Khuyến khích cộng đồng tiêu dùng xanh để phát triển bền vững
(DNTO) - Việt Nam hiện đang trong tình trạng sản xuất “nâu”, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất… Việc chuyển hướng sang sản xuất xanh, tiêu dùng xanh được coi là giải pháp bền vững, có tiềm năng trở thành nền tảng phát triển kinh tế trong tương lai.
Tại hội thảo "Người tiêu dùng hướng tới tiêu dùng xanh trong cộng đồng", diễn ra ngày 4/12, TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thẳng thắn chỉ ra, ở Việt Nam, từ lâu việc sử dụng túi nilon trong cuộc sống của người tiêu dùng đã trở thành thói quen, đi vào nếp sống, vì giá thành rẻ và tính tiện dụng mà nó mang lại.
Hiện nay, túi nilon và rác thải nhựa đang là vấn đề bức xúc trong quản lý rác thải sinh hoạt ở nước ta. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Bình quân mỗi hộ gia đình trong nước sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng.
“Điều đáng nói, việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Việt Nam còn rất hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiến khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra môi trường. Lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm…”, ông Miều cho biết.
Hướng đến tiêu dùng xanh, TS. Trần Văn Miều đã đưa ra một số đề xuất về giải pháp bảo vệ môi trường trong sự vận hành của nền kinh tế.
“Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ, máy móc thay thế con người trong công việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm như thu gom, xử lý rác sẽ là giải pháp tiềm năng của ngành môi trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tìm hiểu những công nghệ hiện đại có thể biến rác thải thành năng lượng tái tạo, giảm nguy cơ gây hại cho môi trường”, ông Miều nêu giải pháp.
Cũng theo ông Miều, từ nền sản xuất xanh, cộng đồng phải vận động nhau đi đến tiêu dùng xanh. Đây là xu hướng tiêu dùng thông thái, biết sử dụng những sản phẩm có lợi cho bản thân và không ảnh hưởng đến thế hệ sau, đó là tiêu dùng bền vững.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trong những năm qua, xu hướng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn ngày càng phát triển. Thay vì quá lạm dụng trong việc sử dụng hóa chất, trong đó có hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, sản xuất hữu cơ thân thiện với môi trường ngày càng được lựa chọn.
Tuy nhiên, việc giảm tác động xấu đến môi trường mới đến từ một vế là sản xuất, vế còn lại là tiêu dùng, phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn, sử dụng và thải loại sản phẩm của người tiêu dùng. Chính vì thế, tiêu dùng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững.
“Tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng đã được nâng cao. Vì vậy, việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam sẽ là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững”, ông Hùng cho hay.
Dẫn chứng về việc này, ông Hùng cho biết, hiện có nhiều cửa hàng, đồ uống, chuỗi cà phê đã “bắt tay” với các đơn vị cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm theo xu hướng xanh, bằng cách sự dụng các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thay cho ống hút nhựa, hạn chế sử dụng nước đóng chai có bao bì khó phân hủy….
Nhiều siêu thị lớn cũng đã nỗ lực giảm thiểu sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ quả, thực phẩm thay túi nilon, sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường…
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cũng đã chuyển minh trong nghiên cứu và sản xuất, tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường…
Mục tiêu nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế, thức đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.