4 founder đình đám bày cách ‘săn’ nhân sự và điều hành đội ngũ trong startup
(DNTO) - Nhân sự luôn là vấn đề làm đau đầu nhà quản lý, đặc biệt với startup khi các nền móng chưa vững vàng. Dưới đây là những kinh nghiệm lựa chọn và quản lý nhân sự đến từ 4 founder (nhà sáng lập) là Andrew, Nghĩa Vũ, Zean Võ và Hùng Trần.
Đồng hành cùng nhân sự là cách điều hành startup của Nguyễn Đức Anh (Andrew) - founder Nanobook - startup về ứng dụng đọc sách, đồng thời là đạo diễn và nhà sản xuất nhiều MV, TVC cho các thương hiệu VinFast, Cartier, Louis Vuitton, Channel, Japan Airlines….
Theo Andrew, nếu thực sự muốn khởi nghiệp, bạn phải có đam mê. Khi làm startup, người sáng lập phải sống chết với nó, không chỉ làm cho vui. Đừng nghĩ đây là nghề thú vị vì sẽ mất thời gian, mất việc.
Startup là công việc khó hơn bình thường rất nhiều vì mất hoàn toàn thời gian cho công việc, không có thời gian vui chơi. Tuy nhiên, nó rất vui, rất đáng nếu bạn thích ý tưởng của mình.
Cách điều hành đội ngũ của tôi là luôn đồng hành với nhân sự để đảm bảo việc triển khai dự án không mắc lỗi.
Tùy theo dự án, với mỗi vị trí đặc thù, nhân sự có kiến thức chuyên ngành giỏi thì tôi tin tưởng để họ triển khai công việc, trên cơ sở ý tưởng và hướng đi của mỗi dự án đã được bàn bạc kỹ lưỡng.
Vũ Trọng Nghĩa: Tin tưởng và trao quyền cho cấp dưới
Là CEO Bizzi - startup cung cấp giải pháp số hóa các hoạt động tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Vũ Trọng Nghĩa chia sẻ: Kỹ năng quan trọng của một startup ở giai đoạn sớm là xây dựng tầm nhìn, đội ngũ vì nếu có văn hóa tốt và đội ngũ tốt sẽ là nền móng vững chắc cho startup phát triển.
Kỹ năng quan trọng của một startup ở giai đoạn sớm là xây dựng tầm nhìn, đội ngũ vì nếu có văn hóa tốt và đội ngũ tốt sẽ là nền móng vững chắc cho startup phát triển.
Khi khởi đầu, Bizzi chỉ có 2 co-founder làm việc với nhau và thời điểm đó, Bizzi là số 0 trên thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực của chúng tôi rất khó để tìm kiếm những người đồng hành tại Việt Nam. Lúc đó, 2 co-founder chủ yếu tìm những nhân sự đầu tiên thông qua các mối quan hệ của mình để thuyết phục họ cùng tham gia. Từ từ, có những nhân sự đầu tiên để xây dựng startup.
Mặc dù thời gian đầu chúng tôi đã có sự hỗ trợ của các nhà đầu tư nhưng cũng rất khó khăn khi tìm kiếm, thuyết phục nhân sự. Founder lúc đó phải có kỹ năng để tạo niềm tin với mọi người và lan tỏa câu chuyện của Bizzi để thu hút mọi người làm việc.
Sau 2 năm, hiện Bizzi có 20 nhân sự trong team của mình. Tuy nhiên, nhân sự luôn là vấn đề của startup trong mọi giai đoạn.
Đội ngũ startup rất nhỏ nên sự gắn kết rất cao, giống như những người anh em trong gia đình, rất linh hoạt, giao tiếp nhanh. Tuy nhiên, đến giai đoạn bắt đầu tăng trưởng, cần có quy trình làm việc rõ ràng, mô hình hóa, chuẩn hóa hoạt động để sẵn sàng nhân rộng.
Cách lãnh đạo startup của tôi là tin tưởng và trao quyền cho những người cấp dưới vì họ tham gia vào startup, họ luôn muốn có cơ hội sáng tạo và thể hiện năng lực bản thân.
Võ Thị Hải Trang (Zean Võ): “Mạnh mẽ với mục tiêu nhưng nhẹ nhàng với con người”
Là CEO Browzzin - startup công nghệ thời trang, Top 50 công ty công nghệ hàng đầu tại Intercon 2019, cạnh tranh với các “tay chơi” thời trang nổi tiếng thế giới như Farfetch, BESTSELLER, Zalando SE và NET-A-PORTER, Võ Thị Hải Trang luôn quan tâm đến kỹ năng quản lý con người.
Bí quyết lãnh đạo của Zean Võ là: Mỗi giai đoạn khác nhau của startup sẽ cần những kỹ năng khác nhau của founder. Giai đoạn đầu, startup rất ít người, chủ yếu là founder với nhau thì phải có kỹ năng xây dựng chiến lược, biết được mình đang làm cái gì trên thị trường.
Sau đó startup lớn hơn, có nhiều đồng đội hơn thì founder phải có kỹ năng quản lý con người, đội ngũ và quản lý bản thân mình nữa vì đến khi startup hình thành thì rất dễ quá tải với mọi thứ xung quanh.
Việc tạo ra mối quan hệ rất quan trọng để giúp startup có thêm những bài học, những nhân sự trong tương lai. Vì vậy, cần giới thiệu để mọi người biết rằng mình đang làm gì.
Hiện có rất nhiều trang web hỗ trợ startup tìm kiếm nhân sự tài năng. Bạn chỉ cần đăng yêu cầu tuyển dụng, sau đó lựa chọn CV và phỏng vấn.
Ở giai đoạn đầu của starutp, đội ngũ nhỏ nên không có quá nhiều vấn đề xảy ra. Nhưng khi startup lớn hơn, nhân sự nhiều hơn sẽ xảy ra tình trạng việc giao tiếp giữa các thành viên, các nhóm không ăn khớp. Lúc đó, tôi phải dồn lực để xây dựng quy trình làm việc.
Cách lãnh đạo của tôi là “mạnh mẽ với mục tiêu nhưng nhẹ nhàng với con người”, bởi không ai thích làm việc trong một môi trường khắc nghiệt và nếu môi trường làm việc không hài hòa, mọi người không vui vẻ thì khó có thể đạt được mục tiêu.
Tôi học được cách kiểm soát cảm xúc bản thân, dù mình đang mệt mỏi, áp lực nhưng không bao giờ đẩy áp lực của mình xuống đội ngũ, vì điều đó có thể khiến hỏng việc.
"Cách lãnh đạo startup tốt nhất là không cần phải lãnh đạo" là quan điểm của Hùng Trần - Founder Got It - startup hoàn thành gọi vốn 25 triệu USD tại Thung lũng Silicon (Mỹ) và vừa nhận thêm 6 triệu USD từ VNG.
Anh khẳng định: Kỹ năng đầu tiên startup là “sale”, không phải là bạn mang một sản phẩm đi bán mà nó thể hiện là kỹ năng truyền tải giá trị của sản phẩm, doanh nghiệp đến với mọi người, để thu hút người đồng hành, cộng sự và khách hàng.
Khi startup lớn hơn một chút thì làm sao sale đến các nhà đầu tư để họ tin tưởng và đầu tư vào startup, tiếp theo là sale đến nhân viên tương lai để họ đồng hành cùng mình. Cuối cùng là sale cho khách hàng. Khi công ty phát triển hơn thì phải sale nội bộ để họ có động lực, tự tin làm việc.
Khi các công ty bắt đầu phát triển, yêu cầu tuyển dụng rất lớn nên phải có quy trình lựa chọn người phù hợp. Ở Got It, quy trình lựa chọn rất khắt khe, trải qua 6 vòng và tỷ lệ tuyển dụng/số lượng hồ sơ ứng viên chỉ là 2%.
Không phải cứ tuyển dụng người giỏi nhất sẽ cống hiến cho công ty được nhiều nhất. Trước đây, Got It cũng từng mắc lỗi khi ra sức chiêu mộ những người từng thắng giải ở các cuộc thi về làm việc, nhưng cuối cùng sự lựa chọn này là sai. Vì nhiều người không có tư duy làm việc mà chỉ có tư duy để đi thi. Và rất nhiều người có tư duy được chiều chuộng, được ôm ấp, o bế thì khi làm việc chung không phù hợp mà đôi khi còn gây ra xáo trộn nhiều hơn là đóng góp cho đội ngũ.
Tiêu chí lựa chọn nhân sự ở Got It: Đối với các bạn trẻ, thông minh và có thái độ tốt là 2 tiêu chí quan trọng nhất vì những người như vậy có thể học hỏi được mọi thứ. Ở những vị trí cần nhiều kinh nghiệm hơn, chúng tôi sẽ đánh giá thêm về kỹ năng và tầm nhìn.
Cách lãnh đạo startup tốt nhất là không cần phải lãnh đạo. Vì nếu ngày ngày phải đi “soi”, ngó nghiêng mọi người đang làm gì thì rất mất thời gian. Chúng tôi cố gắng xây dựng văn hóa “sở hữu”. Tức một nhân sự tham gia vào Got it, họ sẽ được tin tưởng 100%. “Bạn muốn làm gì thì làm nhưng công việc phải hoàn thành”.