CEO sách nói Fonos: Từng làm thư ký không lương 9 tháng để tiếp cận mentor
(DNTO) - Xuân Nguyễn – CEO ứng dụng sách nói Fonos chia sẻ, để tiếp cận với các mentor (cố vấn kinh doanh), cô không tiếc thời gian, không ngại gặp gỡ, thậm chí từng làm thư ký không lương để được học hỏi kinh nghiệm.
Không ngại bị từ chối
Khởi nghiệp với chuỗi Bánh Mì 362, dự án về y tế và sau đó là ứng dụng sách nói Fonos, Xuân Nguyễn cho biết, để có thành tựu như hiện tại, trong hành trình kinh doanh của cô không thể thiếu những mentor.
“Tôi làm gì cũng tìm người cố vấn cho mình, dù chỉ biết họ qua báo chí nhưng thấy rất ngưỡng mộ, rất muốn được tiếp xúc, học hỏi và đi theo con đường kinh doanh của họ”. Tuy nhiên, xuất phát điểm là người không có mối quan hệ trong giới kinh doanh, vì vậy, quá trình Xuân Nguyễn tìm kiếm mentor gặp không ít trở ngại, thậm chí nhiều lần bị từ chối.
Để tìm kiếm cơ hội, Xuân Nguyễn phải trang bị cho mình sự tự tin, học cách nói chuyện, thuyết trình. Xuân Nguyễn kể, vị mentor đầu tiên cô tìm gặp là một lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Để tiếp cận với người này, Xuân Nguyễn chọn cách làm thư ký không lương tại doanh nghiệp của họ bởi theo quan điểm của cô, “mình phải giúp họ trước thì họ mới giúp mình”.
9 tháng làm thư ký không lương, Xuân Nguyễn cho biết cô được nhiều hơn mất, bởi ở đó cô học được nhiều kiến thức từ người mentor gạo cội, mà theo Xuân Nguyễn “bỏ tiền ra chưa chắc đã mua được”. Và chính vị mentor này đã giới thiệu cho cô những mối quan hệ tiếp theo để hỗ trợ quá trình khởi nghiệp sau này.
“Hầu hết mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ nếu bạn không làm mất thời gian của họ. Trước khi gặp mentor, tôi thường tự hỏi muốn gì và trả lời tại sao họ phải giúp mình. Tôi luôn đặt ra các tình huống như vậy để tạo thế chủ động khi tiếp cận với các mentor. Tiếp cận mentor cũng giống như bạn khởi nghiệp, có thể thành công hoặc không, quan trọng là bạn dám làm”.
Từng thuê người họp hộ
Lần khởi nghiệp với dự án y tế, Xuân Nguyễn cho biết, vì lúc đó tuổi đời còn trẻ trong khi những đối tác đều là lãnh đạo doanh nghiệp có thâm niên, chuyên môn cao nên không ít lần khi gặp đối tác, cô nhận lại ánh mắt ngờ vực, thái độ hờ hững.
“90% cuộc họp tôi bước vào thì mọi người đều rất ngạc nhiên vì nghĩ rằng cô gái này trẻ quá, liệu có làm được gì không. Trong khi lúc đó, tôi là CEO của dự án, vì vậy không thể nào không tham gia cuộc họp. Cũng vì thái độ ngờ vực như vậy nên kết quả những buổi thương thảo đều không tốt”.
Để giải quyết vấn đề này, Xuân Nguyễn nảy sinh ra ý tưởng tìm người họp hộ. Tại những buổi thương thảo quan trọng, Xuân thường mời một anh bạn thân đóng giả là thành viên Hội đồng quản trị công ty để trao đổi cùng đối tác. Trước đó, Xuân và người bạn phải ngồi lại với nhau để tóm tắt và trao đổi trước nội dung cơ bản của cuộc họp.
“Sau lần đó, tôi thấy kết quả của buổi họp hiệu quả hơn, vì vậy tôi quyết định mời một người tương tự về làm quản lý cho mình và thay mình đi họp tại những cuộc thương thảo với những đối tác lớn tuổi”.
“Tôi tin người Việt đã sẵn sàng trả tiền cho các nội dung số”
Khởi nghiệp với ứng dụng sách nói - ứng dụng đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2012 nhưng chưa có mô hình nào thành công, là một áp lực đối với Xuân Nguyễn.
Vị nữ CEO trẻ tuổi không có kinh nghiệm về công nghệ đã phải lăn lộn tìm người đồng hành có chuyên môn và tìm ra hướng đi khác biệt để startup của mình không bị chết yểu.
Sau nhiều đêm đau đáu tìm câu trả lời về sự thất bại của các mô hình sách nói tại Việt Nam trước đây, Xuân Nguyễn nhận ra rằng, ứng dụng trước không thành công bởi họ cho mọi người sử dụng miễn phí hoặc thu tiền quá rẻ.
“Việc cho sử dụng miễn phí khiến các mô hình trước rơi vào vòng lặp: không có tiền tái đầu tư - ứng dụng không được nâng cấp, không có tiền trả cho nhà xuất bản để có đầu sách hay – không hấp dẫn được người sử dụng – không có tiền”.
Tuy nhiên, việc để người Việt sẵn sàng rút hầu bao chi trả cho các nội dung số cũng là thách thức đối với Fonos. Cùng thời điểm đó, Netflix và Spotify – hai ứng dụng dịch vụ phim ảnh và âm nhạc kỹ thuật số bắt đầu vào Việt Nam, xây dựng thị trường và bước đầu người Việt đã chấp nhận chi trả tiền cho dịch vụ đó.
Đối với Xuân Nguyễn, phim và nhạc là hai dịch vụ bị làm lậu nhiều nhất trên thị trường. Nhưng bằng cách đi riêng của mình, họ đã thu được tiền của những người sử dụng. Đây là tia sáng để Fonos tin rằng cũng có thể làm được như vậy.
“Trong quá trình nghiên cứu khách hàng, tôi đã thấy nhiều người đã bỏ ra tới 500.000 đồng mua những chiếc USB, cắm vào ô tô để nghe sách nói. Tôi nhận thấy nhu cầu về sử dụng sách nói luôn có và người dùng vẫn sẵn sàng trả tiền, quan trọng là chất lượng như thế nào. Nếu chất lượng bình thường, giống như những gì đang có trên Youtube thì họ sẽ nghe miễn phí”.
Vì vậy, để thuyết phục người sử dụng trả tiền cho dịch vụ số, không bằng cách nào khác, Fonos phải tự tạo ra phiên bản sách nói chất lượng, quy tụ những đầu sách hay, sách bán chạy, những loại sách có bản quyền. Song song với đó, trải nghiệm về ứng dụng cũng rất quan trọng, phải có giao diện đẹp, thao tác mượt mà.
Cuối cùng là giọng đọc. Theo nữ CEO Fonos, người Việt rất nhạy cảm về âm thanh và có tiêu chuẩn riêng cho từng vùng. Vì vậy, không thể nào một cuốn sách dành cho doanh nghiệp, bán chạy nhất của một tác giả lớn tuổi lại được đọc bởi một cô gái trẻ.
“Nếu không thể làm ứng dụng sách nói có tiêu chuẩn cao thì người Việt sẵn sàng mua ứng dụng sách nói nước ngoài. Thậm chí họ có mua của mình nhưng nếu chất lượng không tốt, không phù hợp thì họ cũng sẵn sàng không tiếp tục sử dụng và không trả tiền”, Xuân Nguyễn chia sẻ.