'Vá lỗ hổng' thương mại điện tử: Mở rộng cánh cửa xuất nhập khẩu
(DNTO) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thương mại điện tử được ví như chiếc "phao cứu sinh" giúp cho nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, vượt qua khó khăn của biến động thị trường. Tuy nhiên, cần có chính sách quản lý chặt chẽ, đảm bảo chống lợi dụng gian lận thương mại.
Phát triển nóng nhưng thiếu khung khổ pháp lý
Có thể nói, thương mại điện tử (TMÐT) đã tạo ra bước ngoặt mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dựa trên nền tảng công nghệ để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và quảng bá sản phẩm đến các đối tác toàn cầu nhờ sự tiện lợi, chi phí thấp, không bị giới hạn địa lý…
Theo đó, trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ chóng mặt và phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô của hoạt động kinh doanh TMÐT.
Theo thống kê của Cục TMÐT, thị trường TMÐT Việt Nam năm 2020 tăng trưởng ấn tượng với mức 18%, quy mô đạt gần 12 tỷ USD, ước đạt 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2025, quy mô sẽ còn tăng trưởng mạnh, đạt mức 35 tỷ USD
Đánh giá về hiệu quả xuất khẩu qua thương mại điện tử thời gian gần đây của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Đình Toản- Chủ tịch Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (VESA) cho biết, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi tích cực hoạt động TMĐT đã ký được những hợp đồng với giá trị lớn. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã biết tận dụng tốt TMĐT để giành lấy những cơ hội xuất nhập khẩu trực tuyến.
“Bản chất của ứng dụng TMĐT là rút ngắn khoảng cách, trong kinh doanh, ai nắm giữ “chìa khóa” thì người đó có lợi nhuận và có khả năng cạnh tranh lớn nhất. Bởi vì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chính là khả năng sống sót, vươn lên và phát triển trước các đối thủ. Khi thế giới phẳng hơn, không có nghĩa là cơ hội trở nên bình đẳng như nhau giữa các quốc gia và doanh nghiệp"- ông Toản nhận định.
Tuy nhiên, "sân chơi" lớn này đang bị các đối tượng lợi dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nguyên nhân bởi, thị trường này hiện đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý các loại hình TMÐT khác nhau.
Tại cuộc hội thảo "Nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử", ngày 30/8, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng, phải đổi mới phương thức quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để kiểm soát thị trường và "đầu vào" của hàng hóa, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe mới có thể làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo sự công bằng, thuận lợi, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, phòng chống lợi dụng gian lận thương mại gây méo mó uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.
"Cần có quy trình mới cho một loại hình thương mại được dựa trên nền tảng công nghệ, áp dụng cho xuất nhập khẩu hàng hóa qua TMĐT nhằm mang lại hiệu quả quản lý tốt hơn, nhưng cũng đảm bảo thủ tục sẽ được nhanh hơn, dựa trên ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp"- Ông Thành nhận định.
Làm rõ đối tượng cần điều chỉnh
Ông Mai Xuân Thành cho rằng, Việt Nam chưa có các quy định riêng đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu theo các giao dịch TMĐT, dẫn đến nhiều vướng mắc, khó khăn cho hoạt động TMĐT như: Áp lực về thời gian thực hiện thông quan, thu thập thông tin người xuất khẩu, nhập khẩu. Ngoài ra, do hàng hóa được thanh toán qua mạng Internet nên người khai hải quan có thể không xuất trình được chứng từ thanh toán do thực hiện thanh toán điện tử qua các thẻ thông minh, hoặc phải qua ngân hàng để xin các thông tin sao kê thay cho chứng từ thanh toán...
"Trong một số trường hợp người khai hải quan lại khai báo là quà biếu, quà tặng thay vì khai báo việc giao dịch bằng TMĐT. Điều này gây nhiều khó khăn cho cơ quan hải quan trong công tác quản lý, công tác thống kê số liệu, công tác thu thập thông tin phục vụ việc quản lý rủi ro, công tác lợi dụng chính sách để gian lận thương mại..."- ông Thành dẫn chứng.
Do đó, theo ông Thành, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm sau:
Đối với thủ tục hải quan: Tiếp tục thực hiện đơn giản, nhanh chóng, đảm bảo quản lý của cơ quan hải quan, thu đúng, thu đủ thuế xuất khẩu, nhập khẩu, phòng chống gian lận thương mại.
Cần sớm ban hành quy định các đối tượng có liên quan tham gia/dừng tham gia vào Hệ thống Quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT; Quy định các đơn vị cung cấp trước thông tin về đơn hàng/thông tin về vận chuyển lô hàng đến Hệ thống Quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT…
Bên cạnh đó, có quy định về việc thời gian cập nhật kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT cần được cập nhật trên hệ thống xử lý chậm nhất 2 giờ làm việc sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành, nhưng không chậm hơn thời gian thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang triển khai thực hiện.
Đối với nhóm quy định về hệ thống, để đảm bảo quản lý, tạo thuận lợi cho hoạt động này phát triển, tại dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể về Hệ thống Xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT. Hệ thống này sẽ kết nối với Hệ thống Hải quan thông minh nhằm mục tiêu tiếp nhận, tích hợp, chia sẻ thông tin về đơn hàng từ phía người bán hoặc sàn giao dịch TMĐT.
Đồng thời, các bộ, ngành liên quan khẩn trương, chủ động rà soát danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành để đưa vào danh mục hàng hóa được miễn cấp phép khi giao dịch qua TMĐT. Xây dựng quy trình về việc cập nhật kết quả cấp phép, đảm bảo đúng tiến độ về thời gian cập nhật.