Tăng tốc gỡ 'điểm nghẽn' logistics để tạo sức bật cho nông sản
(DNTO) - Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, cung ứng nguồn nông sản dồi dào cho cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề thiếu đầu tư logistics ở các vùng trọng điểm đang là rào cản "trói buộc" bước tiến của nông sản Việt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.
Yêu cầu cấp bách
Logistics đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt, đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hàng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn.
Tuy nhiên, tại đây chưa có một trung tâm logistics đúng nghĩa, có quy mô, mà chỉ mới được quy hoạch. Các trung tâm nhỏ lẻ nằm ở khu công nghiệp hay các kho lạnh của doanh nghiệp tự đầu tư chỉ ở chừng mực, chưa đồng bộ.
Vấn đề thiếu trung tâm logistics trọng điểm đã tạo nên điểm nghẽn cho đầu ra nông sản khi thực tế hiện nay, 70% hàng hóa xuất khẩu vẫn phải chuyển về các cảng ở TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bằng đường bộ, khiến các doanh nghiệp phải chịu chi phí vận tải cao hơn từ 10 – 40% tùy theo tuyến đường.
Là người nhiều năm hoạt động trong ngành thủy sản, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú dẫn chứng từ chi phí vận chuyển tôm. Ông cho biết điều rất nghịch lý là vận chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ mất 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản mất 15 triệu đồng, nhưng vận chuyển 1 container tôm từ TP.HCM ra Hà Nội lại mất đến 80 triệu đồng.
Trong khi đó, dù khoảng cách địa lý giữa Ecuador đến Trung Quốc xa hơn nhưng chi phí dành cho logistics của họ chỉ bằng một nửa của ta. Nghĩa là cũng là phí vận chuyển nhưng ở trong nước lại luôn luôn cao hơn nước ngoài.
Đồng quan điểm, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đưa ra so sánh, chi phí vận chuyển một container hàng hoá từ Singapore về cảng Hải Phòng chỉ hơn 100 USD, nhưng cũng cùng một container như thế, vận chuyển từ Hà Nội ra cảng Hải Phòng với quãng đường chỉ 100km lại lên tới hơn 200 USD...
Cũng theo ông Hiệp, chi phí logistics hiện chiếm tới 30% giá thành nông sản xuất khẩu, khiến cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc… Nếu 1kg thanh long chưa đến 3 USD nhưng khi vận chuyển bằng hàng không sang Mỹ, các nước châu Âu thì cước vận chuyển đã hơn 3 USD/kg, cộng cả phí logistics, hải quan, lưu kho thì lên tới 7 - 10 USD/kg.
Không những thế, hiện nay những “đứt gãy” trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản do thực hiện giãn cách xã hội, nhất là hàng thiết yếu và nông sản khiến điều này càng rõ nét hơn.
"Nếu ví logistics là mạch máu của nền kinh tế thì các trung tâm logistics chính là điểm điều hòa, xử lý mạch máu này. Vì đó là nơi lưu trữ, bảo quản hàng hóa, làm dịch vụ, kiểm hóa, thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu và kết nối lưu thông hàng hóa nhưng ĐBSCL đang rất thiếu. Thực trạng này cho thấy, việc phát triển hệ thống logistics để tạo sức bật cho ĐBSCL là yêu cầu rất cấp bách"- ông Hiệp nhận định.
Tìm chìa khoá "mở rào" logistics
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Cần Thơ, phân tích: Ngày nay, năng lực cạnh tranh của quốc gia, địa phương hay của ngành đều dựa trên năng lực logistics. Tuy nhiên, "cái khó" khiến logistics tại ĐBSCL còn chưa xứng tầm là vì “không có hạ tầng thì logistics cũng khó phát triển được”.
"Điểm nghẽn lớn nhất của ĐBSCL được nói đến nhiều là hạ tầng giao thông kết nối và hệ thống cảng biển quy mô lớn. Điều này quyết định đến phát triển ngành logistics. Nếu hạ tầng phát triển thì logistics phát triển theo, còn hiện tại thì logistics lại chờ hạ tầng. Đó là vòng lẩn quẩn của ĐBSCL trong 3 thập niên qua. Nếu không giải quyết được bài toán hạ tầng, dịch vụ, chi phí thì logistics không giải quyết được. Và nó sẽ làm cản trở tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản" - ông Lam lý giải.
Nêu quan điểm về vấn đề này, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện nay chi phí logsitics cho nông sản cao là vì hạ tầng của chúng ta còn thiếu, lại phân bổ không đều. Ngoài ra, tính kết nối giữa các phương tiện vận tải với các trung tâm logistics cũng còn nhiều hạn chế. Ông cho rằng, việc đầu tư các trung tâm logistics nông sản quy mô lớn, tập trung, có khả năng phục vụ cho cả một vùng là một trong những giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn logistics trong lĩnh vực nông sản.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định: Cần nhìn nhận lĩnh vực logistics một cách toàn diện hơn. Cụ thể, logistics cho nông nghiệp phải là hệ thống tương tác tích hợp nhiều giá trị, bao gồm cả lĩnh vực chế biến, bảo quản. Các tổ hợp chế biến phải gắn với vùng nguyên liệu và các trung tâm logistics. Chính vì vậy, phải có đề án căn cơ cho từng vùng, từng ngành chứ không chỉ riêng lẻ ở mỗi địa phương.
"Nhằm hướng tới xây dựng trung tâm logistics cấp vùng, trở thành đầu mối tập trung các công ty logistics đến cung cấp các dịch vụ tạo thành chuỗi tích hợp, các dịch vụ logistics tại ĐBSCL thời gian tới sẽ phát triển đa dạng và hướng tới phục vụ, xuất nhập khẩu bao gồm hàng container và hàng lẻ, hàng hóa thương mại nội địa, phân phối hàng hóa tiêu dùng trong vùng, kinh doanh thương mại điện tử,..." - ông Toản nói.
Nhìn nhận công nghệ như một công cụ đắc lực cho việc giảm thiểu chi phí logistics trong lĩnh vực nông nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh cho rằng công nghệ truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn góp phần giảm nguy cơ hàng hóa bị trả về, nhờ đó, chuỗi logistics hoạt động hiệu quả hơn.
"Thông qua nền tảng số kết nối các thành phần của chuỗi cung ứng nông nghiệp, các chủ hàng, đơn vị kiểm dịch, hãng tàu hay nhà nhập khẩu đều có thể tham gia giám sát, theo dõi chuyến hàng. Ngoài ra, các nền tảng số còn có thể kết nối các công ty vận tải với nhau để tận dụng vận tải quay đầu, giảm thiểu các chuyến vận tải rỗng"- ông Minh cho hay.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước định hướng đến năm 2030, ÐBSCL sẽ có 2 trung tâm hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động. Ðây là trung tâm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông, phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho vùng.
Xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics tại ÐBSCL trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu là rất cần thiết, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn. Các trung tâm logistics hoạt động tốt sẽ giảm thiểu chi phí đầu vào nhằm tăng giá trị hàng hóa đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ÐBSCL.