, thậm chí cả trong đội ngũ nhân viên của mình.
Nhưng ông Thức cũng nhấn mạnh phải lắng nghe các phản hồi của khách hàng có chọn lọc, bởi không phải khách hàng nào cũng hiểu về sản phẩm và phản hồi “có tâm”. “Startup phải biết được khách hàng thực sự của mình ở đâu. Ví dụ, khi bạn cho khách hàng sử dụng sản phẩm miễn phí, có thể họ sẽ có những lời khen ngợi về sản phẩm, nhưng họ có bỏ tiền ra chi trả cho sản phẩm hay không thì chưa chắc” - ông Thức nêu ví dụ.
Startup công nghệ phần cứng hay phần mềm có lợi thế hơn?
Là tiến sĩ công nghệ thông tin chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford (Mỹ) ở tuổi 28, đồng thời tham gia sáng lập rất nhiều startup công nghệ đình đám tại Thung lũng Silicon (Mỹ) như Katango, Tappy, OhmniLabs, ông Vũ Duy Thức cho hay, startup một công ty phần cứng khó khăn rất nhiều so với công ty phần mềm.
Bởi theo ông, công ty phần cứng sẽ phải có nhiều hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ phần cứng, phần mềm cho đến đám mây, hệ thống… tùy theo sản phẩm. Vì vậy, startup phải tập hợp một đội ngũ giỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, nếu muốn ra sản phẩm phải mất rất nhiều thời gian.
Cụ thể, startup phần mềm có thể nhanh chóng đưa một phiên bản thử nghiệm của sản phẩm để lấy ý kiến phản hồi của khách hàng. Trong khi đó, với startup phần cứng, nếu sản phẩm không hoàn thiện cơ bản, ví dụ một con robot chưa thể chạy được thì rất khó “tung” ra thị trường bởi người tiêu dùng không thể đánh giá được hiệu quả.
Đặc biệt, khi làm sản phẩm phần cứng, chi phí sản xuất rất lớn, bởi nếu đặt sản xuất tại Trung Quốc, bắt buộc mỗi đơn hàng phải từ 10.000 mẫu trở lên. Do vậy, ông Thức cho biết, đây là điều khiến nhiều startup phần cứng thường bị “chết” ở khâu đặt mẫu sản phẩm thử nghiệm, vì sẽ rất khó để cải tiến sản phẩm, và nếu có cải tiến cũng mất rất nhiều thời gian.
“Sản phẩm phần cứng không có sự linh hoạt như khi làm sản phẩm phần mềm, khi bạn chỉ cần sửa vài dòng code và đưa ra thì hôm sau sẽ có phiên bản mới để chạy sản phẩm của bạn rồi” - ông Thức cho hay.
Về việc lấy ý kiến phản hồi về sản phẩm, theo vị chuyên gia này, các công ty phần cứng sẽ “vất vả” hơn khi phải mất nhiều chi phí tạo ra sản phẩm, chi phí gửi đi gửi về và dễ bị rơi vào “bẫy”.
“Ví dụ, một sản phẩm robot được tạo ra, hầu hết khách hàng đều muốn sử dụng mặc dù họ cũng chưa chắc xác định sẽ dùng vào việc gì. Cho nên startup dễ bị đưa vào "ngõ hẹp" khi không biết thực sự khách hàng có sử dụng sản phẩm để giải quyết vấn đề của mình không, hay chỉ vì hứng thú với sản phẩm công nghệ mới” - ông Thức lý giải.