Việt Nam mong muốn thu hút FDI của EU vào nông nghiệp
(DNTO) - Kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam – EU có sự tăng trưởng tích cực từ sau Hiệp định EVFTA, tuy nhiên dư địa hợp tác nông nghiệp giữa hai bên vẫn còn rất lớn, có thể tiếp tục thúc đẩy theo định hướng “xanh hóa”.
Tại Diễn đàn Kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU, vừa diễn ra tại Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai bên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, cho biết kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản hai chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 5,2 tỷ USD năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2021. Hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại nông sản.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU đã cải thiện không ngừng thời gian qua, đặc biệt từ sau khi có Hiệp định EVFTA. Các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh. EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh các mặt hàng nêu trên, Thứ trưởng Tiến cho rằng, hai bên cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như gạo của Việt Nam, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.
"Việt Nam có lợi thế so sánh về sản xuất và khả năng cung ứng mạnh mẽ một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Ngành đang từng bước chuyển đổi theo hướng giá trị gia tăng cao, sinh thái và bền vững. Việt Nam đang tích cực thúc đẩy FDI từ EU và khuyến khích thiết lập các liên minh giữa Việt Nam và các doanh nghiệp EU để xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản hoàn chỉnh, góp phần vào quá trình chuyển đổi, cuối cùng là phúc lợi của nông dân và người tiêu dùng", Thứ trưởng Tiến bày tỏ.
Phát biểu tại hội thảo, Cao ủy phụ trách nông nghiệp của Liên minh châu Âu, Ủy viên Janusz Wojciechowski bày tỏ hân hạnh cùng 50 đại diện của các doanh nghiệp, tổ chức về lương thực và nông nghiệp tại EU đến Việt Nam.
Sau hai năm kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) được ký kết, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2021, kim ngạch thương mại đạt được khoảng 50 tỷ USD bất chấp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
“Chúng tôi hy vọng rằng quá trình tăng trưởng thương mại sẽ tiếp tục phát triển và thỏa thuận này sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm của hai bên. Thông qua các công nghệ bảo quản, chế biến, chúng ta có thể giới thiệu và thương mại các sản phẩm truyền thống của hai khu vực”, ông Wojciechowski cho biết.
Trong hai năm tới, hai bên sẽ tăng cường thương mại tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng thương mại hàng hóa nông sản, thực phẩm. Cao ủy phụ trách Nông nghiệp của EU mong muốn các sản phẩm từ EU như thịt, sữa, rau, trái cây, rượu vang, dầu ô liu… sẽ được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và ngược lại, người dân EU cũng mong chờ được thưởng thức các sản phẩm của Việt Nam như cà phê, tiêu, hạt điều, trái cây nhiệt đới.
Trong chuyến thăm này, với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, ông Wojciechowski sẽ tìm hiểu công việc của người nông dân Việt Nam, hành trình sản xuất từ nông trại đến bàn ăn, và các sản phẩm hữu cơ đang được sản xuất ngày càng nhiều tại Việt Nam.
Nhắc lại vai trò của Hiệp định EVFTA tại diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, trong 2 năm thực thi, phần lớn thời gian chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng EVFTA đã cho thấy tầm quan trọng khi giúp thương mại hai chiều Việt Nam và EU tăng tới 14,8%, trong đó xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng 16,5%.
Dù tổng kim ngạch thương mại hai chiều của EU và Việt Nam là rất lớn, đạt mức 63,6 tỷ USD năm 2021 nhưng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn.
“Với thế mạnh là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời và nền văn minh ẩm thực mạnh trên thế giới, Việt Nam tự hào đã xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản như tôm cá, thuỷ hải sản, thanh long, vải thiều... đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có EU.
EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/ năm, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhưng chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU trong năm 2021”, ông Công nêu rõ.
Với tỷ trọng như vậy cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU. Ngược lại, với mức sống ngày càng tăng ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông sản chất lượng cao của EU tăng mạnh trong thời gian tới. Điều này cho thấy dư địa trong hợp tác giữa EU và Việt Nam là rất lớn.
Được biết, ngày 13/7 tới đây, các doanh nghiệp khu vực phía Nam sẽ tiếp tục gặp gỡ với các doanh nghiệp EU tại TP.HCM.