3 bộ họp khẩn ‘gỡ khó’ cho lưu thông hàng hoá, nông sản
(DNTO) - Để tháo gỡ khó khăn cho hàng hoá nông sản, 3 Bộ gồm: Giao thông vận tải - NN&PTNT - Công thương, đã họp khẩn và cùng thống nhất, tất cả các tuyến đường bộ, đường thuỷ đều là “luồng xanh” để phục vụ công tác vận chuyển hàng hóa.
Vận chuyển hàng hoá bị ách tắc
Chiều 25/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến cùng Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT về tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, vận chuyển nông sản trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay, sau khi một số địa phương áp dụng những biện pháp tăng cường, nâng cao trong công tác phòng chống dịch, dẫn đến công tác đi lại, vận chuyển hàng hóa đang có nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, thiết bị, vật tư y tế thiết yếu. Một số địa phương yêu cầu lái xe đã có giấy nhận diện phải có giấy đi đường do địa phương cấp…
Trước những phản ánh liên quan đến bất cập trong chính sách kiểm soát dịch, gây ách tắc vận tải một số ngày vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương rà soát lại các văn bản đã ban hành. Văn bản nào làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” phải dừng áp dụng, tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông hàng hóa.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, dù có những tín hiệu lạc quan, song ngành nông nghiệp được dự báo phải đương đầu với nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Cụ thể, xe vận chuyển giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và vật tư nông nghiệp vẫn chưa được tạo điều kiện lưu thông ở một số xã, huyện, điều này kéo theo chi phí vận chuyển và bốc dỡ gia tăng. Container rỗng ngày càng khan hiếm. Tại các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Cần Thơ, xe chở nông sản thậm chí không thể lưu thông.
Lấy ví dụ về doanh nghiệp Ba Huân, đơn vị cung cấp hơn 1 triệu quả trứng một ngày cho TP. HCM, không thể đi qua Cần Thơ trong vài ngày, dù đã có giấy nhận diện QR Code. Thứ trưởng Tiến kêu gọi các Bộ, ban, ngành đồng loạt vào cuộc. Bên cạnh đó, ông đề nghị các địa phương thống nhất chỉ đạo, tránh tạo ra cát cứ, ách tắc cục bộ.
"Hiện chúng ta có nhiều loại nông sản mùa vụ và các mặt hàng tươi, dễ bị ảnh hưởng bởi lưu thông nếu thời gian kéo dài. Thủ tướng đã chỉ rõ rằng, nông nghiệp là trụ đỡ, là nền tảng của kinh tế, giúp ổn định nông thôn, và tạo tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Muốn vậy, chúng ta cần tạo cơ chế, hành lang linh hoạt để doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đảm bảo sản xuất trong hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, ông Tiến nhấn mạnh, không để ùn ứ hàng hóa, ảnh hưởng tiêu thụ do thiếu nhất quán trong triển khai thực hiện của các địa phương. Phải đảm bảo kết nối thông suốt cung - cầu tiêu thụ. Trước mắt phải giữ vững đà tăng trưởng của khu vực phía Bắc để đảm bảo cung ứng và có phần dự phòng, phần dư để điều tiết cho thị trường miền Nam…
Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Trần Duy Đông khẳng định, hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo đường nào cũng là "luồng xanh", chỉ không được phép vận chuyển hàng hóa bị cấm nên đề nghị các tỉnh phải rà soát lại các văn bản chỉ đạo trái với tinh thần của Chính phủ, Bộ GTVT.
Theo ông Đông, tình trạng lái xe có giấy xét nghiệm còn hiệu lực nhưng vẫn phải test nhanh trước khi lưu thông qua địa bàn như An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu là không hề có căn cứ, chỉ gây thêm bức xúc, ùn tắc và tạo tâm lý chán nản không muốn đi làm của đội ngũ lái xe, trong khi lực lượng này đang thiếu hụt.
“Chúng tôi cũng đã kiểm điểm và chỉ đạo quyết liệt, gay gắt với Sở Công thương thành phố Cần Thơ về những quy định vừa qua, và đã chỉ đạo các Sở Công thương khác cũng phải rút kinh nghiệm chung”, ông Đông nói.
Liên bộ "bắt tay" gỡ khó cho lưu thông hàng hoá
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, việc thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm chung.
"Để chống dịch thành công, hàng hóa phải lưu thông từ nơi sản xuất đến tiêu thụ. Bằng không, người dân sản xuất hàng hóa không bán được, trong khi người tiêu dùng lại thiếu ở khu vực giãn cách. Do đó, vai trò của các Bộ, ngành lúc này đều quan trọng, nhằm phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như xuất khẩu", Bộ trưởng Thể nhận định.
Sau khi trao đổi, bàn bạc, ba bộ thống nhất, bắt tay vào những việc cần làm ngay nhằm tăng lưu thông hàng hóa và đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm.
Cụ thể, phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu trừ hàng cấm. Tất cả các tuyến đường bộ, đường thuỷ đều là luồng xanh để phục vụ vận chuyển hàng hóa.
Các địa phương thực hiện trên nguyên tắc tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa đều được lưu thông; cấp mã QR code là để tạo ưu tiên khi qua chốt, chỉ tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý nghiêm minh với các vi phạm.
Khi tổ chức kiểm soát phải đảm bảo không được để ùn tắc giao thông kéo dài, nghiêm trọng, nếu xảy ra ùn tắc phải xả chốt ngay để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây bức xúc cho lái xe và ách tắc hàng hóa. Việc cấp QR Code phải tự động toàn bộ. Theo đó, chủ phương tiện chủ động cập nhật thông tin nếu có sự thay đổi mà không cần phải làm lại hồ sơ cấp QR Code.
Ba bộ cũng yêu cầu các địa phương thống nhất về công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 giữa các địa phương với nhau. Các phương pháp test nhanh và test PCR giá trị như nhau, và cùng có giá trị 72 giờ.
Cần phải quan tâm đúng mức về việc ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe, phục vụ theo xe, đội ngũ bốc xếp hàng hóa; không yêu cầu cấp giấy đi đường đối với lái xe mà phương tiện đã được cấp giấy nhận diện. Không thiết lập các trạm trung chuyển hàng hóa. Nơi nào đã lập thì xóa bỏ.
Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị các địa phương phải tăng cường lắng nghe, theo dõi thông tin từ các cơ quan truyền thông báo chí, dư luận để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh, qua đó kịp thời điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
“Các địa phương khi đưa ra các biện pháp, quy định cần phải đánh giá kỹ những phát sinh không cần thiết có thể gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.