Góp sức đưa nông sản Việt vào 'dòng chảy' thế giới
(DNTO) - Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành Nông nghiệp tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản, mà trong đó các doanh nghiệp kiều bào đóng vai trò là "cánh tay nối dài" để kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường…
Chúng ta hoàn toàn có thể chạm vào mục tiêu này, khi có sẵn truyền thống sản xuất nông nghiệp và đang sự trợ lực hùng hậu của lực lượng kiều bào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỉ USD. Theo dự báo, con số này vẫn chưa dừng lại và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng trong vài năm tới.
Từ những thuận lợi này cho thấy, bây giờ là thời điểm vàng để bà con kiều bào tại các nước kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam, đưa nông sản Việt sang các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Đầu tư của kiều bào về Việt Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nhưng nông nghiệp vẫn được xếp ở vị trí ưu tiên nhất. Thậm chí, những trải nghiệm phong phú và những vốn liếng tích lũy trong nhiều năm sống ở nước ngoài, đã giúp những doanh nhân Việt kiều khi đầu tư về quê hương, dễ dàng tạo ra những đột phá mạnh mẽ cho dây chuyền sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Bởi lẽ, mỗi kiều bào dù đang định cư ở nơi nào trên trái đất, cũng chính là một đại sứ thuyết phục nhất để đưa sản phẩm OCOP Việt Nam đến tay người tiêu dùng toàn cầu.
Chia sẻ với các kiều bào tại Diễn đàn "Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp", Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thể hiện nỗi đau đáu khi nông sản Việt vẫn phải vật lộn trên thị trường quốc tế, trong khi những sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel “chễm chệ” trên quầy siêu thị trên thế giới.
Tình trạng được mùa - mất giá của nhiều mặt hàng nông sản liên tục diễn ra trong thời gian qua gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm nghìn người nông dân.
Hiến kế đưa nông sản Việt Nam vươn xa thế giới, ông Nguyễn Ngọc Luận, chủ thương hiệu Meet More Coffee, một Việt kiều Úc sinh ra và lớn lên tại tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đánh giá, "Khi chúng ta bị lệ thuộc vào một thị trường nào đó thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều giá trị của sản phẩm".
Để giải bài toán tiêu thụ, ông Luận kiến nghị cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu và khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu thị trường. Đồng thời cần xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn cho việc tuyên truyền "Người Việt Nam tự hào sử dụng hàng Việt Nam".
Cho rằng thị trường châu Âu, nhất là ở Đức còn nhiều dư địa cho nông sản Việt khi có hơn 220.000 người Việt Nam đang sinh sống, ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, kiến nghị, nên xây dựng một cầu nối giữa những doanh nghiệp Việt Nam với châu Âu thông qua doanh nghiệp ở Đức.
"Chúng ta không nên nói thị trường Đức là thị trường khó tính, mà là một thị trường đầy tiềm năng. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tại thị trường Đức, tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng giá ít nhất 30%, đây là một cơ hội để hàng Việt Nam sang Đức. Muốn có hàng chất lượng thì chúng ta phải sản xuất đúng quy định, đúng chất lượng, đúng kỹ thuật và mẫu mã. Đồng thời, c ác doanh nghiệp trong nước cần tham gia vào chuỗi cung ứng của các nước sở tại để nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển bền vững", ông Long cho hay.
Để đưa được sản phẩm Việt Nam ra thế giới, ông Nguyễn Quốc Sỹ, Viện sỹ hàn lâm Viện Khoa học Kỹ thuật Điện Liên bang Nga, nhấn mạnh, trước hết phải đưa được khoa học công nghệ thế giới vào Việt Nam.
Ông Sỹ giới thiệu phương pháp dùng khí ion, dùng lò phản ứng plasma để làm bất hoạt virus, công nghệ được coi là “không chỉ mới ở Việt Nam mà còn mới ở thế giới”. Công nghệ này được coi là chống được nấm mốc, nấm men, bào tử nấm..., nhờ đó tăng thời lượng bảo quản nông sản lên nhiều lần.
"Việt Nam đang “bị thiệt thòi” do thiếu tri thức, thiếu công nghệ. “Nguồn lực rất quan trọng là tri thức, cần kết nối mạnh hơn với kiều bào, và cả nguồn lực, mối quan hệ của kiều bào với các chuyên gia quốc tế để mang khoa học công nghệ về nước”, ông Sỹ kết luận.
Ngoài ra, góp phần nâng tầm nông sản Việt, các doanh nghiệp kiều bào cũng cho rằng, trước khi bước vào thị trường mới, doanh nghiệp Việt cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, đặc biệt thị trường ngách, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường để ổn định. Đồng thời, tìm hiểu các đối tác chiến lược, các thỏa thuận, hiệp định quốc gia cho các dòng sản phẩm để nhận ưu đãi thuế quan và thủ tục.
"Để đưa nông sản Việt ra thế giới, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có cơ chế giảm thuế, phí với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp cần được tạo cơ chế phát hành trái phiếu để tạo nguồn vốn, sớm phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể với doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có cơ chế bảo trợ truyền thông cho các sản phẩm nông nghiệp trong dịch Covid-19", ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), kiến nghị.