Có ‘cửa’ nào để Chính phủ rót vốn trực tiếp cho startup đổi mới sáng tạo?
(DNTO) - Trong khi các quỹ đầu tư Nhà nước ngoài ngân sách hiện vẫn chủ yếu rót vốn thông qua các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư tư nhân ngần ngại rót vốn vào các startup giai đoạn đầu, theo chuyên gia, cần một cơ chế khác để Chính phủ rót vốn trực tiếp hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thiếu vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Hiện nay, để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tại Việt Nam có 2 quỹ lớn của Nhà nước ngoài ngân sách, là Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) thuộc Bộ Khoa học Công nghệ. Tuy nhiên, hoạt động của các quỹ này vẫn còn hạn chế.
Hiện Quỹ SMEDF chỉ cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ vay vốn, còn những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa thể tiếp cận.
Ngoài ra, việc rót vốn từ quỹ này thông qua các ngân hàng thương mại, yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng nhiều quy định khác nhau về đảm bảo tiền vay như: có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi phù hợp Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới theo quy định. Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia trên 20% tổng vốn đầu tư…
Mặc dù Quỹ SMEDF cũng có thể tài trợ vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tuy nhiên, để làm được việc này, Quỹ SMEDF cần có thời gian tích lũy vốn trước đó.
Còn đối với Quỹ NATIF lại thực hiện chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Tuy nhiên, theo TS Chử Đức Hoàng, Phòng Tài trợ đề tài và Hoạt động đổi mới công nghệ tại NATIF, hiện quá trình giải ngân của Nhà nước cho các quỹ còn khá chậm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan. Do vậy, Nhà nước hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho startup để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chuyên biệt, có tác động và có hiệu quả hơn.
Kinh nghiệm từ quốc tế và bài học cho Việt Nam
Theo PGS.TS Trần Chí Thiện, Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất cần Chính phủ hỗ trợ vốn cho giai đoạn ươm mầm và giai đoạn đầu tư mạo hiểm, nhằm khắc phục sự khan hiếm về vốn. Bởi đây là thời điểm startup đang ở trong giai đoạn “thung lũng chết”, gần như không có thu, chỉ có chi, trong khi khó tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư tư nhân còn ngần ngại rót vốn.
Thực tế từ các nước đi đầu trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên thế giới cũng cho thấy hiệu quả của việc Chính phủ tham gia trực tiếp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tại quốc gia khởi nghiệp Israel, từ năm 1993, khi các doanh nghiệp khởi nghiệp tại quốc gia này còn đang rất thiếu vốn, Chính phủ Israel đã đầu tư 100 triệu USD để thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên mang tên Yozma.
Sau 2 năm, Quỹ Yozma đã thành lập thêm 10 quỹ con trực thuộc, mỗi quỹ có nguồn vốn tới 20 triệu USD nhờ thu hút thêm từ khu vực tư nhân. Các CEO của quỹ trực tiếp tham gia vào các doanh nghiệp được rót vốn, hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển, tuyển dụng nhân sự tài năng, thu hút nguồn vốn, hỗ trợ mở văn phòng đại diện tại nước ngoài… điều này giúp đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp. Và Yozma đã trở thành trụ cột trong thị trường đầu tư mạo hiểm tại Israel.
Tại Singapore, một quốc gia khởi nghiệp hàng đầu tại châu Á cũng có cách làm tương tự. Chính phủ nước này bắt tay cùng với các nhà đầu tư mạo hiểm xây dựng Quỹ Đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu (EVFS) với cam kết nhà đầu tư mạo hiểm rót ít nhất 10 triệu USD, Chính phủ đầu tư một số tiền tương ứng là 10 triệu USD để đầu tư vào giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.
Hay tại Mỹ, năm 2012, chính phủ nước này lập 2 quỹ dành cho đối tượng khởi nghiệp yếu thế. Một là Quỹ Đầu tư tác động (Impact Investment Fund), dành 1 tỷ USD cấp vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại các vùng có điều kiện kinh tế dưới mức trung bình. Quỹ này được giao cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ quản lý, phối hợp cung cấp vốn theo tỷ lệ 2:1 với các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân.
Thứ hai là Quỹ Đổi mới sáng tạo giai đoạn đầu (Early-Stage Inovation Fund) với 1 tỷ USD, cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn mầm vay vốn với số tiền 1-4 triệu USD/doanh nghiệp, khi họ không vay được ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Quỹ này cũng kết hợp với quỹ đầu tư tư nhân với tỷ lệ đầu tư 1:1.
Đánh giá về cơ chế Chính phủ thực hiện rót vốn vào các tổ chức đầu tư tư nhân hoặc cùng đầu tư với các tổ chức tư nhân, PGS.TS Trần Chí Thiện cho rằng đây là một “mũi tên trúng 4 đích”.
Ngoài việc có thể hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là giai đoạn khởi đầu; Chính phủ còn có thể thu hút thêm được nguồn vốn lớn và tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm của các nhà đầu tư tư nhân cho phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đồng thời, cơ chế này cho phép Chính phủ tác động vào tiến trình khởi nghiệp sáng tạo và giảm bớt được rủi ro cho nguồn vốn Nhà nước, bởi thực tế đã chứng minh các nhà quản lý quỹ tư nhân đang làm rất tốt việc đầu tư vào startup.
Vì vậy, theo PGS.TS Trần Chí Thiện, Chính phủ Việt Nam có thể học tập mô hình của các nước trên để xây dựng cơ chế rót vốn trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Cụ thể, Chính phủ có thể đầu tư vào các quỹ đầu tư tư nhân để các quỹ này đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp theo mô hình Yozma của Israel. Hay các quỹ đầu tư của Chính phủ có thể hợp tác cùng quỹ đầu tư tư nhân theo tỉ lệ đối ứng, tùy thuộc vào mức độ rủi ro của startup. Chính phủ cũng có thể thuê các tổ chức tư nhân quản lý các quỹ đầu tư của Chính phủ.
Đặc biệt, cần xây dựng các quỹ đầu tư đặc thù với các điều khoản ưu đãi hơn ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.