Doanh nghiệp nông sản đầu tư chế biến sâu, tính chuyện 'đường dài'
(DNTO) - Từ câu chuyện "được mùa mất giá", loay hoay với bài toán giải cứu nông sản để cứu chính mình, doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi tư duy, cách làm, công nghệ, để sản phẩm vất vả làm ra có thể tự đứng vững, ổn định bất chấp những tác động tiêu cực từ thị trường.
Chế biến sâu là chìa khóa giúp tiêu thụ nông sản
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng nông sản thế giới bị đứt gãy, tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và mặt hàng rau quả nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh bị Trung Quốc "cấm vận" xuất khẩu như hiện nay, càng khiến các mặt hàng nông sản hư hỏng, thiệt hại nặng nề đối với các doanh nghiệp...
Theo đó, để tồn tại và thích ứng với điều kiện mới, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản càng phải nhanh chóng đẩy mạnh sang những sản phẩm chế biến sâu.
Đơn cử như, một kg cà chua vào lúc “rộ mùa, dội chợ” có khi chỉ được bán với giá từ 1000 đồng đến 2000 đồng ngay tại vườn, thậm chí có những năm, nông dân bỏ cho cà chua chín thối trên đồng khi tiền bán hàng không đủ bù chi phí nhân công. Nhưng nếu ngành chế biến nông sản phát triển mạnh, 1kg cà chua đó có thể “hóa thân” thành hộp tương cà chua, cà chua ngâm dầu, nước ép cà chua... với giá cao gấp hàng chục lần và được bày bán trên những kệ hàng “danh giá” nhất, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài.
Nhìn rộng ra, bài toán này cũng nên được tính toán cho cả các sản phẩm chăn nuôi một cách căn cơ, lâu dài. Thịt gà, thịt heo, thịt bò, thủy hải sản… càng được chế biến đa dạng, càng tránh được vòng luẩn quẩn “cung nhiều - giá giảm” và nông dân - doanh nghiệp càng thu được nhiều lợi nhuận.
Vậy nên, phát triển chế biến sâu không chỉ giúp giải quyết nguyên liệu dư thừa trong ngắn hạn mà còn là lời giải cho bài toán đường dài trong nền nông nghiệp quốc gia: hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô và xây dựng được những thương hiệu mạnh, thu được nhiều lợi nhuận hơn cho nông sản Việt Nam.
“Muốn giải quyết bài toán này, trước tiên các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các sàn thương mại điện tử, siêu thị để có thể giải cứu sản phẩm trước mắt. Song về lâu dài, để giải quyết đầu ra một cách bền vững cho sản phẩm, tránh phụ thuộc vào một thị trường chính, những địa phương có sản lượng lớn nên quan tâm xây dựng các cụm chế biến sâu cho nông sản. Như vậy mới có thể đi đường dài”, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định.
Để không vuột mất "miếng bánh" tỷ USD
Lý giải nguyên nhân chuyển từ hoạt động kinh doanh sang đầu tư vào lĩnh vực chế biến, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng cho biết, nhận thấy nhiều đối tác Trung Quốc có nhu cầu về mặt hàng múi sầu riêng đông lạnh nên đơn vị đã quyết định đầu tư nhà xưởng đông lạnh quy mô lớn với khoảng 150 công nhân làm việc ngay vùng nguyên liệu trồng sầu riêng.
Kết quả, từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp đưa vào chế biến với sản lượng từ 4 - 6 nghìn tấn sầu riêng/vụ thu hoạch. Mặt hàng sầu riêng múi đông lạnh của doanh nghiệp hiện xuất khẩu tốt vào nhiều thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản... Năm 2020, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng tốt nhờ đưa vào chế biến nên chủ động hơn về thị trường so với xuất khẩu hoa quả tươi.
“Năm 2022, doanh nghiệp đang tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình chế biến nhằm đáp ứng được các đơn hàng vào những thị trường khó tính hơn nữa như Canada, Mỹ…”, ông Vùng kỳ vọng.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) Nguyễn Văn Thứ cho biết: Năm 2021, sản lượng rau quả xuất khẩu của công ty tăng khá mạnh tại châu Âu, trong đó lượng sản phẩm chế biến tăng gấp đôi. Công ty đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy cấp đông củ quả tại tỉnh Đắk Lắk với tổng vốn khoảng 100 tỷ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2022. Đây là vùng có nhiều nguyên liệu trái cây như bơ, xoài, sầu riêng… phù hợp với nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao trên thị trường thế giới cũng như trong nước...
"Biến nguy thành cơ", nhanh nhạy chuyển mình để thích ứng đã giúp các doanh nghiệp vượt "cửa ải" Covid-19 một cách ngoạn mục nhờ đi đúng hướng.
Ước tính, trong 3 năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã thu hút được nguồn vốn tư nhân đầu tư vào chế biến nông sản với 60 tổ hợp chế biến, tương đương 2,6 tỷ USD. Bên cạnh đó là 7.700 cơ sở chế biến nhỏ lẻ theo các dạng hình thức khác nhau, riêng trong lĩnh vực trồng trọt có khoảng 153 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp.
Gần đây, tỷ lệ xuất khẩu giữa sản phẩm chế biến và sản phẩm thô đã được rút ngắn lại. Nếu vào thời điểm năm 2017, sản phẩm thô chiếm 90%, chế biến 10%, thì đến nay, sản phẩm chế biến xuất khẩu đạt 30%, thô chỉ còn 70%. Ngành nông nghiệp đặt lộ trình và mục tiêu phấn đấu cân bằng tỷ lệ này là 50 - 50 trên cơ sở chọn lựa các thị trường.
"Đây sẽ là "miếng bánh" cực kỳ hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần phải có định hướng về việc chế biến thế nào để phù hợp nhu cầu thị trường, thị hiếu người dùng. Rất có thể 10 năm nữa, thực phẩm chức năng là nguồn đóng góp doanh thu kỷ lục trong kim ngạch, và đây sẽ là hướng đi chiến lược trong thời gian tới của chúng ta", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, việc thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực để hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu cho nông sản không phải là chuyện dễ dàng có thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều, và càng không thể áp dụng "cào bằng" với các doanh nghiệp.
Theo đó, rất cần "cơ chế" phát triển lĩnh vực chế biến giúp doanh nghiệp nông sản có thể "cất cánh", bởi lẽ không thể chỉ sử dụng một vài chính sách đơn lẻ để giải quyết, mà thực sự cần đến một hệ thống chính sách liên kết chặt chẽ để thu hút được những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự, đồng thời tạo được môi trường hấp dẫn cho những nhà đầu tư mới giàu nhiệt huyết...
Đó là các chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi tiếp cận nguồn vốn rẻ, công nghệ cao, đào tạo được nguồn nhân lực phù hợp… kèm với đó là các chính sách trợ lực khác về xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ưu tiên phân phối trong nước, hỗ trợ xuất khẩu đến các thị trường quốc tế…
Dĩ nhiên, bản thân doanh nghiệp - nông dân cũng cần có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm, công nghệ, chấp nhận đầu tư lâu dài, không thể giữ tư duy manh mún, “ăn xổi ở thì".