Khẩn trương xử lý vướng mắc trong cấp mã QR cho phương tiện lưu thông trên 'luồng xanh'
(DNTO) - Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện kiểm tra, làm rõ các vấn đề mà lái xe đang phản ánh về việc sử dụng mã QR, đồng thời hướng dẫn cho lái xe, doanh nghiệp cách sử dụng nhanh chóng, thuận lợi.
Qua giám sát, kiểm tra thực tế và nắm bắt tình hình hoạt động vận tải trong các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT cho biết, hiện nay tình hình giao thông tại 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 ổn định, phương tiện chở hàng hóa lưu thông nhanh chóng, không phát sinh thêm điểm ùn tắc mới. Đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải đã chủ động triển khai kiểm soát y tế cho người điều khiển phương tiện ngay tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Tổ công tác cho biết, theo phản ánh của một số địa phương và doanh nghiệp vận tải, việc cấp mã QR ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" tại các địa phương còn chậm so với yêu cầu thực tế.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay Thẻ nhận diện phương tiện (kèm mã QR) nhằm mục đích ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động trên "luồng xanh" đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt. Việc cấp Thẻ nhận diện phương tiện được thực hiện online và Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định “không có hiện tượng tiêu cực” trong công tác cấp Thẻ nhận diện.
"Trong thời gian mới triển khai, do nhu cầu cấp Thẻ nhận diện của doanh nghiệp lớn và cùng đề nghị trong một thời điểm dẫn đến việc xử lý thông tin, cấp mã QR còn chưa đáp ứng kịp thời so với thực tế", đại diện Tổng cục Đường bộ cho hay.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và yêu cầu đơn vị thực hiện kiểm tra, làm rõ các vấn đề mà doanh nghiệp phản ánh. Đồng thời, khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc và chỉ đạo các Sở GTVT để tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải đăng ký Thẻ nhận diện phương tiện (kèm mã QR).
Trong quá trình cấp Thẻ nhận diện phương tiện (kèm mã QR) tại các địa phương, nếu có bất cập, doanh nghiệp và tài xế cần liên hệ ngay với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để xử lý và hướng dẫn kịp thời. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để hướng dẫn cho các đơn vị vận tải sử dụng phần mềm chung của Tổng cục Đường bộ.
"Tổng cục Đường bộ bố trí cán bộ tiếp nhận đăng ký và cấp mã QR cho doanh nghiệp; thực hiện kiểm tra và giải quyết ngay việc cấp mã QR với các phương tiện, lái xe đã cung cấp đủ thông tin hợp lệ. Các bộ phận có liên quan thực hiện nghiêm túc việc cấp mã QR đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, không để xảy ra tiêu cực hoặc gây khó khăn cho các đơn vị vận tải", Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT yêu cầu.
Trước đó, chỉ đạo tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tổ chức vận tải gắn với phòng chống dịch bệnh Covid-19 giữa Bộ GTVT với Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố ngày 23/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các địa phương sử dụng phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, cấp giấy thông hành "luồng xanh" vận tải (qua mã QR) cho các doanh nghiệp, phương tiện phải đảm bảo phương tiện lưu thông qua chốt kiểm dịch thông suốt, không xảy ra ùn tắc, tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực.
Xét nghiệm SARS-COV-2 lưu động cho lái xe
Trong ngày 24/7, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký văn bản đồng ý về chủ trương đối với đề xuất của Cục Y tế GTVT về việc tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 lưu động cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa theo đối tượng tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế (Văn bản số 5886/BYT-MT ngày 22/7/2021, Văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021) tại một số đơn vị vận tải, đầu mối hàng hóa trên địa bàn TPHCM và một số địa phương khác.
Bộ GTVT cũng giao cho Cục Y tế GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở GTVT chỉ đạo Bệnh viện GTVT TPHCM, Bệnh viện GTVT khu vực khác phối hợp cùng Hiệp hội Vận tải hàng hóa địa phương, đơn vị vận tải tổ chức triển khai, thực hiện xét nghiệm lưu động cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị phải đảm bảo các quy định của Bộ Y tế về thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-COV-2. Đồng thời, có phương án xử lý đối với trường hợp khi xét nghiệm phát hiện kết quả dương tính của người điều khiển phương tiện.
Các đơn vị thực hiện thông báo công khai cho người điều khiển phương tiện, đơn vị vận tải biết về các nội dung: Đối tượng được ưu tiên miễn phí bộ Kít xét nghiệm nhanh theo quy định; Đối tượng không được ưu tiên; Chi phí xét nghiệm đối với từng đối tượng, bảo đảm phù hợp với các quy định của Bộ Y tế và các quy định khác có liên quan.