Cú hích mạnh cho doanh nghiệp logistics Việt hợp tác với EU
(DNTO) - Hoạt động xuất nhập khẩu giữa EU và Việt Nam trở nên sôi động sau EVFTA đi vào thực thi, là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics hai bên mở rộng phạm vi kinh doanh, hợp tác.
EVFTA - bệ phóng hợp tác logistics
Trao đổi trong Diễn đàn Giao thương trực tuyến Logistics Việt Nam – EU 2020, chiều 8/12, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho biết, EU hiện là một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Từ năm 2000 đến năm 2019, trao đổi thương mại song phương Việt Nam – EU tăng lên gần 13,8 lần (từ 4,1 tỉ USD lên 56,45 tỉ USD). 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu Việt Nam sang EU dù giảm nhẹ (giảm 3,8% so với cùng kì năm trước) nhưng vẫn đạt 33, 23 tỉ USD. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực từ 1/8 đang ra cú hích lớn cho phát triển thương mại hai bên.
Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú cũng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid- 19, thương mại hai chiều Việt Nam – EU đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có khó khăn đến từ một số hoạt động logistics không diễn ra như thông lệ.
“Đơn cử thời gian qua, một số dịch vụ logistics cho hàng hóa lưu chuyển giữa Việt Nam và EU trở nên đắt đỏ, khan hiếm. Các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng thêm một số yêu cầu, điều kiện mới do các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, quy trình kiểm soát hàng hóa quốc tế của EU có sự thay đổi. Vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực logistics trong thời điểm này rất quan trọng”, ông Phú nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu giữa EU và Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động sau EVFTA.
“Đây là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics hai bên mở rộng phạm vi kinh doanh, phục vụ nhiều khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất và thương mại”, ông Hải chia sẻ.
Hợp tác từ đâu?
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, hiện đã có những doanh nghiệp logistics lớn của EU hoạt động tại thị trường Việt Nam như Deutsche Post DHL Group, Kuehne + Nagel, DB Schenker, A.P. Moller-Maersk. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp logistics châu Âu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa hiểu và chưa biết rõ về cơ hội tại thị trường Việt Nam cũng như đối tác tiềm năng tại đây.
Ở chiều ngược lại, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng muốn mở rộng thị trường sang EU nhưng còn hạn chế về năng lực tiếp nhận thông tin về đối tác châu Âu.
“Cơ hội hợp tác hai bên không chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp logistics có thể làm đại lý cho nhau ở mỗi bên mà còn là cơ hội tham gia đầu tư vào hạ tầng logistics còn thiếu tại Việt Nam cũng như tham gia triển khai ứng dụng công nghệ trong vận hành logistics, đào tạo nhân lực logistics cũng như hợp tác trong các lĩnh vực mới như logistics đô thị, logistics tuần hoàn, logistics xanh”, ông Trần Thanh Hải nêu quan điểm.
Đứng trên góc độ người trong ngành, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư kí Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, EU là một trong những thị trường có dịch vụ logistics phát triển mạnh và ngành logistics Việt Nam rất mong muốn hợp tác với đối tác EU để phát triển hạ tầng logistics, cả hạ tầng cứng và mềm, đặc biệt là chuyển đổi số ngành logistics.
Cũng theo ông Tương, trong số 17 dịch vụ trong Nghị định 163/2017/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ logistics, có 3 dịch vụ mà các công ty nước ngoài có thể đầu tư 100% vốn là dịch vụ lưu kho; dịch vụ đại lý vận chuyển hàng hóa và dịch vụ vận chuyển nhanh, các dịch vụ khác có giới hạn % vốn đầu tư. Đây là cơ chế thuận lợi để đối tác logistics châu Âu có thể bắt tay cùng doanh nghiệp Việt phát triển thị trường này.
“Chúng tôi mong muốn có sự hợp tác đầu tư, đặc biệt với những đối tác có thế mạnh như Hà Lan trong việc xây dựng cảng biển hay chuỗi kho lạnh”, ông Tương chia sẻ.
Để doanh nghiệp logistics Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thị trường EU, ông Sjaak de Klein – Trưởng nhóm cấp cao về Giải pháp chuỗi cung ứng châu Á, Hội đồng Phân phối quốc tế Hà Lan (HIDC) cho biết, doanh nghiệp Việt có thể thông qua Hà Lan để tiến vào thị trường châu Âu. Bởi Hà Lan là cửa ngõ của châu Âu, tiếp giáp với 3 thị trường lớn là Anh, Đức, Pháp và cũng nơi cung cấp dịch vụ nhập khẩu lớn thứ 2 ở EU.
"Thông qua mạng lưới vận chuyển siêu tốc của HIDC, hầu hết khách hàng EU có thể dễ dàng nhận hàng hóa chỉ trong 2-3 ngày. Ngoài ra, HIDC còn cung cấp hệ thống cảng biển, nhà kho lưu trữ, thông tin hệ thống logistics châu Âu và các dịch vụ tư vấn tài chính, thuế, pháp luật…Với những lợi thế như vậy, doanh nghiệp Việt có thể bắt tay với HIDC để mở rộng hệ thống logistics tại thị trường EU và tìm kiếm đối tác tại đây", ông Sjaak de Klein cho hay.