Cơ hội nào cho nông sản Việt đứng vững tại thị trường Nga?
(DNTO) - Nga được đánh giá là thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển với nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các kệ siêu thị tại thị trường hơn 140 triệu dân này lại vắng bóng thương hiệu Việt, bởi khó khăn trong khâu cung cấp hàng với số lượng lớn ổn định và dài hạn.
Nga được đánh giá là thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển với nông sản Việt Nam. Những mặt hàng thị trường này ưa chuộng như hoa quả tươi, rau, cà phê, các loại hạt..., đều là thế mạnh của nước ta với sản lượng thu hoạch lớn hàng năm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nga trong thời gian gần đây tăng trưởng khá cao. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, như: rau quả tăng 50,8%, hạt điều tăng 47,6%, hạt tiêu tăng 61,9%, cao su tăng 266,6%.
Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng bị giảm kim ngạch xuất khẩu, đó là cà phê, chè và gạo (giảm đến 75%). Đơn cử như cà phê. Trong nhiều năm, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn nhất vào Nga, nhưng các sản phẩm chủ yếu ở dạng thô. Người tiêu dùng Nga hầu như không biết tới cà phê Việt.
Do đó, trong thời gian tới, để tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê cũng như các mặt hàng thế mạnh khác mà Việt Nam có ưu thế, tại "Tọa đàm cùng chuyên gia quốc tế", tổ chức chiều 2/9, bà Regina Budarina, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nga, cho rằng nguyên nhân có thể nằm ở khâu nghiên cứu thị trường.
"Các công ty xuất khẩu Việt Nam vẫn dựa theo quán tính là chính, mà ít khi quan tâm đến đối thủ cạnh tranh, thị hiếu thị trường... Để thay đổi, họ cần chú trọng nghiên cứu sâu thị trường marketing, bất chấp chi phí đầu tư ban đầu có thể cao", bà Regina nói.
Theo Bà Regina, việc đầu tư vào nghiên cứu ban đầu sẽ giúp ích về lâu dài, đồng thời tính toán chính xác đối tượng khách hàng tiềm năng. Bà cũng nêu thực tế, là nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam đã tiếp cận, đàm phán với các công ty Nga, nhưng chốt lại, họ chỉ đặt được đơn hàng với giá trị thấp.
Nêu dẫn chứng gạo, cà phê, hạt tiêu, chè của Việt Nam đều ngon, giá cạnh tranh, nhưng lại "thất thế" tại thị trường Nga, bà Regina cho rằng, doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh hơn nữa khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu...
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam luôn gặp khó khăn trong khâu cung cấp hàng với số lượng lớn ổn định và dài hạn. Để đưa được hàng vào các chuỗi này, ngoài chất lượng sản phẩm, mẫu mã, các doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu rất quan trọng là phải liên tục có hàng dự trữ tại kho (ở Nga) để cung cấp thường xuyên cho các cửa hàng. Đồng thời, cần có chiến lược, xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại để cung cấp cho các chuỗi siêu thị.
Bên cạnh đó, rào cản về logistics cũng là trở ngại lớn. Do khoảng cách địa lý giữa Nga và Việt Nam, việc vận chuyển bằng đường hàng không khá tốn kém. Một số đơn vị tại Nga hiện tham mưu về khả năng vận chuyển bằng đường sắt, thông qua Trung Quốc, nhằm tiết kiệm chi phí. Dù vậy, hiện chưa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nào về phương án này.
Đồng quan điểm, ông Robert Kurilo, Trưởng đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam, cho biết nhiều khách hàng Nga bất ngờ về chất lượng nông sản Việt, trong đó có xoài. Theo ông, chất lượng xoài Việt Nam không hề thua kém so với xoài Thái Lan. Tuy nhiên, giống như các mặt hàng đồ gỗ, nội thất, đồ gia dụng, xoài Việt Nam cũng ít được biết đến tại Nga.
"Cần có nhiều hội nghị xúc tiến thương mại giữa hai nước, để Việt Nam và Nga biết thêm thông tin về nhau. Các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể tập trung về một đầu mối thương mại, nhằm tăng tốc độ giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, rào cản kỹ thuật...", ông Kurilo nêu giải pháp.
Mặt khác, để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có ưu thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu, đây sẽ là tiền đề cho nông sản Việt đổi từ lượng sang chất trong tương lai.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản), để thúc đẩy phía Nga tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu thủy sản lên trên 50 doanh nghiệp (so với mức 30 doanh nghiệp của năm 2019).