Khởi nghiệp không chỉ có màu hồng
(DNTO) - Trong một chương trình mới đây, ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tiki cho rằng: "Các startup trẻ đang nhìn khởi nghiệp qua báo chí quá màu hồng, quá sexy". Vậy, trên thực tế, khởi nghiệp có phải chỉ có màu hồng?
2020 không phải là một năm lý tưởng cho các nhà khởi nghiệp. Với quá nhiều biến động, ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh. Việc khởi nghiệp trong giai đoạn này chứa nhiều rủi ro không thể lường trước được.
Tuy nhiên, không vì thế mà tinh thần khởi nghiệp Việt Nam bị thui chột. Bằng chứng là ngay sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, nhiều ban ngành, tổ chức đã thúc đẩy mạnh mẽ các sân chơi cho startup, để các nhà khởi nghiệp có thể "vẫy vùng" sau nhiều tháng im ắng.
Có thể thấy, không chỉ trong năm 2020, việc khởi nghiệp không hề là một cuộc dạo chơi hay học hỏi kinh nghiệm, nó là một cuộc chiến thực sự giữa ranh giới thất bại và thành công. Qua lăng kính truyền thông, đôi khi chỉ có thể bóc tách được các khía cạnh tích cực của startup, mang những mảng sáng truyền cảm hứng của các dự án đến với người sau. Còn phía trong đó, là sự đấu tranh trong mỗi quyết định với những con số khổng lồ của những người sáng lập.
Ông Nguyễn Hiếu Linh - Phó giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Capital tại Việt Nam cho rằng hiện nay, thông tin gọi vốn đầy rẫy hàng ngày khiến cho mọi người nhầm tưởng rằng gọi vốn là một thứ gì đó rất dễ dàng và để được định giá cao thì không khó khăn. Nhưng trên thực tế, để được như thế thì phải cần đến rất nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhiều khi do cả may mắn.
"Không nên nhìn khởi nghiệp và gọi vốn ở một bức tranh quá màu hồng, quá dễ dàng. Khó khăn về khởi nghiệp vẫn duy trì từ năm này qua năm khác. Số tiền đầu tư có thể nhiều hơn nhưng mọi thứ vẫn chỉ ở điểm bắt đầu, chưa phải là đích đến", ông Linh cho biết.
Các nhà đầu tư lão luyện cho rằng, nhiều bạn trẻ hiện nay đang nhìn nhận khởi nghiệp qua góc độ sai lệch, họ chỉ thấy được những thành công xa tít tắp trong khi thất bại luôn thường trực. "Bất kỳ một thuật toán sai, cả dự án xem như thất bại. Các bạn trẻ thời nay quá nôn nóng khi khởi nghiệp, từ đó dễ nhận thất bại", một nhà đầu tư chia sẻ.
Chị Lê Thị Cẩm Trinh nhà sáng lập của một dự án sách nói cho trẻ em chia sẻ với Doanh Nhân Trẻ, rằng nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đang còn quá mơ mộng và chưa đánh giá đúng về chính dự án của mình. "Bản thân tôi trải qua hơn 5 năm trong việc khởi nghiệp, tôi rất hiểu cảm giác của các bạn khi đạt được những thành công ban đầu. Có lẽ chính vì sự chủ quan đó mà nhiều bạn dễ vấp ngã khi gặp sóng lớn", chị Trinh nói.
Hiện nay, nhà sáng lập của các công ty startup tại Việt Nam, đặc biệt là các startup công nghệ thường xuất thân là dân kỹ thuật. Những người này học về công nghệ, học về cách xây dựng sản phẩm mà thường thiếu kiến thức cũng như kỹ năng quản trị doanh nghiệp & tài chính cơ bản. Họ chỉ tính đến chuyện nhìn càng xa, mở càng nhanh thì càng tốt, càng đạt chỉ tiêu của nhà đầu tư nhưng lại không biết ở giai đoạn nào thì nên cần bao nhiêu tiền, cho việc gì?
Có rất nhiều người ngay khi bắt đầu có ý tưởng đã định giá công ty lên đến vài triệu USD, hay có những người được nhà đầu tư rót rất nhiều tiền nhưng lại chi tiêu vô tội vạ… Trong khi kỹ năng về tài chính & vận hành là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để dự án, doanh nghiệp có thể tồn tại thì nhiều startup lại thiếu kỹ năng về những mảng này. Đây là một lỗ hổng cực kỳ lớn dẫn đến tình trạng nhiều startup chết yểu.
Theo một thống kê tại Việt Nam, có tới 80% startup không thể duy trì dự án quá 2 năm và chỉ có 3% các dự án là đạt được những thành công trên thực tế. Đây chính là các con số mà startup nên nhìn lại trước khi nghĩ đến những thành công.