CEO Guardian Việt Nam: Muốn lãnh đạo người khác phải lãnh đạo được bản thân mình
(DNTO) - Vị CEO người Việt đầu tiên của Guardian Việt Nam Lê Huỳnh Phương Thục, cho biết động lực để bà vượt qua khó khăn là làm chủ được bản thân trong mọi hoàn cảnh.
Từng đứng trước lựa chọn khởi nghiệp hay đi làm thuê
Bà Lê Huỳnh Phương Thục kể, sau khi bước chân khỏi cổng trường đại học, cũng giống bao người trẻ khác, bà cũng mong muốn được dấn thân, được chủ động theo đuổi những gì mình muốn. Thế nhưng, để xây dựng nền tảng kiến thức, kinh nghiệm vững chắc, bà Thục chọn cách làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, bởi theo bà Thục, bạn muốn xây một ngôi nhà càng cao, nền móng càng phải chắc.
Sau nhiều năm lăn lộn làm việc và giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao ở các công ty đa quốc gia như Loreal, Castrol, Unilever, FrieslandCampina…, năm 2019, bà Thục trở thành CEO người Việt đầu tiên tại thị trường Việt Nam của Guardian, trực thuộc Tập đoàn Dairy Farm – Nhà bán lẻ hàng đầu châu Á.
Theo bà Thục, lựa chọn khởi nghiệp hay đi làm thuê phụ thuộc vào mục đích của mỗi người. Mỗi lựa chọn đều có những cái được và mất. Như khi làm việc cho các tập đoàn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia với nhiều quy tắc sẽ khiến các bạn trẻ cảm thấy gò bó, đặc biệt không có chuyện lương cao ngay từ những năm đầu. Còn đối với startup, bạn làm thuê cho chính mình, được tự do hơn, đặc biệt nếu startup phát triển, chỉ trong vài năm, bạn có nguồn tài chính khá nhưng đổi lại những thứ khi mất đi sẽ rất lớn.
Hiểu được điều đó nên bà Thục quyết định tiếp tục gắn bó với các tập đoàn đa quốc gia, bởi đây là nơi bà học được tư duy khoa học, chuyên nghiệp, hệ thống và bản lĩnh lèo lái doanh nghiệp ở những thời điểm khác nhau. Đặc biệt, quá trình làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia giúp bà mở rộng mạng lưới quan hệ của mình. Theo bà Thục, mạng lưới quan hệ chính là tài sản cá nhân của mỗi người nếu muốn phát triển sự nghiệp.
“Mỗi một tập đoàn họ có định hướng phát triển riêng nên quá trình làm việc ở đó, tôi đã có cơ hội làm dày thêm nền tảng của mình. Đặc biệt, tại các tập đoàn với lượng phòng ban lớn với rất nhiều nhân sự tài năng, tôi còn có cơ hội làm việc với nhiều agency (đơn vị dịch vụ truyền thông quảng cáo - PV), được học hỏi và hỗ trợ rất nhiều trong công việc”, bà Thục chia sẻ.
Học cách làm chủ bản thân trước khi làm chủ người khác
Bà Thục cho biết, mọi người đều trăn trở làm sao để tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống và công việc, nhưng ngay cả khi được làm công việc mình đam mê, vẫn sẽ có lúc cảm thấy không hài lòng. Bí quyết của vị CEO Guardian Việt Nam là phải làm chủ được bản thân, lãnh đạo được chính mình để trước mỗi khó khăn đều tìm ra động lực vượt qua, tránh lúc cao hứng, lúc tụt hứng.
“Khi người lãnh đạo đam mê với công việc sẽ tạo ra lực hút với mọi người trong đội ngũ, kích thích người khác lao theo mình, không cần phải có ‘củ cà rốt’ thì ‘con thỏ’ mới chạy”, bà Thục nói.
Và vị nữ CEO cũng chia sẻ rằng, với mọi công việc dù thích hay không, cần làm với thái độ tích cực, toàn tâm toàn ý, bởi nếu chúng ta làm hời hợt, kết quả không tốt thì lại càng thêm vào những cảm xúc tiêu cực khi thực hiện công việc đó.
“Giống như việc quét nhà, dù chẳng mấy ai thích làm việc này, nhưng nếu mình tập trung làm một cách tốt nhất, mình sẽ hưởng thành quả là ngôi nhà sạch mát. Tôi luôn dành 100% tâm sức khi làm một việc. Ví dụ trong giờ làm việc khác, còn khi về nhà, làm vợ, làm mẹ, nhiều khi mọi người gọi chưa chắc tôi bắt được máy”, bà Thục tâm sự.
Quyết định khó khăn nhất là quyết định liên quan đến con người
Bà Lê Huỳnh Phương Thục kể, ở thời điểm tháng 4/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, cả đất nước thực hiện giãn cách xã hội là thời điểm khủng hoảng nhất với nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành bán lẻ.
Đứng trước việc hàng loạt các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc phải đóng cửa mà chưa biết đến khi nào có thể mở trở lại, Guardian Việt Nam buộc phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động kinh doanh. Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất với bà Lê Huỳnh Phương Thục, khi khủng hoảng xảy ra chỉ sau một năm bà nhận chức vụ cao nhất của tập đoàn này tại Việt Nam.
“Lúc đó tôi rất trăn trở vì quyết định khó khăn nhất là quyết định liên quan đến con người, nhưng nếu giữ hết người thì làm sao có thể vực lại được, vì đó là chi phí rất lớn với doanh nghiệp. Tôi luôn suy nghĩ về quyết định cắt giảm nhân sự sẽ có mức độ ảnh hưởng đến bao nhiêu người và phải làm sao để mức độ ảnh hưởng thấp nhất”, bà Thục chia sẻ.
Sau nhiều đêm trằn trọc, vị nữ CEO nhận thấy cần nhờ sự hỗ trợ từ phía Tập đoàn mẹ - Tập đoàn Dairy Farm. “Chúng tôi phải cố gắng thuyết phục tập đoàn rằng Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng và phát triển, đây chỉ là giai đoạn đóng cửa ngắn hạn, chúng tôi sẽ vượt qua được”.
Cùng với đó, Guardian Việt Nam buộc phải nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình mới của thị trường, bằng cách mở rộng kênh phân phối online trên các nền tảng thương mại điện tử, bên cạnh các kênh bán lẻ truyền thống.
“May mắn trong năm vừa qua, đội ngũ Guardian Việt Nam đa số được bảo toàn, và họ tôi rất xúc động khi chúng tôi cùng nhau vượt qua thời kì khó khăn nhất”, bà Thục tâm sự.