Tìm 'chỗ đứng' cho nông sản Việt trên bản đồ thế giới
(DNTO) - Dù là quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu top đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn nhạt nhòa trên thị trường quốc tế. Theo đó, để người tiêu dùng thế giới "nhớ mặt đặt tên", vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt còn rất nhiều việc phải làm.
Thực tế, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản không phải là câu chuyện mới, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu như gạo, cà phê, tôm, cá tra, hạt tiêu… tuy nhiên, đến nay, những hoạt động nói trên chỉ mới thực hiện được một số mặt hàng nông sản, chưa bao quát được các sản phẩm thế mạnh của toàn ngành nông nghiệp.
Trước đó, không ít doanh nghiệp cũng từng ngẩn ngơ khi đứa "con đẻ" của mình bị "đánh cắp", song lực bất tòng tâm. Chính vì vậy, đó là hồi chuông cảnh tỉnh với từng cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp và phải coi thương hiệu như tài sản trí tuệ để có chiến lược bảo vệ, giữ gìn thương hiệu ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Nhìn nhận vấn đề này, trao đổi với Tạp chí Doanh nhân trẻ, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nhận định, hiện nay xây dựng thương hiệu nông sản đối mặt không ít khó khăn, tồn tại. Điển hình như, nông sản Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng đảm bảo. Sản xuất hàng hoá nông sản còn manh mún, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra việc đầu tư cho khoa học kĩ thuật, nhân lực để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá. Công tác quản lý và phát triển trong việc xây dựng hệ thống mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc hàng hoá còn hạn chế.
Chuỗi sản xuất phân phối phục vụ cho nội địa và xuất khẩu chưa được thiết lập và chưa được chuẩn hoá. Chúng ta mới chỉ tập chung làm thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực như gạo, tiêu, điều, cà phê, chè, … Giao dịch mua bán hàng hoá hiện nay chủ yếu là mua đứt bán đoạn, ít có doanh nghiệp chịu trách nhiệm đến cùng về giá cả và chất lượng hàng hoá bán ra.
"Hiện tượng nông dân bị ép giá tương đối phổ biến do giao dịch không công khai minh bạch trong quan hệ mua bán trên thị trường. Đó là 1 trong những nguyên nhân làm cho người sản xuất hàng hoá ít quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu", ông Phú nhận định.
Mặt khác, ông Phú cho rằng, 80% các sản phẩm nông sản Việt hiện nay tiêu thụ chưa qua chế biến sâu vì vậy thu được giá trị gia tăng rất thấp. Trong lĩnh vực bao bì đóng gói, giới thiệu hàng hoá trên bao bì sản phẩm chưa hấp dẫn đối với khách hàng trong và ngoài nước.
"Hàng hoá nông sản Việt xuất khẩu vừa ra khỏi kho thì hầu hết đã được "chuyển khẩu" cho nước ngoài, rõ ràng hàng Việt Nam đã bị mất thương hiệu ngay ở sân nhà. Việc tổ chức quảng bá giới thiệu nông sản Việt với nước ngoài rất hạn chế. Sự kết nối giữa sản xuất trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo, thiếu thông tin để khuếch trương thương hiệu", ông Phú nhấn mạnh.
'Gắn' thương hiệu cho nông sản Việt thế nào?
Khẳng định việc nhãn hiệu hàng hóa là một tài sản trí tuệ quý giá, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh, song ông Phú cho rằng, để xây dựng và bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp phải tìm ra điểm đặc sắc của mình và phải kiên trì vì thương hiệu. Bởi đây không phải vấn đề có thể xây dựng trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ, lâu dài.
Theo đó, để hàng hoá nông sản Việt có tên trên bản đồ thế giới, việc đầu tiên cần làm là tập trung nâng cao chất lượng hàng hoá, luôn luôn đổi mới sản phẩm theo tín hiệu của thị trường.
"Muốn gây dựng chỗ đứng của các sản phẩm Việt ở nước ngoài, trước hết cần xây dựng thương hiệu có uy tín khi tiêu thụ ngay ở trong nước, muốn tạo niềm tin về hàng hoá cho khách hàng nước ngoài thì bản thân người tiêu dùng Việt phải gắn bó và tin yêu một cách thực sự những sản phẩm lưu hành ở thị trường nội địa", ông Phú nhận định.
Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các thương hiệu một cách bài bản với độ trung thực cao. Trong giao dịch mua bán, cần giữ chữ tín trong kinh doanh đối với các sản phẩm Việt. Song song với việc phát triển sản xuất, cần củng cô hệ thống phân phối có thương hiệu để phục vụ người tiêu dùng.
"Việc xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt Nam vươn xa cần được thể hiện từ nhận thức tới hành động. Dưới sự chỉ đạo sát sao của chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan cùng các địa phương có sản phẩm, chắc chắn trong thời gian không xa, thương hiệu hàng hoá nông sản Việt sẽ vươn xa, đứng vững ở thị trường nội địa và trở thành 1 trong những cường quốc nông sản trên bản đồ thế giới", ông Phú nhìn nhận.