Thương hiệu và cơ hội đứng trên vai ‘siêu kỳ lân’ Tiktok
(DNTO) - “Ma lực” mạnh mẽ của Tiktok đối với tất cả người dùng, ở mọi lứa tuổi, đang mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp đồng hành cùng nền tảng này đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu.
Nhiều thương hiệu thành công “đón sóng” từ Tiktok
Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Tiktok đã vươn lên là một kênh giải trí mới (chỉ sau Youtube, Facebook, Instagram), thu hút tới 20 triệu người Việt sử dụng (theo thống kê của Tiktok). Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng Tiktok cao nhất tại Đông Nam Á. “Siêu kỳ lân” Tiktok được định giá khoảng 75 tỷ USD và có hơn 1 tỷ người sử dụng trên thế giới.
Đặc biệt, Tiktok có khả năng tiếp cận mọi lứa tuổi, không chỉ thế hệ trẻ (từ 16-24 tuổi, chiếm 60% người dùng Tiktok), mà còn thu hút cả những người thuộc thế hệ phụ huynh (trên 44 tuổi, chiếm 14% người dùng ứng dụng).
Dựa vào sự lớn mạnh nhanh chóng của “siêu kỳ lân” này, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng để quảng bá thương hiệu, hay ra mắt những sản phẩm, dịch vụ mới.
Còn nhớ tháng 7/2019, cộng đồng Tiktok “phủ sóng” bởi vũ điệu “Viettel cộng cộng” – chiến dịch quảng bá của Viettel, do ca sĩ Bích Phương và cầu thủ bóng đá Quang Hải khởi xướng, đã thu hút tới 63,3 triệu lượt xem trên nền tảng này.
Hay gần đây nhất, Xiaomi cũng đang “bội thu” với chiến dịch Live for the challenge - quảng bá cho dòng điện thoại Redmi Note 10 5G của hãng này, và cũng thu hút 14 tỷ lượt xem trên Tiktok.
163 triệu lượt xem là con số Grap Việt Nam ghi nhận ở thời điểm hiện tại cho chiến dịch Úm ba la (từ 15/5-28/5) – thử thách quay video thể hiện cá tính bản thân với động tác đặc trưng cùng nhiều quà tặng hấp dẫn để thu hút cộng đồng người dùng Tiktok.
Không nằm ngoài xu hướng, nhiều cơ quan, tổ chức cũng tận dụng Tiktok để lan tỏa chương trình của mình. Trong đó phải kể đến cuộc thi làm video ngắn với chủ đề “Phòng chống thiên tai, việc không của riêng ai”, do Tổng cục Phòng chống thiên tai cùng UNWomen và Tiktok Việt Nam tổ chức (từ 15-22/5). Với hashtag #phongchongthientai, cuộc thi hiện đã thu hút 7,5 triệu lượt xem trên Tiktok.
Và rất nhiều thương hiệu khác như Unilever, H&M, VNG, Samsung… đã tạo lập kênh riêng và xây dựng cộng đồng trên Tiktok để tích cực quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình.
Xu hướng quảng bá thương hiệu và thương mại trên Tiktok
Chia sẻ về những cơ hội cho doanh nghiệp khi tận dụng Tiktok trong việc quảng bá thương hiệu và thương mại, ông Trần Anh Dũng - CEO Học viện thực chiến DC – đơn vị đã hỗ trợ hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng trên nền tảng Tiktok, cho biết, Tiktok là một trong những công cụ mới mẻ, có tính khác biệt cao và nhiều điểm đi trước so với các nền tảng mạng xã hội trước đó. Nếu Facebook chỉ hỗ trợ livestream đơn thuần, Tiktok hiện đã hỗ trợ livestream tương tác, hay còn gọi là livestream thương mại điện tử.
Đặc biệt, Tiktok phục vụ đa phần là GenZ (những người sinh năm 1996 trở đi) nên tệp khách hàng ở trên Tiktok khác biệt hoàn toàn so với khách hàng ở các nền tảng khác. Có những sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên Tiktok sẽ mang lại hiệu quả hơn so với khi chạy trên Facebook.
“Có thể tầm nhìn tương lai của Tiktok sẽ liên kết với Shopee, Lazada, Tiki hoặc Sendo. Và khi Tiktok liên kết với thương mại điện tử, nếu lượng người dùng lớn thì có thể họ sẽ xây dựng một trang thương mại điện tử trên nền tảng này nhưng phía sau là kho của riêng họ. Mọi người sẽ mua trực tiếp hàng hóa ngay trên livestream mà không cần qua sàn thương mại điện tử khác” - ông Dũng nhận định.
Khi livestream chính là xu hướng của những năm gần đây, ông Dũng cho biết Tiktok sẽ là công cụ giúp tăng tương tác cho thương hiệu, tập hợp khách hàng và khai thác khách hàng liên tục trên kênh của mình, nếu thương hiệu xây dựng được một kênh với 100.000 người đăng ký.
Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng Tiktok sẽ theo dõi lượng tương tác của khách hàng với thương hiệu, mà tương tác sẽ “đẻ” ra tương tác. Vì vậy, sau này nền tảng Tiktok sẽ đáp ứng được những gì mà doanh nghiệp cần, vừa xây dựng được thương hiệu, vừa làm được thương mại.
“Hiện tại thương hiệu muốn xây kênh trên Tiktok rất dễ, vì Tiktok đang thiếu nội dung nên nền tảng này sẽ ưu tiên sử dụng những video nhiều lần, tức tần suất người dùng nhìn thấy video của thương hiệu sẽ dày hơn. Còn nếu chần chừ không xây kênh mà đợi đến 1 năm sau, quá nhiều người nhảy vào thì đã quá muộn” - ông Dũng nêu quan điểm và không quên nhấn mạnh rằng, đã làm marketing hay sales phải đi trước, trở thành người dẫn đầu, làm những điều mà chưa ai làm, khi mọi thứ còn mơ hồ, nếu đợi tất cả đều rõ ràng mới làm thì chỉ là “ăn theo”, không tạo được dấu ấn.
Lấy ví dụ khi xây dựng kênh “Chuyên review” trên Tiktok (kênh đánh giá về tính năng sản phẩm bán hàng trên mạng và đưa ra lời khuyên mua hàng, hiện đạt 6 triệu lượt đăng ký), ông Trần Anh Dũng cho biết, muốn phát triển một kênh hiệu quả, không nên chỉ dừng lại ở một nền tảng, mà cần phải liên thông với các nền tảng khác nhau, như cách “Chuyên review” chuyển đổi từ Tiktok sang Youtube, chỉ trong 2 tháng, kênh này đã tăng thêm 200.000 lượt đăng ký. Nhưng nếu chỉ phát triển kênh trên Youtube thì rất khó đạt được con số này.
“Người theo dõi chính là fan trung thành và là tài sản của thương hiệu. Thương hiệu có thể mang họ đi khắp nơi, kể cả sang nền tảng khác, từ Tiktok sang Youtube, Facebook, Instagram… và có thể làm rất nhiều điều đối với nhóm khách hàng trung thành của họ. Đây là cơ hội cho các thương hiệu” - ông Dũng nhấn mạnh.