Bộ trưởng Lê Minh Hoan ngồi ghế 'nóng', giải những 'bài toán' khó cho ngành nông nghiệp
(DNTO) - Tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhiều điểm nghẽn nhức nhối của ngành nông nghiệp được chỉ rõ. Vị tư lệnh thẳng thắn "không thoái thác trách nhiệm" nhưng mong có sự vào cuộc của các địa phương để khắc phục khó khăn cũng như kiếm tìm vận hội mới cho "trụ cột" nền kinh tế.
Bài toán trừ giữa doanh thu và chi phí
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) về tình trạng giá phân bón tăng cao, trong khi sản phẩm nông nghiệp thì khó bán, cần giải pháp gì để kiểm soát giá cả vật tư nông nghiệp giúp nông dân an tâm sản xuất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, ngay khi xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn Covid-19 và ùn ứ tại khu vực cửa khẩu phía Bắc, Bộ NN&PTNT đã cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao vào cuộc để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nông dân.
Với nguyên liệu đầu vào, đây là câu hỏi lớn khi Việt Nam là quốc gia làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp tìm giải pháp nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro vào thị trường.
Trước tiên, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã có nhiều cuộc họp cũng như phiên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để thuyết phục cùng chung tay đối phó với khó khăn do đứt gãy nguồn cung.
"Tôi cũng tha thiết mong muốn 14 triệu nông dân sớm tham gia vào các tổ chức hợp tác xã, điều này sẽ giúp bà con mua chung nguyên liệu, có được chiết khấu tốt, giảm được chi phí đầu vào", Bộ trưởng nhận định.
Bên cạnh đó, người nông dân Việt Nam cũng đã chủ động tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp để thay thế một phần thức ăn, phân bón… cho sản xuất. Đây không chỉ là giải pháp tình huống mà là còn chỉ dấu cho phương hướng phát triển lâu dài, hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp Việt Nam.
Trong tài liệu Bộ NN&PNT đã gửi cho các đại biểu Quốc hội có rất nhiều mô hình, trong đó có cả ở ĐBSCL, bà con đã tiết kiệm được 30 – 40% chi phí do giảm vật tư đầu vào và chuyển sang phân bón hữu sinh học.
“Những mô hình ở An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu đã minh chứng cho bà con đồng bằng rằng, có một cách sản xuất khác, chúng ta tiết kiệm chi phí hơn, hướng đến nông nghiệp sinh thái hơn. Vấn đề là làm sao để các địa phương lan tỏa được những mô hình này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
'Chúng ta vẫn còn dễ dãi trong việc chuẩn hoá nông sản'
Trước câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắc Nông), nhắc tới điệp khúc được mùa mất giá chưa hồi kết, sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường: "Giải pháp căn cơ nào cho vấn đề nêu trên?", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách.
Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.
"Bộ Nông nghiệp nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu", ông Hoan cho hay.
Ông Hoan liên hệ về câu chuyện nhiều nhà vườn phải phá bỏ vườn thanh long do bí đầu ra, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, chỉ khoảng 1/10 sản xuất theo quy trình hợp tác xã, phần lớn là bà con trồng không theo quy chuẩn. "Sự cạnh tranh giữa các nhà vườn, hợp tác xã tạo ra sự bất ổn để có danh chính ngôn thuận một vùng nguyên liệu ổn định", ông Hoan nhận xét.
Đồng thời ông nhấn mạnh, hiện Bộ NN&PTNT đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào. Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí, và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo hướng này.
Làm rõ hơn về vấn đề thương hiệu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy ví dụ hiện nay nông sản Việt Nam đang rất ít có mặt tại các siêu thị lớn của Mỹ, điều này có nghĩa là chúng ta đã chậm một bước về định vị thương hiệu. Lý do là chúng ta chưa tổ chức được ngành hàng tốt để chuẩn hóa được các yêu cầu của thị trường, để tạo ra niềm tin về nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững, tạo ra sự tín nhiệm của thị trường.
"Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án, đưa bà con vào hợp tác xã để thống nhất một quy trình, quy chuẩn canh tác, để các sản phẩm đồng nhất trong nhiều mùa vụ liên tục để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam", Bộ trưởng cho biết.
Cần có chế tài làm cơ sở pháp lý để ràng buộc giữa nông dân và doanh nghiệp
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thực tế hiện nay khá dễ dàng tìm thấy những câu chuyện về sự đứt gãy của chuỗi liên kết, khiến nông sản rất nhọc nhằn khi tìm đầu ra.
Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là việc rất nên làm nhưng không phải đơn giản. Có những “hợp đồng” mà nông dân đã cam kết với doanh nghiệp rồi nhưng vì một lý do nào đó, thị trường bên ngoài tăng giá, bà con nông dân lại đưa nông sản ra ngoài nhà máy chế biến. Thực trạng này đòi hỏi địa phương phải là đơn vị sâu sát, cùng ngồi với hai bên: một là nông dân thông qua hợp tác xã, một bên là doanh nghiệp.
“Đến giờ này vẫn chưa có những chế tài xử lý dứt điểm việc phá vỡ hợp đồng giữa bà con nông dân và doanh nghiệp chế biến. Tôi cũng nói, giờ phải bắt đầu bằng niềm tin trước, rồi từ từ nâng dần lên. Các doanh nghiệp cũng hay nói, nếu doanh nghiệp bội tín, nông dân có thể kiện ra toà, còn nếu nông dân bội tín, doanh nghiệp không thể nào kiện ra toà được. Bởi đó không phải là giao dịch dân sự hay hợp đồng kinh tế để có một chế tài xử lý" ông Hoan nhấn mạnh.
Sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng không chỉ thường xuyên xảy ra ở phía nông dân mà ngay cả doanh nghiệp cũng không ít lần cho nông dân nếm trái đắng khi "bội tín".
Nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với giá thu mua được thỏa thuận ngay từ trước khi vào vụ sản xuất nhưng đến khi nông dân thu hoạch, giá thị trường xuống thấp hơn giá ký kết hoặc khi sản phẩm khó tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp đã đơn phương ngừng thực hiện việc thu mua nông sản.
"Điển hình như vụ việc Công ty TNHH Sam Wom Industrial 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc liên kết với nông dân huyện Lạng Giang (Bắc Giang) triển khai dự án trồng hành hoa xuất khẩu. Theo đó, Sam Wom Industrial ký hợp đồng với từng hộ gia đình, công ty bán giống hành cho nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Thế nhưng đến vụ thu hoạch, công ty này đột ngột thông báo là gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên phải ngừng thu mua hành của nông dân, khiến bà con phải nhổ hành bán đổ bán tháo, thậm chí để làm phân xanh...", ông Hoan dẫn chứng.
"Do đó, rất cần có chế tài làm cơ sở pháp lý để ràng buộc giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội, nhất là những người làm luật có thể tư vấn, giúp chúng tôi những vấn đề mà chúng tôi đang lúng túng”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
Xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường bài bản, tránh tình trạng "buôn chuyến"
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề bất ổn thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thông qua các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ đã xây dựng 3 thị trường lớn và đề án riêng cho từng loại thị trường, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, thị trường EU và thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng, mỗi loại thị trường có chuẩn mực, tiềm năng và có quy định rào cản của thị trường. Do vậy cần xây dựng đề án riêng tránh tình trạng "đi buôn chuyến" để có chương trình xúc tiến bài bản tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia hơn.
Từ những loại thị trường đó sẽ chuẩn hóa các vùng nguyên liệu để đáp ứng được từng loại thị trường.
"Để đạt được kết quả đó, chúng tôi tự tin trong việc cấu trúc nền nông nghiệp, hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Những phản ứng kịp thời, đúng và trúng đã tạo nên nét chấm phá của kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phân tích rõ hơn, "tư lệnh" ngành NN&PTNT cho hay, nước ta không có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nông dân, nhưng chúng ta hỗ trợ thông qua thị trường để kích hoạt được thị trường, khi đó, khơi thông dòng chảy nông sản. Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tháo gỡ thị trường là quyết sách, điểm sáng nhất của Chính phủ. Nước ta đã đàm phán với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… và những nông sản của chúng ta bắt đầu tđến được các thị trường đó một cách tự tin.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, với đề án này các doanh nghiệp Việt trong từng loại thị trường sẽ kết nối với nhau. Như vậy, nhìn vào lăng kính thị trường để điều chỉnh lại tổ chức sản xuất phù hợp từng loại thị trường, từng mùa vụ, từng vùng nguyên liệu cụ thể.
Phải tư duy làm nông nghiệp 4.0
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Thái Nguyên) chất vấn việc tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái tại các địa phương, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, hiện đã có nhiều chính sách, quy hoạch vùng, khu nông nghiệp công nghiệp cao, doanh nghiệp và sản phẩm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng thực tế cho thấy nhiều chính sách không hiệu quả, khi chính sách có nhưng huy động nguồn lực không tương xứng, đảm bảo. Bộ Nông nghiệp sẽ đề nghị Thủ tướng để rà soát lại các chính sách này.
Ông ví dụ khu nông nghiệp công nghệ cao tại Hậu Giang diện tích 5.000 ha, các địa phương cho rằng khi được phê duyệt thì sẽ thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhưng thực tế không thực hiện được, "chơi vơi giữa mong muốn và nguồn lực thực đầu tư". Không có khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng chúng ta vẫn có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Họ vẫn đầu tư, chọn địa điểm tối ưu để đầu tư.
Lấy dẫn chứng Grab, Uber kinh doanh vận tải nhưng không cần sở hữu chiếc xe nào, Bộ trưởng Hoan cho rằng trong nền kinh tế kết nối, chia sẻ thì ngoài tích tụ đất đai để có khu vực sản xuất, khu nông nghiệp cao lớn hơn, thì vẫn có phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng điều kiện địa phương. Ở đây nguồn lực Nhà nước và xã hội cùng đầu tư, phát triển vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao
"Chúng ta đang sống ở thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp chưa chắc đã cần đất. Phải tư duy cứ phải vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới phát triển được. Bộ Nông nghiệp cũng đang xây dựng kế hoạch để phát triển vùng theo hướng này", ông Hoan cho hay.