Startup đổi mới sáng tạo phải bền bỉ
(DNTO) - Khi doanh nghiệp khởi nghiệp và không may thất bại nhiều lần, nếu bền chí quay lại, họ sẽ đem kinh nghiệm, số vốn vào thị trường với tâm thế mới. Lúc đó khởi nghiệp mới thực sự có ý nghĩa.
Chia sẻ về khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương cho rằng, khái niệm này khoảng 15 năm trước ở Việt Nam còn khá lạ lẫm. Câu chuyện đổi mới sáng tạo chỉ phổ biến khoảng 7 - 8 năm gần đây. Đến năm 2011-2012, khái niệm này mới tương đối rõ nét và nội dung chủ đạo đặt ra lúc bấy giờ là đổi mới sáng tạo hướng đến người thu nhập thấp. Năm 2017, khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới chính thức được hỗ trợ.
Rủi ro cao, lợi nhuận cũng cao
“Về cơ bản, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho người sử dụng dịch vụ nên startup ở lĩnh vực này cũng khác với doanh nghiệp khởi nghiệp thông thường”, ông Cương cho hay.
Lý giải sự khác biệt, ông nói: “Thông thường, qua một, hai năm sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp thất bại. Sau 3-4 năm chỉ còn tồn tại 10 - 20%. Còn nếu là cộng đồng startup thực sự, tỷ lệ thất bại còn cao hơn nhiều, trên 90%. Thậm chí, người ta xác định nếu 100 người khởi nghiệp chỉ có 1 đến 2 người thành công. Tuy nhiên, đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao nhưng lợi nhuận cũng cao hơn so với đầu tư thông thường”.
Vậy khởi nghiệp sáng tạo có dễ dàng không? Theo ông Cương, có 3 nhóm có khả năng khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Trước hết, là các doanh nhân trẻ tiềm năng, nhất là các bạn thuộc gia đình có điều kiện, tốt nghiệp các trường chất lượng ở nước ngoài hoặc Việt Nam, có nền tảng giáo dục tốt, có điều kiện tài chính, có hoài bão khẳng định bản thân, khát vọng tự lập trong cuộc sống.
Nhóm thứ hai là các cá nhân đổi mới sáng tạo, nhà khoa học, nhà phát minh, sáng chế - những người sống với ý tưởng hằng ngày.
Nhóm thứ ba là các doanh nhân có hiểu biết, có mạng lưới quan hệ, kinh nghiệm chuyên môn…
Theo ông, ở nhóm thứ nhất, các bạn trẻ chưa có đủ kinh nghiệm để đầu tư số tiền mình có một cách hiệu quả nhất. Nhóm thứ hai, các nhà khoa học chưa hẳn đã nắm thực tế tốt để hiểu rõ nhu cầu thị trường. Nhóm thứ ba, các chủ doanh nghiệp đang loay hoay vật lộn với quá nhiều vấn đề hay đôi khi khởi sự kinh doanh mà chưa hình dung được bài toán tài chính cơ bản về chi phí - lợi nhuận.
Ngoài ra, cũng theo ông Cương, nhiều cá nhân có thể đang rất tự hào với việc nghĩ ra ý tưởng hay nhưng chưa nhận thức được hết những khó khăn khi hiện thực hóa chúng. Hơn nữa, những gì chúng ta có chưa chắc là những gì thị trường cần.
Đổi mới sáng tạo không phải là xu hướng thời trang của năm
Một thống kê không chính thức khẳng định có đến 80% startup đổi mới sáng tạo hoạt động không quá 2 năm.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp, song còn rất nhiều việc cần làm để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh ở Việt Nam.
Trước hết, phải bắt đầu từ việc phát huy tích cực vai trò của các thành tố chủ chốt trong hệ sinh thái: các cơ quan hoạch định chính sách, những tập đoàn lớn, viện nghiên cứu và đại học, các quỹ và cá nhân đầu tư, các tổ chức trung gian hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, các tổ chức quốc tế, diễn đàn hợp tác song và đa phương, các hiệp hội doanh nghiệp và giới truyền thông.
Để đổi mới sáng tạo thành công, không phải cứ đi tìm lỗ hổng để bù đắp mà là tinh thần phục vụ doanh nghiệp phải được quan tâm hơn từ khâu nghiên cứu khả thi đến thương mại hoá những kết quả nghiên cứu. Sáng tạo phải được hỗ trợ thiết thực để thị trường hoá thì mới có hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM
Nếu các thành tố trong hệ sinh thái được thiết lập quan hệ theo hướng đơn giản, hiệu quả, đặt doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo làm trung tâm, ta sẽ tránh được việc mất nhiều thời gian và công sức để cầu gặp được đúng cung như hiện nay. Toàn bộ hệ sinh thái phải được vận hành trong một hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cao nhất, ít rủi ro nhất cho người khởi nghiệp.
Việc phát triển doanh nghiệp hay hỗ trợ khởi nghiệp nói chung và đổi mới sáng tạo nói riêng là cả một quá trình, không phải xu hướng thời trang của năm nay hay năm sau.
“Để đổi mới sáng tạo thành công, không phải cứ đi tìm lỗ hổng để bù đắp mà là tinh thần phục vụ doanh nghiệp phải được quan tâm hơn từ khâu nghiên cứu khả thi đến thương mại hoá những kết quả nghiên cứu. Sáng tạo phải được hỗ trợ thiết thực để thị trường hoá thì mới có hiệu quả.”
Những rào cản ngăn bước tiến của startup Việt
Ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, ở Việt Nam, gánh nặng tuân thủ quản lý tài chính gây khó cho nhà nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Điều này là rào cản lớn nhất khiến người làm đổi mới sáng tạo không có được nguồn tài chính. Kể cả khi đã có nguồn thì khả năng tiếp cận vốn của các startup cũng rất hạn chế. “Các startup do mới thành lập nên thường không có khả năng thế chấp để vay tiền”.
Khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ và tìm nguồn nhân lực được đào tạo bài bản chuyên sâu, sự yếu kém trong liên kết của cộng đồng startup cũng là những rào cản quan trọng. Ngoài ra, còn phải kể đến những khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng sản xuất và mô hình quản lý tốt để phát triển kỹ năng”, ông Cương chỉ ra.
Trước những rào cản như vậy, theo ông Cương, vấn đề then chốt là ngoài việc định hình tốt ý tưởng kinh doanh, các doanh nghiệp phải giải bài toán chi phí và trả lời câu hỏi sẽ làm ra sản phẩm, dịch vụ gì; hướng đến ai; cung cấp cho đối tượng nào; dự kiến doanh thu và liên hệ với những thành tựu của thế giới để xác định mình sẽ đứng đâu và bước đi ra sao.
Phải thay máu thường xuyên
Để câu chuyện đổi mới sáng tạo đi vào thực tế, Phó viện trưởng Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh: “Startup là biểu hiện của sự bền bỉ, không phải hôm nay thất bại rồi thì thôi, cứ thấy khó là dừng lại, bỏ cuộc. Mỗi lần có doanh nghiệp mới đăng ký thì phần lớn đó là người đã thất bại nhiều lần, khi quay lại họ sẽ đem kinh nghiệm, số vốn vào thị trường với tâm thế mới. Lúc ấy startup mới thực sự có ý nghĩa”.
Ông Cương cho biết thêm, theo công bố mới đây từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hiện chính sách về đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất đầy đủ, trong đó có cả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được hỗ trợ toàn diện để đổi mới sáng tạo. Rất nhiều cuộc thi hoạt động sáng kiến trong sinh viên, thanh niên, nông dân nhưng kết quả thu được từ thương mại hóa các sáng kiến không có vì thiếu các hoạt động triển khai tiếp theo.
Từng giữ vị trí tổ trưởng tổ chuyên trách đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và là Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, để tạo tính đột phá trong đổi mới sáng tạo, trước hết, giới nghiên cứu phải thay đổi tư duy theo hướng làm vì giá trị thực sự của sản phẩm, bởi giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, coi như không thành công trong đổi mới sáng tạo.
“Muốn vậy, phải có công nghệ. Công nghệ là yếu tố then chốt giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ. So với Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư từ 30 - 40% cho khoa học công nghệ, Việt Nam còn thua rất xa khi chỉ đầu tư cho lĩnh vực này có 1%. Không có thế mạnh về sử dụng công nghệ, không thể nói tới đổi mới sáng tạo”, ông Cương khẳng định.