Thị trường khởi nghiệp Việt Nam có gì để ‘dụ’ các quỹ đầu tư ngoại?
(DNTO) - Hiện số thương vụ thành công của các startup Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Với việc tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch và xây dựng môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo, thị trường khởi nghiệp Việt Nam được nhận định vẫn duy trì sức hút với các nhà đầu tư ngoại.
Sức hút vẫn được duy trì
Thông tin Quỹ Đầu tư mạo hiểm Singapore Antler triển khai kế hoạch vào Việt Nam vào cuối năm nay đã góp thêm tin vui cho thị trường khởi nghiệp nước ta.
Đặc biệt, khác với nhiều quỹ đầu tư trên thị trường khi lựa chọn rót vốn vào các công ty đã có “hình hài”, Antler sẽ tập trung vào đồng hành cùng các nhà khởi nghiệp ngay từ giai đoạn “mầm”.
Với quy mô vốn khoảng 78 triệu USD, hoạt động tại 14 quốc gia và đã đầu tư vào hơn 300 công ty khởi nghiệp công nghệ, Antler được kỳ vọng sẽ trở thành người đồng hành tích cực của startup Việt trong bối cảnh thị trường khởi nghiệp nước ta đang hiếm hoi các nhà đầu tư cho startup ở giai đoạn sớm.
Theo đánh giá của ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC-Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bối cảnh khó khăn của các nền kinh tế toàn cầu bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư.
Nhận định này được minh chứng bằng tỷ lệ thương vụ thành công của các startup Việt Nam năm 2020 chiếm 14% tổng số thương vụ của khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 3 trong khu vực (cùng vị trí năm 2019), sau Indonesia (27%) và Singapore (37%), theo báo cáo được phát hành cuối tháng 5 bởi NIC và Quỹ Do Ventures.
Báo cáo của Nextrans Vietnam công bố mới đây cũng cho thấy, thị trường khởi nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư ngoại khi tổng giá trị các khoản đầu tư trong 3 tháng đầu năm vào các startup Việt Nam đạt hơn 100 triệu USD, tăng khoảng 34% so với năm 2020, chưa tính đến những khoản đầu tư không được công bố.
Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư của các nhà đầu tư trong nước đạt dưới 10 triệu USD. Như vậy, các nhà đầu tư quốc tế đang có mức đầu tư gấp 10 lần nhà đầu tư trong nước cả về số lượng và giá trị đầu tư.
Nền kinh tế Internet dẫn dắt thị trường khởi nghiệp
Phân tích về sự hấp dẫn của thị trường khởi nghiệp Việt Nam, ông Bùi Thành Đô - thành viên sáng lập, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư ThinkZone cho biết, thị trường khởi nghiệp Việt Nam hiện nay rất khác so với những năm 2013 khi các quỹ đầu tư IDG Ventures hay CyberAgent Capital (Nhật Bản) vào, vì hiện Việt Nam đang có thị trường tốt với 100 triệu dân, trong đó 70% là người trong độ tuổi lao động, tạo cơ hội cho các mô hình mới tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển.
“Ví dụ như thị trường nhật Bản rất khó cho những mô hình đổi mới sáng tạo nhưng ở Việt Nam lại dễ, dân số trẻ, thích cái mới. Đây là một trong những yếu tố mà quỹ đầu tư nước ngoài nhìn vào Việt Nam”, ông Đô nhấn mạnh.
Đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam nên ThinkZone chủ yếu “nhắm” vào các startup nội địa, thay vì đầu tư song song nhiều thị trường giống như các quỹ khác đang làm. Trong đó, “khẩu vị” chính của “cá mập” này là các startup công nghệ, đặc biệt là startup ứng dụng trên nền tảng cloud hay Internet.
Lý giải về điều này, đại diện ThinkZone cho biết, Việt Nam hiện nằm trong Top 20 quốc gia sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, trung bình người Việt dành 6 tiếng/ngày trên Internet và số lượng người dùng smartphone ở Việt Nam cũng rất cao. Nền kinh tế Internet Việt Nam tăng trưởng trung bình 30%/năm, chỉ có năm 2020 tăng trưởng 17% nhưng vẫn là nước tăng trưởng Internet cao nhất Đông Nam Á. Đây là cơ hội để startup trong lĩnh vực công nghệ dễ dàng tiếp cận khách hàng.
Về phương diện thanh toán, đây là cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế Internet ở Việt Nam nên startup về thanh toán đang có cơ hội rất tốt trong giai đoạn bùng nổ thị trường. Trong 3 tháng đầu năm, các startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đứng đầu với 4 thương vụ trên tổng số 16, chiếm 40%. Tiếp đó là lĩnh vực logistics, lưu trú, bất động sản, giáo dục và y tế, theo báo cáo của Nextrans Vietnam.
Đặc biệt, một động lực thúc đẩy thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam là thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng nhanh, duy trì ở mức độ 6,5%/năm, theo World Bank. Bởi theo ông Đô, khi thu nhập đầu người tăng, hành vi của người dân thay đổi, tăng cơ hội để startup đưa các mô hình kinh doanh mới vào thị trường.
“Khi người dân có thu nhập tốt sẽ có nhu cầu cao hơn về đầu tư tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Ngoài ra, khi thu nhập của người dân cao hơn sẽ gây áp lực lên thị trường logistics, vận chuyển… bởi họ tăng chi tiền cho việc di chuyển, du lịch nhiều hơn, giúp quy mô thị trường này tăng lên rất nhiều”, ông Đô nhấn mạnh.
Để tạo động lực tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho đổi mới sáng tạo, ông Vũ Quốc Huy cho biết Trung tâm NIC đang nghiên cứu và đề xuất xây dựng môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo Việt Nam và các chương trình, chính sách đặc thù, cơ chế thử nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài một cách mạnh mẽ”, ông Huy nhấn mạnh.