Nhân rộng mô hình 'tổ kết nối nông sản' ở TP.HCM ra cả nước
(DNTO) - Sáng 31/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì diễn đàn trực tuyến "Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” với 63 tỉnh, thành phố và gần 200 doanh nghiệp, nhằm kết nối giữa các khâu từ sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, đến tiêu thụ nông sản... trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.
Nhân rộng mô hình "tổ kết nối nông sản" là tất yếu
Thời gian qua, Tổ công tác phía Nam và phía Bắc của Bộ NN&PTNT đã có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục cập nhật, thông tin với Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ, với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý những ách tắc, vướng mắc trong các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản...
Tổ Công tác 970 đã có sáng kiến hay trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, như: Xây dựng trang web, mạng xã hội Facebook, Zalo và số điện thoại đường dây nóng…
Tính đến ngày 31/8, Tổ công tác đã hình thành được 1.300 đầu mối cung ứng; 58 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên đến 1.000 tấn/ngày trong thời gian TP Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách xã hội. Nhiều đơn hàng lớn được kết nối, tiêu thụ thành công đã góp phần tích cực việc hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương, tạo hiệu ứng cao trong xã hội. Điển hình là chương trình nông sản combo 10kg/túi đã và đang có sức lan tỏa lớn, được nhiều tỉnh, thành áp dụng và nhân rộng mô hình tại các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang…
Từ những thành tựu của mô hình này, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, đồng thời thành lập “Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” để nhân rộng ra cả nước, với nhiều lĩnh vực, ngành hàng trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố gặp khó khăn và bị đứt gãy.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, ông đánh giá rất cao ý tưởng của Tổ Công tác 970, nay ý tưởng này đã trở thành đề cương hoạt động. Dù tổ công tác phải hoạt động trong vùng rất khó khăn, nhưng nay đã đưa ý tưởng vào thực hiện rất hiệu quả. Đề nghị tiếp tục duy trì ý tưởng này, vừa kết nối, vừa xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
“Xu thế này là tất yếu”, ông Doanh khẳng định. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng “vạn sự khởi đầu nan”, song cần vừa làm vừa hoàn thiện. Vì việc kết nối nông sản vừa phục vụ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy sản xuất, khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm, lấy người dân làm trung tâm như chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
“Không chỉ là giá trị đơn thuần của sản phẩm, nó còn mang giá trị nhân văn, lịch sử. Chúng ta cần cố gắng xây dựng diễn đàn này thành kênh hiệu quả”- Thứ trưởng Doanh cho hay.
Tuy nhiên, việc kết nối cung cầu hiện nay gặp một số khó khăn về thông tin, thu gom, tổ chức đầu mối, giao hàng theo nhu cầu của người mua.
Trên cơ sở hoạt động thực tiễn, Tổ Công tác 970 đề nghị 3 vấn đề cần làm ngay.
- Với các nhà bán lẻ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu: Đề nghị các cơ sở này mạnh dạn liên kết với Tổ 970. Tổ cam kết, sẵn sàng cung cấp mọi thông tin người mua, người bán, cả về đơn vị vận chuyển, logistics, lẫn hỗ trợ thủ tục ký hợp đồng trực tiếp.
- Đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thí điểm chương trình sản xuất nông nghiệp tốt cho người mua, dựa trên ghi chép nhật ký điện tử sản xuất. Từ đó, giao cho các siêu thị lớn, giúp bên mua có thể nắm rõ quy trình sản xuất, và lấy cơ sở để xây dựng mã số vùng trồng.
- Đề nghị các sở NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố sớm hình thành các tổ liên kết với Tổ Công tác 970, giúp hỗ trợ người dân thực hiện nhanh chóng các đơn hàng.
5 "điểm nghẽn" cần tháo gỡ để kết nối thành công
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngày xưa chúng ta bán cái mình có, bây giờ bán cái thị trường cần. Thị trường quyết định, chứ người sản xuất không quyết định.
Theo đó, thị trường chỉ đáp ứng được khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này, để Ban Chỉ đạo phát triển thị trường, xúc tiến thị trường đưa ra những quyết sách phù hợp.
"Thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Các sở NN&PTNT cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. Mọi điều đều phụ thuộc vào thị trường và cách ứng xử với thị trường"- Bộ trưởng Hoan nhận định.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định: Trong tương lai, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức do chuỗi cung ứng sẽ gãy đổ vì mất chỗ dựa, thiếu nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào, từ đó dẫn đến ngưng sản xuất hoặc sản xuất thiếu chất lượng.
“Về lâu dài, chúng ta phải có những giải pháp thiết thực, nhất là thay đổi từ nhận thức, tư duy để phục vụ cho kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất, đảm bảo giá trị hàng hoá, quy mô hàng hoá, đảm bảo chuỗi cung ứng, phân chia lợi ích từ người nông dân đến chuỗi thương mại”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Để sự kết nối thành công, ông Nguyễn Hoàng Anh đưa ra 5 đề xuất.
Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo để xác định một đầu mối xây dựng bộ khung quy tắc về liên kết chuỗi cho từng sản phẩm ngành hàng cụ thể.
Thứ hai, chọn các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành để hưởng ứng khi có bộ khung quy tắc này.
Thứ ba, chọn các sản phẩm đặt ra hạn ngạch, tỷ trọng và rà soát quy hoạch vùng, địa phương có lợi thế, phù hợp năng lực sản xuất cho từng sản phẩm, ngành hàng từ giống đến nuôi trồng, quy hoạch, lưu trữ, chế biến, thương mại.
Thứ tư, nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho sản xuất sản phẩm của các ngành hàng hoặc xã hội hoá theo hình thức PPP (đối tác công tư ); giao tổ chức, hiệp hội ngành hàng quản trị những nội dung cụ thể (như quản trị hạn ngạch, quản trị tiêu chuẩn, quản trị chất lượng, quản trị sản lượng đối với từng sản phẩm, ngành hàng).
Thứ năm, cần tạo và hỗ trợ công tác truyền thông mạnh mẽ để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng ra thị trường mở. Cơ quan đầu mối quản lý ngành hàng luôn theo dõi, sơ kết, tổng kết, đánh giá, xây dựng kế hoạch thực thi chính sách pháp luật; tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển từng sản phẩm, ngành hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, những nội dung trên hết sức cần thiết và được xem như mơ ước trong toàn ngành sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng, hướng đến sự cạnh tranh, hội nhập và sự phát triển bền vững.
“Tôi mong rằng sau hội nghị này, chúng ta sẽ nhìn thấy được sản phẩm kết nối thiết thực và bền vững trong tương lai, tháo gỡ khó khăn về lưu thông giữa các địa phương trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi cung ứng để "đường đi" nông sản cho bà con bớt nhọc nhằn”, ông Anh chia sẻ.