Các ‘kỳ lân’ đang mở đường cho dòng đầu tư ngoại vào thị trường khởi nghiệp
(DNTO) - Mặc dù tại Việt Nam mới có 2 kỳ lân (startup có giá trị trên 1 tỷ USD), nhưng trong bối cảnh nền kinh tế internet đang tăng trưởng nhanh chóng, thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn được đánh giá là có sức hấp dẫn và có khả năng tạo ra nhiều kỳ lân mới.
Tiên phong thu hút sự chú ý
Cuối năm 2020, thị trường khởi nghiệp đón nhận tin vui khi VNPay (startup thanh toán trực tuyến) chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam sau Công ty Cổ phần VNG, xếp cùng hàng ngũ với 11 kỳ lân công nghệ khác trong khu vực Đông Nam Á gồm: Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka, Tokopedia và Caro. Trong số này, chỉ mới có Grab và Gojek được gọi là “siêu kỳ lân” khi được định giá trên 10 tỷ USD.
Giai đoạn 2018-2019, thị trường startup phát triển mạnh mẽ và có nhiều startup ra đời. Tổng số vốn đầu tư cho startup Việt Nam năm 2019 đạt 851 triệu USD. Mặc dù sang năm 2020 con số này chỉ đạt 451 triệu USD do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đã bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm.
Sang 3 tháng đầu năm 2021, thị trường đã “ấm” trở lại khi tổng giá trị nhận đầu tư của startup Việt đã tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 150 triệu USD (tổng hợp báo cáo từ Nextrans, NIC và Do Ventures).
Việc có thêm kỳ lân mới phần nào phản ánh sức hấp dẫn của thị trường khởi nghiệp Việt Nam. Bởi theo ông Bùi Thành Đô - Thành viên sáng lập, CEO Quỹ đầu tư ThinkZone, nếu một thị trường không đủ lớn thì rất khó có một mô hình nào có thể vươn lên thành tỷ USD. Và khi thị trường tăng sức hấp dẫn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Nhận định này khá đúng khi nhìn sang thị trường khởi nghiệp Ấn Độ. Giữa tháng 4, sự chú ý của cả thế giới đổ dồn về Ấn Độ khi chỉ trong 4 ngày, nước này xuất hiện thêm 6 kỳ lân công nghệ mới. Cú bùng nổ của kỳ lân công nghệ Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư mạo hiểm trên thế giới. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư tầm cỡ toàn cầu như SoftBank (Nhật Bản) hay Naspers (Nam Phi) cũng đang mạnh tay rót tiền vào các startup ở Ấn Độ.
Tại Indonesia, bất chấp dịch Covid-19, cuối năm ngoái, 3 startup kỳ lân của nước này là Gojek, Tokopedia và Bukalapak tiếp tục nhận được vốn khủng từ các ông lớn công nghệ như Facebook, Google, Microsoft.
Với quy mô dân số lớn đứng thứ 4 thế giới, chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế của khu vực Đông Nam Á, cùng lượng người dùng Internet liên tục tăng và tiềm năng phát triển nền công nghệ được dẫn dắt bởi các kỳ lân, ngay cả các công ty khởi nghiệp tại những thành phố cấp 2 và 3 ở Indonesia cũng đã huy động thành công hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài chỉ trong vài năm qua, theo Nikkei Asia.
Chính sách tăng sức hấp dẫn cho thị trường Việt Nam
Dù chưa thể bùng nổ nhưng nếu so sánh với các nước trong khu vực hay và thế giới, sức hấp dẫn của thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang thăng hạng rõ rệt. Ước tính đến năm 2025, giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể đạt mức 52 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 giá trị nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á trị giá 300 tỷ USD (theo Google, Temasek và Bain & Co).
Tận dụng sự lớn mạnh của nền kinh tế kỹ thuật số, trong "Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030" ban hành tháng 1/2021, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến 2025, Việt Nam sẽ có ít nhất 5 kỳ lân công nghệ và nâng lên 10 công ty vào năm 2030.
Đánh giá về kỳ vọng gia tăng kỳ lân công nghệ tại Việt Nam, tờ Techwireasia.com mới đây đã đưa ra nhận định, sự tăng trưởng đều đặn của nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp. Với mục tiêu đạt tỷ lệ áp dụng kỹ thuật số tối thiểu 10% trên tất cả các lĩnh vực và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng mạng Internet là 80%, kế hoạch này dường như đang đi đúng hướng.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cũng như quy trình đầu tư và thoái vốn dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được quy định ngày một rõ ràng sẽ tăng sức hấp dẫn cho thị trường Việt Nam trong khu vực.
Đặc biệt, những bước đi quyết liệt của Chính phủ trong phát triển nền kinh tế số khi bước đầu triển khai khung pháp lý thử nghiệm cho các ngành nghề mới như công nghệ, tài chính được kỳ vọng sẽ tạo lập một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước.